Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đà Nẵng: Không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

HĐND TP. Đà Nẵng vừa thông qua nghị quyết về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) thành phố đến cuối năm 2020. Trong đó, thống nhất không điều chỉnh các mục tiêu KT - XH của năm, chỉ bổ sung, tăng cường các biện pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đà Nẵng vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 2020 tăng 9%.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội Đà Nẵng không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của Covid - 19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ

2 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Tại kỳ họp thứ 13 (phiên bất thường), HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa diễn ra ngày 13/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: qua kết quả phát triển KT - XH 2 tháng đầu năm cho thấy tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã có những tác động lớn đến phát triển KT - XH của thành phố. Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội sụt giảm, chưa đạt kế hoạch đề ra, các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, kinh doanh vận tải giáo dục bị ảnh hưởng, sản xuất công nghiệp, chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn gây trì trệ sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng, do tác động của dịch Covid – 19, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2/2020 ước đạt hơn 4.723 tỷ đồng giảm 13,8% so với tháng 1/2020 (5.633 tỷ đồng), chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 2/2020 chỉ bằng 77% tháng 1/2020 và bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu lữ hành tháng 2/2020 cũng giảm mạnh, chỉ bằng 70,3% so với tháng 1/2020 và bằng 82,9% so với cùng kỳ, số lượng khách tự hủy tour tăng đáng kể, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài giảm 55%, 100% tour Trung Quốc bị hủy. Trong nhóm dịch vụ chỉ duy nhất dịch vụ y tế và hoạt động xã hội có tăng trưởng 10,79% so với cùng kỳ. Mức tăng này được lý giải bởi các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư thiết bị y tế phải đẩy mạnh nguồn cung để phục vụ công tác chống dịch Covid – 19.

Một lĩnh vực cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid – 19 là vận tải. Tháng 2/2020, hoạt động vận tải cũng đã xuất hiện những tín hiệu kém tích cực khi hàng loạt doanh nghiệp công bố mức giảm doanh thu kỷ lục chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng bùng phát dịch bệnh. Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 2/2020 ước đạt 1.185 tỷ đồng, giảm 11,7% so với tháng 1/2020, trong khi so với mọi năm, tháng sau Tết nguyên đán luôn có tăng trưởng 2 con số bởi hàng loạt công ty, đơn vị ra quân đầu năm.

Riêng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì được đà tăng trưởng dù mức tăng trưởng này khá thấp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nước đạt 384,7 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 218,3 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ và nhập khẩu ước đạt 166,3 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ.

Mặc dù chỉ số tiêu thụ tăng 10,67% so với cùng kỳ, tuy nhiên, chỉ số tồn kho của ngành chế biến chế tạo tháng 2 tăng tới 28,93% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công ngiệp tiếp tục giảm 3,69%.

Sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng mức tăng thấp

Chỉ bổ sung giải pháp, không điều chỉnh mục tiêu kinh tế - xã hội

Theo Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, dịch Covid – 19 đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng. Thường trực HĐND thành phố ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố, các sở ngành và địa phương trong việc triển khai các giải pháp để phòng chống dịch bệnh cũng như điều hành phát triển KT - XH; đồng thời, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp những thách thức khó khăn đang gặp phải; và mong muốn người dân, doanh nghiệp đồng hành chia sẻ với chính quyền để cùng nỗ lực hoàn thành mục tiêu KT - XH đặt ra.

Ông Nguyễn Nho Trung cho biết, trước tình hình dịch Covid – 19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã trình HĐND 3 kịch bản phát triển kinh tế với các mức điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng giảm tăng trưởng GRDP . “Tuy nhiên, thường trực HĐND đã họp, các ban HĐND thẩm tra cho thấy hiện Đà Nẵng đang bị tác động ở thời kỳ đầu, vì vậy, HĐND thống nhất chưa điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế mà chủ yếu là bổ sung các biện pháp để quyết liệt, quyết tâm thực hiện mục tiêu”, ông Nguyễn Nho Trung nói.

Theo đó, các giải pháp bổ sung đã được kỳ họp thứ 13 HĐND TP. Đà Nẵng thông qua gồm đề nghị chính quyền thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; Tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, về du lịch phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, tăng cường tính liên kết, xây dựng chương trình kích cầu du lịch năm 2020, xúc tiến các đường bay mới.

Về thương mại đảm bảo quản lý chặt chẽ việc bình ổn giá, triển khai công tác chống hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các sản phẩm vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tại các thị trường đặc biệt là các thị trường thành viên của các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA… dần thay thế cho thị trường Trung Quốc; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; Thực hiện tốt các giải pháp giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan.

Về sản xuất công nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh như: thiết bị y tế, sản phẩm bảo hộ sức khỏe, dược phẩm,... Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; thực hiện kết nối cung cầu, sớm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhất là về thị trường Trung Quốc (hoạt động sản xuất của các chuỗi cung ứng; chính sách xuất nhập khẩu; yêu cầu kiểm dịch của phía bạn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…); Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin, kết nối giao dịch với các đối tác nước ngoài về nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế.

TP. Đà Nẵng quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 9%

Ngoài ra, cần thiết đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án Cảng Liên Chiểu, Di dời Ga đường sắt và tái thiết đô thị. Hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2; Đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Một số cơ sở sản xuất nông sản xuất khẩu thì cần tìm hiểu thông tin thị trường thay thế cho thị trường mới ngoài Trung Quốc.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020.



Năm 2020, Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP tăng 9%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 22,1%, giá trị tăng thêm (VA) từ 11,5 – 12%; IIP tăng 7,5%, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%, VA từ 8 – 8,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tăng 17 – 18%, VA từ 10 – 10,5%; doanh thu dịch vụ thông tin & truyền thông tăng 12%, VA đạt 12,5 – 13%.

Vũ Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/da-nang-khong-dieu-chinh-cac-muc-tieu-kinh-te-xa-hoi-nam-2020-134024.html)
Từ khóa:

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY