Mắt hôm nay

Đại dịch cận thị lan khắp châu Á

Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên mắc cận thị tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác tại châu Á có thể lên tới 90%, các nhà khoa học cảnh báo.

Áp lực học hành là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh niên, thiếu niên mắc tật cận thị tại nhiều nước châu Á tăng vọt. Ảnh: myopia.org.

Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Australia đã khảo sát tỷ lệ học sinh mắc tật cận thị tại nhiều đô thị lớn ở châu Á, Time đưa tin. Họ nhận thấy tỷ lệ này tăng vọt trong hai thế hệ qua. Chẳng hạn, tỷ lệ người bị cận thị tại khu vực Đông Nam Á trước kia vào khoảng 20% dân số, nhưng ngày nay con số đó đã vọt lên hơn 80%. Thậm chí tỷ lệ người bị cận có thể lên tới 90% ở tầng lớp thanh niên và thiếu niên tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.

"Cận thị đã trở thành một vấn đề y tế lớn tại châu Á", giáo sư Ian Morgan, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu trong bài viết trên tạp chí y khoa Lancet.

Giới chuyên gia về mắt nói rằng người mắc tật cận thị chỉ có thể nhìn rõ trong phạm vi 2 m. Cận thị là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng tới cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu kéo dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ trên võng mạc.

Morgan cho rằng nhiều trẻ em tại Đông Nam Á phải dành nhiều giờ trong ngày để học tại trường và làm bài tập ở nhà. Thực trạng đó khiến mắt phải hoạt động căng thẳng. Ngoài ra mắt của các em còn không nhận đủ ánh sáng tự nhiên.

“Con người cần tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài từ hai tới ba giờ mỗi ngày để ngăn chặn nguy cơ cận thị”, ông nói.

Văn hóa cũng đóng vai trò lớn đối với nguy cơ mắc cận thị. Tại nhiều vùng ở Đông Nam Á, trẻ em thường ngủ trưa. Trong khi đó buổi trưa là khoảng thời gian mà con người có thể đón nhận nhiều ánh sáng nhất trong ngày.

Chẳng hạn, tỷ lệ trẻ em gốc Hoa mắc cận thị ở Australia - nơi áp lực học hành không nặng nề và người dân có thói quen tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời hàng ngày - thấp hơn rất nhiều so với trẻ em người Hoa tại các nước châu Á như Singapore, Trung Quốc. Tương tự, tỷ lệ trẻ em da trắng bị cận tại Australia thấp hơn hẳn so với trẻ em da trắng ở Anh.

“Do những áp lực học hành và thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ, thời gian chúng tiếp xúc với ánh sáng ban ngày giảm tới mức tối thiểu trong những thập niên gần đây”, Morgan nhận xét.

Mối lo lớn nhất đối với Morgan là số lượng học sinh bị cận thị nặng. Theo ông, tỷ lệ học sinh bị cận thị nặng dao động từ 10 tới 20% trong tổng số học sinh tại các đô thị châu Á. Cận thị nặng có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mù.

Việt Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/dai-dich-can-thi-lan-khap-chau-a-2278591.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY