Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Cơ thể biến dạng của nạn nhân vụ núi lửa phun trào

Gặp nạn trong vụ núi lửa phun trào, Jake Milbank (New Zealand) bị bỏng nặng, cơ thể biến dạng. Sau hơn một năm, anh chia sẻ lại ký ức kinh hoàng và những cảm xúc đã trải qua.

14h09 phút ngày 9/12/2019, Jake Milbank, hướng dẫn viên du lịch, đang quan sát người đồng nghiệp của mình là Kelsey Waghorn trò chuyện với nhóm gần 20 du khách phía trong miệng núi lửa ở Đảo Trắng, New Zealand.

Kelsey đã có tìm hiểu trước chuyến tham quan về các dòng nước ngọt trên đảo và cách các loại khoáng chất tạo ra hương vị khác nhau. Cô chỉ vào một dòng nước và giải thích rằng nó có hương vị khá giống nước chanh, trong khi một dòng khác chứa nhiều sắt đến mức có vị như máu.

Nhóm khách tham quan hôm nay chủ yếu là người Australia, có một vài người Mỹ. Chuyến du ngoạn cũng ngắn hơn. Hòn đảo này đã ở mức cảnh báo 2 do mức độ hoạt động địa chất bất thường trong vài tháng qua. Điều này khiến miệng núi lửa cũng trở nên thú vị hơn đối với các du khách, và với cả Jake.

Cơ thể biến dạng của nạn nhân vụ núi lửa phun trào - Ảnh 2.

Jake Milbank hồi phục sau khi gặp nạn trong vụ núi lửa phun trào.

Vào ngày cận kề sinh tử, đáng ra Jake không có mặt ở đó. Hôm ấy là sinh nhật thứ 19 của Jake, anh đã xin nghỉ cả ngày. Nhưng một trong những đồng nghiệp của anh báo ốm. Ông chủ gọi điện hỏi liệu anh có thể vào được không, Jake đồng ý rồi đi đến bến tàu của Whakatane để chất đồ lên thuyền.

Không ai ngờ rằng đến cuối ngày hôm ấy, núi lửa phun trào khiến 22 người sẽ ch*t và 25 người khác bị thương. Jake bị bỏng tới 79% cơ thể, chỉ có bàn chân, nách và phần da bên dưới chiếc quần đùi của anh không bị thương tổn.

Jake đã vượt qua cửa tử. Hơn một năm sau, anh chia sẻ về những ký ức kinh hoàng trong ngày gặp nạn vì núi lửa phun trào.

Phút giây cận kề cái ch*t

Nhóm tổ chức cuộc họp giao ban an toàn như thường lệ và hướng dẫn mọi người luôn giữ vững tinh thần. Các hướng dẫn viên chỉ cho nhóm cách đeo cách đeo mặt nạ phòng độc và cách tìm chỗ ẩn nấp sau một trong những gò đá trên đảo nếu có chuyện gì xảy ra.

Trong trường hợp nguy hiểm, đài sẽ phát loa gọi các thành viên trở lại thuyền và đi dọc các con suối nơi họ sẽ được đón. Đó là nội dung bản tóm tắt an toàn mà Jake đã nghe vài trăm lần.

14h11 phút, nhóm du khách thứ hai đang ở hồ miệng núi lửa, nơi nhóm của Jake đã đến trước đó vài phút.

Trên bầu trời trong xanh, một đám tro bụi màu đen xám bắn thẳng lên không trung. Chỉ trong chốc lát, cả nhóm như bị thôi miên, tất cả đều nhìn thẳng vào cột đen cao hàng trăm mét.

Họ lập tức quay trở về thực tại. Cả Jake và Kelsey đều la hét gọi mọi người tìm chỗ ẩn nấp. Jake bắt đầu chạy lao đi, vẫy nhóm về phía một số ụ đá lớn hơn gần đó, cố gắng kéo mọi người lại phía mình.

Vài giây sau vụ phun trào đầu tiên, một vụ nổ khác làm dòng dung nham trào qua miệng núi lửa. Nhiều người cho rằng mối nguy hiểm nhất của núi lửa là dung nham, trên thực tế, nó di chuyển khá chậm và có thể đoán trước được.

Mặt khác, dòng pyroclastic như một trận tuyết lở gồm tro và khí nóng bỏng, cao hàng trăm mét, giáng xuống nhóm của Jake với vận tốc 200 km/giờ. Đó mới là mối đe dọa thực sự.

15 giây đã trôi qua kể từ lần phun trào đầu tiên. Jake không có thời gian để suy nghĩ, tất cả chỉ là phản xạ. Anh và những người khác vừa đến được rìa của những gò đá gần đó - một trong những nơi ẩn náu tốt nhất trên toàn đảo - khi bầu trời ngày nắng chuyển sang đen kịt.

Cơ thể biến dạng của nạn nhân vụ núi lửa phun trào - Ảnh 3.

Jake bị bỏng nặng nhưng đã may mắn sống sót.

"Điều đầu tiên tôi nhận thấy là sức ép của khí, ngay cả khi đang đeo mặt nạ phòng độc. Sau đó mọi thứ nóng ngay lập tức, mọi người la hét giống như đang ở trong một cái lò đẫm máu. Rất, rất nóng. Nó đang di chuyển quá nhanh".

"Những tảng đá nhỏ và những khối tro bụi đập vào xung quanh chúng tôi, gió thổi rất mạnh. Giống như đang trong một cơn bão, một cơn bão nóng".

Trong hơn một phút, nhóm của Jake co cụm trên gò đất. Anh nhớ lại khi cố gắng hé mắt, đôi mắt ngay lập tức nghẽn đầy tro và khí axit. Trong bóng tối, Jake có thể nghe thấy mọi người xung quanh la hét, thời gian chậm chạp trôi, như kéo dài tới vô tận.

"Quá nóng, mọi người chỉ la hét xin cứu mạng. Không thể làm gì nhiều, bởi vì nếu di chuyển ra khỏi nơi trú ẩn, chúng tôi sẽ bị thổi bay. Nó rất mạnh. Khi đó tôi mới biết mọi thứ tồi tệ đến mức nào".

Cuối cùng núi lửa cũng ngừng hoạt động và dòng chảy giảm xuống. Theo kế hoạch an toàn, cả nhóm đi về phía con lạch dẫn đến bến tàu.

"Tôi thậm chí không thể nhìn thấy con lạch. Nhưng một khi chúng tôi xuống đó, tôi sẽ biết mặt trời ở đâu, có thể sử dụng nó để đi đúng hướng. Chừng nào tôi còn ở trong con lạch, tôi biết mình sẽ xuống tới bãi biển".

Anh kể không ai có thể chạy vì xung quanh là một lớp tro quá dày: "Giống như đi trong tuyết bột. Nó dày đến tận đầu gối của chúng tôi".

Khi lê bước qua đống tro nóng, Jake mới bắt đầu nhận ra mình đang ở trong tình trạng tồi tệ. Anh nhìn xuống cánh tay và thấy phần da "rũ xuống như bị bỏng".

"Khi chúng tôi đến cầu cảng, tôi nắm lấy một trong những tay vịn của thang và da trên lòng bàn tay tôi trượt ra. Mọi thứ có thể làm chỉ là lên thuyền, về dất liền và đến bệnh viện", Jake nhớ lại.

Chiếc thuyền đã đưa các nhóm đi 50 km qua Vịnh Plenty đến Đảo Trắng, rồi tăng tốc trở lại để đón những người thương vong trên cầu cảng. Mọi người đều cố gắng xuống thuyền nhanh nhất có thể, nhưng điều đó không dễ dàng.

Khi chen chúc trên thuyền, nỗi đau bắt đầu ập đến: "Ban đầu sẽ rất nóng, sau đó thực sự lạnh, vì vậy họ đã đắp những chiếc 'chăn' bằng giấy bạc lên người chúng tôi rồi cởi chúng ra lần nữa và đổ nước lên mắt để cố gắng loại bỏ tro và axit".

Anh nói rằng việc chạm vào mọi thứ, dựa vào ghế hay ngồi xuống đều rất đau. Nhìn xung quanh, Jake thấy mọi người cũng đang trong tình trạng rất tệ. Tất cả đều nằm xuống và rên rỉ kêu cứu liên tục. "Cứu tôi với", "Hãy cho tôi nước", những tiếng rên la khiến không khí càng trở nên tệ hơn.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ không giống họ nhưng cuối cùng lại la hét nhiều hơn những người khác".

Lạc quan về tương lai

Tính đến ngày gặp nạn, Jake đã làm hướng dẫn viên du lịch được một năm, lẻ một ngày. Lớn lên ngay bên ngoài Whakatane, trên Vịnh Plenty của New Zealand, anh sớm có tình yêu lớn với thiên nhiên. Ngày còn nhỏ, Jake thường dành cả ngày để câu cá và săn bắn.

Sau khi học xong, anh xin việc tại White Island Tours. Ban đầu anh chỉ xin làm thợ boong tàu, chuyên chở khách qua lại hòn đảo. Điều anh không nhận ra là bản thân dần trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

Vốn là đứa trẻ nhút nhát, nhưng anh nghĩ sẽ thay đổi mình và bắt đầu nghe các hướng dẫn viên khác, học cách nói chuyện từ họ. Khoảng 3 tháng, Jake bắt đầu quen việc.

Jake hồi tưởng lại toàn bộ chuyến đi khủng khiếp để trở về đất liền, lúc được xe cứu thương đưa lên thuyền, sau đó chỉ còn là ánh mắt của các bác sĩ và y tá trước khi anh chìm vào cơn hôn mê suốt 2 tuần.

"Tôi đã nhờ chị gái và mẹ chụp ảnh mình, vì tôi không thể cử động. Tôi đã chứng kiến ​​tất cả, và đó cũng là lúc tôi nhận ra mình tệ đến mức nào".

Trong những tuần sau đó, cứ 3 hoặc 4 ngày, Jake lại đến phòng phẫu thuật để ghép da mới hoặc thay băng. Tháng đầu tiên, cuộc sống của anh chỉ có các cuộc phẫu thuật và Thu*c men.

Tần suất của những lần điều trị chậm lại vì bác sĩ phải chờ các vùng da của anh lành lại. Anh nói nỗi đau suốt thời gian đó "điên cuồng, đau đớn không thể tả thành lời".

Dần có thông tin về những người không may mắn. Trong những tuần sau đó, các thi thể đã được vớt lên khỏi hòn đảo, và những người khác được tìm thấy như Jake đã không qua khỏi tại các bệnh viện ở New Zealand và Australia.

Hayden Marshall-Inman, một trong những người cố vấn của Jake tại White Island Tours, đã ch*t cùng gần như toàn bộ nhóm ở trong miệng núi lửa khi vụ phun trào bắt đầu.

"Thật sự đau lòng và khó chấp nhận được khi nghe tin về anh ấy", Jake nói. Anh nhớ lại cách Hayden đã chỉ cho mình những sợi dây thừng, cho anh nhiều lời khuyên và giúp anh vượt qua sự nhút nhát vốn có trước đám đông.

Cơ thể biến dạng của nạn nhân vụ núi lửa phun trào - Ảnh 4.

Jake lạc quan và vẫn yêu công việc hướng dẫn viên du lịch.

Ban đầu, Jake và gia đình được cảnh báo rằng anh ta có thể phải chăm sóc đặc biệt trong 4 tháng và điều trị ở viện kéo dài tới một năm, nhưng sau một loạt các cuộc phẫu thuật và vật lý trị liệu để phục hồi các cơ bị teo, anh ta đã được xuất viện sau 3 tháng 3 tuần.

"Tôi đã làm tốt hơn những gì mình nghĩ. Có thể vì tôi luôn là một người khá tích cực".

Tính đến nay, Jake đã trải qua 26 ca phẫu thuật, một số ca phẫu thuật diễn ra sau khi xuất viện để cải thiện vùng da bị sẹo lõm. Dù việc nhìn vào gương trong thời gian này khiến bản thân cảm thấy "khá điên rồ".

Jake nói rằng vụ T*i n*n không thực sự thay đổi con người anh: "Ngoại hình của tôi đã thay đổi, nhưng tôi không muốn để điều đó cản trở mình".

"Chắc chắn sẽ khó quên đi ngày đó trong một thời gian dài, vì tôi đã mất đi những người bạn thân. Nhưng tôi không có bất kỳ cảm xúc xấu nào đối với hòn đảo. Đó là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở New Zealand. Tôi đã trở lại đó, nhưng không phải đứng trên đảo, mà trên thuyền, chỉ ngồi ngoài bãi biển. Đó là một nơi tuyệt đẹp, đáng kinh ngạc. Bạn phải ở đó để hiểu về nó".

Theo ZingNews.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/co-the-bien-dang-cua-nan-nhan-vu-nui-lua-phun-trao-20210131215655692.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY