Kinh tế xã hội hôm nay

Cuộc hành trình kỳ thú xuyên lục địa Á – Âu của một thành viên CLB Mô tô Hà Nội

MangYTe - Ông Trần Lê Hùng, một thành viên của CLB Mô tô Hà Nội đã hoàn thành chuyến đi xuyên lục địa Á - Âu dài 45.000 km cuối năm ngoái khi ở độ tuổi 66.

Nhìn người đàn ông có vóc dáng khá nhỏ nhắn với mái tóc dài lãng tử, không ai ngờ ông vừa hoàn thành chuyến "phượt" khiến đông đảo biker trong và ngoài nước phải nể phục.

Ông Trần Lê Hùng – một thành viên của câu lạc bộ Mô tô Hà Nội vừa hoàn thành chuyến đi 170 ngày khám phá xuyên lục địa Á – Âu vào cuối năm ngoái khi đang ở tuổi 65.

Từng là kỹ sư chế tạo nhưng trong người có máu "phượt", với ông được chạy xe mô tô trên các cung đường, được trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống và vẻ đẹp những nơi mình đi qua là một sự hưởng thụ tuyệt vời nhất.

Chiếc Honda 67 cùng với ông Hùng trên hành trình từ Bắc vào Nam.

Ông khẳng khái bày tỏ quan điểm :" Nếu có một ai cho tớ đi ô tô, cấp cả tiền cho tớ đi thì tớ cũng không đi!". Đến những địa điểm đẹp, ông chỉ lặng yên ngồi xuống ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây, hít vào hương vị của thiên nhiên để cảm nhận.

Là thợ ảnh tự chụp tráng phim và in phóng ảnh từ năm 1974 nhưng ông lại cho rằng mọi khung cảnh đẹp được ghi lại bởi các giác quan, tâm hồn của con người thì không có máy ảnh, quay phim nào có thể sánh bằng.

Ông sở hữu chiếc Honda 67 từ khi tuổi còn đôi mươi và cùng nó "chinh chiến" nhiều cung đường đến tận bây giờ. Năm 2014, một mình ông cưỡi chiếc Honda 67 chạy từ Hà Nội vào tận mũi Cà Mau trong 17 ngày đêm. Chạy mệt thì nghỉ, điểm nào đẹp thì dừng.

“Cố gắng mà thưởng thức thiên nhiên, cuộc sống bất kỳ lúc nào trên đường, chứ không phải chỉ đến nơi mới là thưởng thức”.

Ông tâm sự, cả chuyến đi đó giá trị nhất là khi chạy quãng đường ven biển dọc các tỉnh miền Trung, được ngắm những cảnh đẹp của đất nước, thấy chuyến đi của mình không hề uổng phí. Là dân mê bơi lội, những khi ở nhà thì hầu như chiều nào ông cũng phải đi bơi bất kể trời nóng hay lạnh. Vì thế, trong chuyến xuyên Việt, cứ đến bãi biển nào đẹp là nhảy xuống bơi. Tính ra ông đã được bơi ở hơn 20 bãi biển trong chuyến đi dọc đất nước này.

Trước chuyến chạy xuyên lục địa, ông cùng một số người bạn chạy cung Lào dịp Tết té nước bằng chiếc Honda 67. Với chiếc xe đã từng gắn bó hơn lâu năm, ông hoàn toàn có thể cảm nhận và làm chủ được nó để chạy trên những cung đường xa lạ nơi xứ người. Ông đã cùng chiếc xe của mình lên tới những điểm khó nhằn mà ít biker nào dám thực hiện.

Đặc biệt, người bạn đời của ông cũng có chung sở thích đi phượt bằng xe máy. Hai vợ chồng ông đã từng chạy nhiều nơi bằng chính chiếc Honda 67, nhưng nổi bật nhất là chuyến phượt vùng cao hơn một tuần, từ Hà Nội lên Lũng Cú (Hà Giang), chạy sang Cao Bằng lên thác Bản Giốc rồi qua Bắc Kạn. Nửa đời người sống và gắn bó với nhau trên nhiều cung đường, vợ ông hoàn toàn tin tưởng vào tính cách cũng như tay lái của chồng. Chính vì thế, bà hoàn toàn yên tâm khi ông thông báo sẽ thực hiện chuyến đi xuyên lục địa kéo dài gần 6 tháng.

Khi được người bạn rủ đi phượt vòng từ Á sang Âu trong khoảng thời gian 6 tháng, ông Hùng liền gật đầu đồng ý ngay lập tức. Trong suy nghĩ ban đầu, ông dự tính sẽ chạy bằng chính chiếc Honda 67 đã gắn bó với mình hơn 40 năm. Tuy nhiên sau khi biết được thông tin chuyến đi này yêu cầu phải chạy xe từ 250 phân khối trở lên, ông đã lập tức tìm kiếm chiếc xe phù hợp để đồng hành cùng mình trên quãng đường dài.

Mất nhiều ngày lùng sục các cửa hàng, chạy tới nhiều nơi bán xe để tìm chiếc ưng ý. Mỗi chiếc mô tô chạy thử ông đều trả luôn cho chủ xe 500.000 đồng, coi như một phí thuê xe. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu và lái thử nhiều chiếc xe mô tô khác nhau, cuối cùng ông Hùng chọn chiếc Honda 500 CBX, một dòng xe đa địa hình, rất thích hợp cho những chặng đường dài.

Thời gian trước ông đã từng chạy một chiếc Honda CB 250 cc nhưng "chiến mã" mới mang có cỗ máy dung tích 500 phân khối thì lại là một đẳng cấp khác hẳn, yêu cầu trình độ lái cũng như sức khỏe đều phải ở điều kiện tốt hơn.

Chiếc mô tô mới này có chiều cao và trọng lượng hơi quá sức đối với người đàn ông cao 1,6 mét. Bằng chính kiến thức chuyên ngành của một kỹ sư chế tạo, ông đã tìm cách hạ độ cao của xe đồng để phù hợp với mình, sau đó lập tức thời tìm nơi để luyện tay lái.

“Khi chưa đỗ xe ở cửa nhà mình thì đừng bao giờ chủ quan!” - Ông Trần Lê Hùng.

Mỗi lần mang xe đi tập, ông phải khoác lên người bộ đồ bảo hộ dày cộp dù trời nắng chang chang, đổ đầy cát vào thùng cốp của xe để tạo trọng lượng như thực tế, len lỏi vào mọi loại đường, học từ cách đổ xe đến cách dựng xe, cố gắng xoay sở ở những điểm hẹp. Sau 3 tháng nỗ lực luyện tập, ông cũng khá tự tin cưỡi trên chiếc xe mới để chinh phục chuyến hành trình để đời của mình.

Trong suốt hành trình dài 45.000 cây số, ông và bạn đồng hành đã trải qua không biết bao nhiêu những khó khăn, vất vả, nhiều sự cố bất ngờ không thể lường trước và thậm chí là cả những nguy hiểm.

Ngay cung đường đầu tiên ông đã gặp phải sự cố khi chạy trên các khúc cua bên đất Lào khiến chiếc xe Honda 500 CBX gẫy giảm sóc trước, hư hỏng gần như toàn bộ phần đầu. Xe tạm thời phải cho lên ô tô để đoàn tiếp tục hành trình đồng thời tìm kiếm phụ tùng thay thế. Thấy ông gặp sự cố nhưng vẫn quyết tâm đi tiếp, người đồng hành đã liên hệ được một người bạn bên Thái Lan cũng đang sở hữu dòng xe này.

Nhận được tin yêu cầu trợ giúp, họ đã không ngần ngại tháo ngay toàn bộ phụ tùng cần thay thế trên chiếc xe đang đi, gửi gấp ra sân bay chuyển sang biên giới Lào. Tại đây đã có một ô tô chờ sẵn nhận đồ rồi tiếp tục đuổi theo đoàn đến gần sát biên giới Lào – Trung Quốc thì bắt kịp. Sau khi chiếc xe đã được thay thế toàn bộ phụ tùng đã hỏng, ông lại tiếp tục lên đường, thậm chí còn coi sự cố vừa qua là một bài học và sự may mắn giúp ông bình tĩnh, thận trọng, lái xe an toàn hơn trong cả chặng đường dài phía trước.

Trên đường qua nước Nga vào đúng thời tiết mùa đông, cả đoàn đã phải trải cái lạnh khủng khiếp với nhiệt độ – 15 độ C, người ngồi một chỗ còn lạnh cóng chứ chưa nói đến việc cưỡi mô tô đi ngoài trời. Người dân bản xứ nhìn thấy chỉ biết lắc đầu, lè lưỡi, nghĩ những bọn biker này có thần kinh không bình thường. Ngồi nhớ lại, ông Hùng vẫn không thể tin được mình lại có thể vượt qua chặng đường khắc nghiệt kinh khủng đến vậy.

Hành trình kéo dài 170 ngày với chặng đường dài 45.000 km, qua 39 quốc gia và hơn 40 vùng lãnh thổ. Bắt đầu xuất phát từ Việt Nam qua Lào, Trung Quốc, đến các vùng Nam Á,Tây Á, Trung Á và đặt chân gần như toàn bộ châu Âu. Cả chặng hành trình ông đã thay 3 cặp lốp, 2 bộ nhông xích, đổ hơn 2000 lít xăng các loại A90 – A92 – A95 – A98 (tùy thuộc vào từng khu vực có khả năng cung cấp các chủng loại xăng khác nhau).

Chạy trên đường mà hơi thở phả ra liền bị đóng băng ngay lập tức lên mặt kính mũ bảo hiểm, càng chạy tầm nhìn càng bị thu hẹp, mờ dần. Nhiều lúc lớp băng phủ gần như kín mít mũ bảo hiểm, ông phải nheo mắt nhìn một bên mà không thể dừng lại để lau kính vì đang trên đường cao tốc, một bên là làn xe ô tô chạy vun vút, một bên là tuyết.

Tìm được chỗ dừng, ai nấy vội vàng nhào tới nắm chặt tay vào ống xả lấy hơi ấm rồi mới lau được lớp băng trên kính mũ bảo hiểm. Nhưng cũng có lúc băng phủ trắng xóa cả lớp kính chắn gió mà không còn cách nào khác, các biker đành phải hất kính lên, cắn răng gồng mình hứng chịu những cơn gió buốt lùa thẳng mặt để rồi tối về cổ họng đỏ tấy vì nhiễm lạnh.

Những lần đổ xe trên tuyết thì không thể đếm xuể. Ai cũng dính vài cú trượt cả người lẫn xe dài chục mét không khác gì trượt băng. Mặt đường trơn trượt, dựng được xe lên thì chân mình lại trượt, cứ thế cả người cả xe lại đổ sập xuống. Rồi có chặng chiếc xe của người bạn đồng hành bị đứt xích mà không thể nào khắc phục được. Chiếc Honda 500 CBX của ông trở thành xe đầu kéo, hai xe dìu nhau trong đêm tối lạnh buốt xương hơn 50 cây số. Gần nửa đêm mới về đến nơi nghỉ, cả hai cùng thở phào: "thế là thoát ch*t rồi!".

Ngày chạy dài nhất và cũng không kém phần khắc nghiệt nhất là chặng đường qua Tân Cương (Trung Quốc), ông Hùng và bạn đồng hành của mình đã phải vượt qua 1.000 km. Trong chảo lửa vùng Hỏa Diệm Sơn của Tân Cương, nhiệt độ có lúc lên đến 45 độ C, nóng đến mức các điện thoại để phía ngoài xem bản đồ đều bị đơ.

Gió cuốn theo cát quất ràn rạt vào người khiến các biker cứ phải giữ xe nghiêng nghiêng mà vút tới. Ông kể, lúc mới chạy trên đoạn gió cát kinh khủng này sợ nhất là qua các xe ô tô, bị hẫng áp suất khiến tay lái loạng choạng, mấy lần suýt lao vệ đường. Thế nhưng khi chạy quen lại thấy sướng, cảm thấy mình như chiếc lá uốn lượn trong cơn gió.

Đón bình mình trước “miệng quỷ” Darvaza giữa sa mạc Karakum, Turkmenistan.

Trong cơn mưa lớn tại Anbani

Hành trình xuyên lục bắt đầu xuất phát từ ngày 2/7/2019, ông luôn tâm niệm, chạy tới đâu thì chạy, đi tới đâu thì đi nhưng phải lành lặn trở về, dù chỉ còn cách nhà 1 cây số cũng không được chủ quan. Ngày 19/12/2019, khi đỗ xe đúng trước cửa nhà ông mới tự nhủ: Thôi, thế là về nhà an toàn rồi!

Ông Trần Lê Hùng chia sẻ kinh nghiệm chạy xe trong cuộc hành trình 45.000 cây số xuyên Á – Âu.

Bài: Chí Cường

Ảnh do nhân vật cung cấp

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-hanh-trinh-ky-thu-xuyen-luc-dia-a-au-cua-mot-thanh-vien-clb-mo-to-ha-noi-20200501123400371.htm)

Tin cùng nội dung

  • Người ta cũng không còn lạ lẫm với những tiếng khóc than thảm thiết của một cô gái tuổi đời còn rất trẻ, phải mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
  • Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
  • Đề xuất tịch thu xe của tài xế nặng hơi men, bất kể người vi phạm không phải là chủ sở hữu chiếc xe, đang khiến các doanh nghiệp vận tải ô tô lo sốt vó.
  • Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.
  • Ngoài 4 tuyến phố hiến máu đã có, thành phố Hà Nội sắp có thêm một tuyến phố hiến máu nữa ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
  • Nấp dưới gầm bàn nhìn cô giáo dạy con tự kỷ kiểu phát xít, chị Ninh không nhịn được đã bế con về. Từ giây phút ấy, chị biết chính mình sẽ phải là người cứu con.
  • Chào Mangyte. Xin vui lòng có thể cho tôi một vài địa chỉ phòng khám và số điện thoại liên lạc của những bác sĩ trên địa bàn Hà Nội chuyên về Nhi khoa được không ạ? Xin cảm ơn Mangyte rất nhiều ạ. (Minh Hòa - Long Biên - Hà Nội),
  • Chào Mangyte, Mình ở Thanh Hóa, bố mình bị sỏi mật có chỉ định phải mổ, mình muốn hỏi bệnh viện nào ở khu vực miền Bắc là tốt nhất? chi phí bao nhiêu? Rất mong Mangyte trả lời giúp mình. Cảm ơn. (Cao Thi Tuyen - Thanh Hóa)
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY