Với sự ra quân quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong 1 tuần nay, tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy mua khẩu trang y tế, nước sát trùng về tích trữ đã giảm đáng kể. Số vụ vi phạm về giá của các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu Thu*c đối với mặt hàng này cũng giảm hơn so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh nCoV đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch gia tăng. Tại nhiều địa phương đang xảy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Hơn 1 tuần qua, lực lượng QLTT đã xử lý, phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn vi phạm về giá |
Theo Tổng cục QLTT, tại Hà Nội, mặt hàng khẩu trang y tế khan hiếm. Một số công ty như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cung cấp khẩu trang vải không lợi nhuận ra thị trường. Với tình trạng nước rửa tay sát khuẩn khan hiếm, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã pha chế ra nước rửa tay phát miễn phí cho cán bộ, sinh viên và người dân.
Tại tuyến Lạng Sơn, Hải Phòng, nguồn cung các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng rất khan hiếm, đều treo biển hết. Cùng chung với tình trạng trên, tại miền Trung – Tây Nguyên, nhiều cửa hàng cũng thông báo dừng hoạt động bán mặt hàng y tế, chỉ có chuỗi hệ thống Dafaco bán hàng bình ổn. Hay tại TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở, nhà Thu*c, cửa hàng dụng cụ y tế trên địa bàn kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay khử trùng với số lượng nhỏ, nhiều cửa hàng thông báo hết hàng do cơ sở sản xuất chưa kịp cung ứng; không có tình trạng chen lấn mua hàng hay thu gom, găm hàng.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – cho biết, qua 1 tuần, lực lượng đã kiểm tra, xử lý khoảng 3.000 vụ việc. Trong quá trình điều tra, xử lý, lực lượng QLTT kết hợp các yếu tố ký cam kết hầu hết các nhà Thu*c. Hiện 63 đơn vị QLTT đã tổ chức thực hiện ký kết với các nhà Thu*c trên địa bàn tỉnh để các nhà Thu*c cam kết không găm hàng, không bán quá giá niêm yết.
“QLTT tiến hành xử phạt những hành vi găm hàng, kiên quyết xử lý những vi phạm, với mức phạt cao nhất, kể cả chỉ bán 10 hộp. Đồng thời xử phạt những hành vi không niêm yết giá tại cửa hàng và hàng không rõ xuất xứ, nhãn mác” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Đối với những khẩu trang bị tịch thu, nếu hàng chất lượng, chỉ thiếu nhãn mác, theo ông Trần Hữu Linh, sẽ cho đưa trở lại lưu thông. Đối với khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ, QLTT cho phép áp dụng trình tự xử lý hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để xử lý nhanh, sớm đưa vào lưu thông trên thị trường.
“300 nghìn chiếc khẩu trang tại Móng Cái bị bắt giữ đã giải toả đưa lại lưu thông. Hay tại Lạng Sơn, 200 nghìn khẩu trang cũng đã giải toả. Doanh nghiệp của Lạng Sơn cũng đã mua lại phát miễn phí”- ông Trần Hữu Linh cho biết thêm.
Trước tình hình khan hiếm khẩu trang như hiện nay, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng. Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.
Theo đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang kháng khuẩn tăng cường tổ chức sản xuất, tiến hành hợp chuẩn hợp quy. Kết hợp nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối đưa hàng vào các siêu thị Vinmart, Saigon Coop, Aeon…
Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn đã thực sự ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch với quan điểm ưu tiên cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước |
Khẩu trang là mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch hiện nay, ông Trần Hữu Linh đã cảnh báo, một số đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, thu gom các khẩu trang y tế đã qua sử dụng, loại sử dụng 1 lần để tái chế, bán ra thị trường. Điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng sản xuất dung dịch nước rửa tay, nước sát khuẩn giả.
“Thậm chí có tình trạng thu gom các chai đựng dung dịch sát khuẩn, sau đó đóng các dụng dịch không đạt chất lượng để bán, đặc biệt là bán qua mạng, giá bao nhiêu người dân cũng mua” – ông Trần Hữu Linh cho hay.
Trước tình trạng này, Tổng cục QLTT đã yêu cầu các Cục QLTT trên cả nước tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý. Đồng thời phối hợp với lực lượng công an để xử lý nghiêm, có thể xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, cho rằng thương mại điện tử sẽ là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cũng đã có công văn gửi các website, sàn giao dịch thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa nâng giá. Các sàn thương mại điện tử cũng chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật bộ lọc, nhân sự kiểm điểm ngăn chặn loại bỏ các hành vi vi phạm để không xảy ra hiện tượng tăng giá.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, hiện nay, hành vi nâng giá bán khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn trong sàn thương mại điện tử diễn ra rất phức tạp. Đã có hiện tượng nâng giá, hoặc giữ giá, nhưng tăng giá vận chuyển lên rất nhiều lần. Hay giao hàng cùng đơn hàng thông thường, nhưng giao thiếu sản phẩm…
“Tính đến ngày 7/2, đã có 18.000 sản phẩm vi phạm đã bị xử lý, 700 gian hàng bị khóa. Trong đó, Lazada đã xử lý 11.128 sản phẩm; 206 chủ bán hàng. Shoppe xử lý 2.132 sản phẩm và 267 nhà bán hàng” – ông Đặng Hoàng Hải cho biết thêm.
Trước tình hình bệnh dịch nCoV vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh nCoV, trong đó Bộ trưởng trực tiếp là trưởng ban, các thứ trưởng là thành viên. Với Tổng cục QLTT, Bộ trưởng yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi. Đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp với yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trangy tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo để sớm có báo cáo về vấn đề khẩu trang y tế, sản phẩm y tế 1 lần, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn với phối hợp với chính quyền địa phương.
Đối với Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt đặt trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác.
Chủ đề liên quan:
có thể dịch nCoV gom khẩu trang hình sự khẩu trang qua sử dụng sử dụng thị trường thu gom xử lý xử lý hình sự