Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ngày 30 tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch. Trong Lời kêu gọi có đoạn: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch", và "hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".
Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của "cuộc chiến" chống dịch COVID-19. Cả nước đang thực hiện cách ly xã hội. Để góp phần vào cuộc chiến này, ngành thư viện cần phải có một sự tham gia tích cực. Thực hiện nghiêm túc quy định trong công tác phòng, chống dịch và cách ly, các thư viện đóng cửa phục vụ bạn đọc tại chỗ nhưng không có nghĩa là ngừng cung cấp dịch vụ. Sự vào cuộc của ngành thư viện là việc thúc đẩy các dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến, hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi người. Không gian mạng và Internet kết nối vạn vật cho phép chúng ta có thể mở rộng cánh cửa của thư viện đến từng nhà, từng người để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Vai trò của các thư viện được thể hiện trong các hoạt động kết nối, cung cấp thông tin và tri thức. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh dịch bệnh này các thư viện cần đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ trực tuyến, bao gồm:
2. Giới thiệu sách, tài liệu mới, đặc biệt là các tài liệu số của thư viện có hoặc có thể sử dụng tại các thư viện khác cho bạn đọc.
3. Tư vấn, hướng dẫn cho bạn đọc sử dụng các dịch vụ trực tuyến, triển khai dịch vụ hỏi - đáp, hỗ trợ sử dụng thư viện trực tuyến.
4. Thiết lập chuyên mục cho thiếu nhi đối với các thư viện công cộng cần; Có thể tăng cường dịch vụ kể chuyện, giới thiệu sách trực tuyến cho trẻ em.
5. Hướng dẫn phương pháp và kỹ năng tra tìm sử dụng thông tin trực tuyến, nâng cao năng lực tìm kiếm và khai thác thông tin của người sử dụng.
6. Tích cực góp phần vào công tác phòng chống dịch bằng cách phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy định, hướng dẫn của các Bộ ngành, địa phương.
- Tăng cường liên thông, thu thập, khai thác các nguồn tài nguyên thông tin mở, nguồn tài liệu miễn phí của các nhà xuất bản có chất lượng để làm giàu thêm vốn tài liệu của mình và sẵn sàng chia sẻ cho các thư viện khác khi có nhu cầu.
- Tăng cường biên soạn thông tin chuyên đề. Để tiết kiệm ngân sách và tạo nhiều sản phẩm phong phú có thể phân công các thư viện trong cùng liên hiệp/khu vực/nhóm để sử dụng chung.
- Nghiên cứu và giới thiệu cho bạn đọc các nguồn tin đáng tin cậy, hữu ích trên internet. Chẳng hạn như: Hướng dẫn bạn đọc tham quan và tìm hiểu về Truy cập Mở tới các di sản văn hóa thư viện bảo tàng trên Internet để có thể vừa giải trí vừa học (Open Galleries, Libraries, Archives, Museums viết tắt là: OpenGLAM) do UNESCO khởi xướng, hay giới thiệu cho các nhà khoa học, bác sĩ, nhân viên y tế tạp chí điện tử về lĩnh vực Y học của nhà xuất bản Science Direct và toàn văn sách điện tử lĩnh vực Y dược của Nhà xuất bản Springer Nature do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã mua quyền truy cập toàn văn…
Trong thời gian vừa qua, một số thư viện đã có sáng kiến thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến cho bạn đọc. Một số thư viện công cộng cấp tỉnh đã hỗ trợ bạn đọc từ xa, cung cấp thẻ đọc sách điện tử miễn phí, tích cực tuyên truyền về phòng chống COVID-19 qua các thông tin chuyên đề trên website của thư viện. Thư viện Khoa học Công nghệ Quốc gia đã thường xuyên cập nhật các bài nghiên cứu về COVID-19 để phổ biến cho các nhà nghiên cứu và sẵn sàng cung cấp tài khoản miễn phí cho các nhân viên y tế. Thư viện một số trường đại học đã tiếp tục hỗ trợ cho sinh viên và học viên từ xa với các hình thức khác nhau. Đó là những việc làm rất đáng khích lệ, cần tiếp tục phát huy, nhân rộng.
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, mỗi người, mỗi ngành đều phải tự xác định cho mình một nhiệm vụ, một sứ mệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xác định: “Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, mỗi cán bộ quản lý, nhân viên thư viện sẽ là một người chiến sĩ góp phần tuyên tuyền về phòng chống dịch bệnh và giúp người đọc có thể sử dụng thời gian ở nhà của mình một cách hiệu quả hữu ích qua việc kết nối, cung cấp và chia sẻ thông tin và tri thức trực tuyến một cách kịp thời, thuận lợi và hiệu quả. Đó là những việc làm thiết thực mà ngành Thư viện cần thực hiện để tham góp vào cuộc chiến chống dịch của toàn dân tộc.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch nước cung cấp cung cấp dịch vụ Đẩy mạnh dịch vụ dịch vụ trực tuyến ngành thư viện phòng chống dịch bệnh thư viện tổng bí thư trực tuyến