Mới đây, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 20.11.2019 đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 với nhiều điểm mới so với Bộ luật 2012. Đáng chú ý trong đó là quy định về nguyên tắc trả lương và thưởng đối với người lao động. "Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp", Điều 94 của Bộ luật mới nêu rõ.
Các quy định mới khiến dân mạng rần rần, bởi suy luận vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng, và dĩ nhiên tiền lương của chồng có thể được... chuyển thẳng vào tài khoản vợ!
Phương Mai (24 tuổi, Q.9, TP.HCM) khẳng định chắc nịch: “Tiền lương của chồng em là của em, tất nhiên mỗi tháng đều phải đưa cho em chứ. Không đưa để chồng em tiêu hết à?”.
Phương Mai mới lấy chồng được hơn một năm, cuộc sống son nom khá suôn sẻ, hạnh phúc. Nhìn bề ngoài, Mai tỏ rõ là người chủ động trong kế hoạch chi tiêu và tài chính trong gia đình.
Theo chia sẻ, mỗi tháng chồng cô có mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng, khi có lương là tự động rút về đưa cho cô. Cô đưa lại 1 triệu để chồng cà phê… Còn lại mọi tiền chi tiêu ăn uống, cưới xin, ma chay, điện nước... cô đều nắm giữ.
Bạn Hải Hòa (Q.7, TP.HCM) dù hai mới về góp gạo thổi cơm chung chưa đầy một năm nhưng cũng thể hiện là người nắm giữ kinh tế trong gia đình. “Lương tháng và các khoản chi phí ngoài thì gửi về cho vợ hết. Mỗi tháng chồng tiêu 3 triệu. 3 triệu đó để ăn uống, cà phê, đổ xăng, tiền điện thoại thích làm gì làm. Còn tiền vợ giữ là chia ra 3 khoản: một khoản lo cho gia đình, một khoản chăm con, một khoản của vợ thích làm gì làm. Lương của vợ thì vợ vẫn giữ, nhưng vẫn chung vô để dành cho sau này nữa”, Hòa vui vẻ nói.
Theo Hòa, việc này được hai thống nhất trước khi cưới, bản thân cô thấy hợp lý và chồng cũng vui vẻ làm theo. Tuy nhiên, sau này có phát sinh điều gì thì... chưa biết.
Ngọc Hân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn nói: "Hân không giữ mà chồng Hân giữ". Lý do mà cô bạn đưa ra là: “Không thích quản lý kinh tế vì đau đầu, già người". "Hân không có gì trong tay cả”, cô còn đùa thêm.
Chuyện vợ giữ lương chồng thì nhiều, nhưng chồng giữ lương vợ thì hơi… hiếm. Bởi các ông chồng thường phóng thoáng, dễ bị cám dỗ nhiều thứ ngoài xã hội, nhưng Hân không quan ngại về những điều này. “Phải tin tưởng nhau chứ. Đàn ông con trai phải tự lập kế hoạch lo lắng chi tiêu”, cô nói thêm: “Mình đặt mục tiêu trong năm rồi cho chồng thực hiện. Mình giữ lại một ít làm quỹ riêng, phòng trường hợp bất trắc thôi".
Đồng quan điểm với Ngọc Hân, chị Thúy Anh (28 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) mặc dù mới chỉ sắp kết hôn nhưng dự định của chị là “nhất quyết không giữ tiền của chồng” vì “hai nên có một quỹ chung, ví dụ mỗi người làm được 10 triệu thì mỗi tháng bỏ vào 2 triệu, ai tiêu hết thì… nhịn, không được đụng vào. Tiền quỹ chung đó để đóng các khoản điện, nước, sinh hoạt chung… nhất là sau này có con, càng phải lo nhiều thứ”.
Chị nói thêm: “Nhiều mẹ bỉm sữa cứ đến tháng là canh me bắt chồng nộp tiền lương, rồi mỗi tuần phát cho ông vài trăm để tiêu… với chị chuyện đó quá đáng sợ. Vì chồng có kêu mình giữ mình cũng không giữ. Bản thân không rảnh để làm chuyện đó”.
Được chuyển thẳng nếu chồng đồng ý nhé các bà vợ!Ảnh chụp màn hình |
Một ông chồng từng lên mạng xã hội than thở: “Trước đây, tôi cũng từng có quan điểm để vợ giữ tiền vì nghĩ rằng vợ là người sắp xếp mọi hoạt động trong nhà, từ cơm nước, chăm sóc con gái… Vì thế, hàng tháng tôi thường đưa hết tiền cho vợ. Đến khi mỗi tháng cô đưa một khoản tiền cho tôi, cô "gấu" không quên kèm theo một loạt lời dặn dò chi tiết thế nào cho tiết kiệm, trong khi cô ấy chỉ cần vui hay buồn, đều sẵn sàng mạnh tay chi tiền mua dăm ba cái váy, đôi giày… mà tôi chẳng dám ý kiến vì sợ cô ấy dỗi. Cảm giác tiền làm ra nhưng phải ngửa tay xin vợ thật sự rất khó chịu. Có khi nào nên để đàn ông cầm tiền trong gia đình thay vì phụ nữ?”.
Trả lời cho câu hỏi: “Vợ hay chồng nên giữ tiền?”, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói: “Ai có đủ giữ tiền thì người ấy giữ. Không quan trọng đó là vợ hay chồng, không phân biệt giới tính”.
“Tiền là tài sản chung cho cả nhà chi tiêu mọi hoạt động chung, cho nên cùng kiếm tiền, ai có khả năng quản lý tài chính và biết vun vén thì người ấy giữ.
Người xưa từng ví, “đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”. Ý muốn nói đàn bà là người giữ tiền tốt, nhưng có những gia đình thực tế cho thấy, phụ nữ giữ tiền không tốt. Ví dụ như phụ nữ không biết cách chi tiêu, có những gia đình vợ bài bạc, chồng lại phải giữ tiền chứ không thể để cho vợ được. Ngược lại, chồng cũng ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc và vợ thì nên giữ tiền chứ để cho chồng giữ thì gia đình không còn tiền để chi tiêu.
“Phải xem gia đình ấy ai là người có giữ tiền, có khả năng làm cho gia đình đó ổn định về tài chính vững vàng, như người xưa gọi là "khéo co thì ấm". Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền mà người nào có khả năng quản lý tài chính, biết phân bổ chi phí, thì nên giao cho người ấy", bà Thúy nói.
Tiến sĩ tâm lý khẳng định thêm: “Người chồng hay người vợ không nên vì sĩ diện "tôi là chồng hay tôi phải giữ tiền" hoặc "tôi là vợ tôi phải giữ tiền”.
Chủ đề liên quan:
ai nên giữ tiền chồng giữ tiền chuyện vợ chồng lương chồng lương chồng chuyển cho vợ năng lực tiền lương vợ chồng vợ giữ tiền