Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người còn ngại ra đường là do số ca nhiễm công bố hàng ngày vẫn còn nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn cao.
Ông Nguyễn Văn Hải, 61 tuổi, ngụ ở phường Tân Thới Nhất (Quận 12) cho biết dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nhưng cả tuần nay ông vẫn không ra khỏi nhà.
“Tôi đọc báo thấy dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt nên chưa an tâm. Vợ chồng tôi đều lớn tuổi lại mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp nên đành tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình. Giờ đồ ăn thức uống nhiều, con gái bên Gò Vấp nó vẫn gửi qua không thiếu thứ gì. Tôi về hưu rồi, ra đường cũng chỉ uống ly cà phê, đi thể dục với mấy bạn già chứ có quan trọng gì đâu” - ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, khoảng 4 tháng qua ông biết tin nhiều người quen, người hàng xóm ở khu vực này nhiễm Covid-19. Có người khỏi bệnh nhưng có người không qua khỏi. Vì vậy ông nghĩ hạn chế tiếp xúc với bất kỳ ai thời gian này cũng là điều quan trọng.
Gia đình 4 người nhà chị Trần Thị Tuyết, 31 tuổi, ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) cũng không ra khỏi nhà vì vợ chồng chị làm việc trực tuyến.
“Chồng tôi dạy học cấp 3, còn tôi dạy cấp 1, đều dạy trực tuyến ở nhà nên không ra ngoài. Hai đứa nhỏ đều chưa tiêm vaccine, lỡ có đi đâu mà dính Covid-19 thì không biết làm sao. Thời gian qua tôi đặt đồ ăn từ siêu thị họ đem tới. Ở nhà mấy tháng rồi, ráng thêm một hai tuần nữa cũng không sao” - chị Tuyết nói.
Không chỉ có hộ gia đình, người dân cẩn thận mà nhiều công ty, nhà máy có mô hình nhỏ, ít công nhân, người lao động thời gian này cũng duy trì việc “3 tại chỗ” và hạn chế người đi lại. Đại diện một doanh nghiệp dệt may ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho biết, dù thành phố đã mở cửa nhưng công ty anh vẫn “đóng cửa” để duy trì “3 tại chỗ”.
“Công ty tôi quy mô nhỏ, chỉ gia công áo khoác, áo da xuất đi Đông Âu nên duy trì khoảng 20 công nhân. Mọi người đều xác định làm việc trong giai đoạn này sẽ khó khăn nhưng nếu để 1 người bị lây lan dịch bệnh thì cả công ty sẽ khó khăn hơn. Hiện các chi phí như xét nghiệm, xét nghiệm định kỳ đều rất cao. Vì vậy chính sách của công ty là ai chấp nhận ăn ngủ ở lại thì làm việc, chứ hàng ngày đi về nhà để sáng hôm sau tới công ty là rất nguy hiểm. Mọi người đều thống nhất duy trì hoạt động như hiện nay, vài tuần nữa rồi tính tiếp” - đại diện doanh nghiệp cho biết thêm.
Hiện phần lớn các chốt kiểm soát ở TP HCM đều đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chốt kiểm soát ở khu phố, hẻm... do người dân lập lên. Các chốt này chỉ cho người đi bộ di chuyển, không thể đi xe máy hay ôtô, thường chỉ ở cụm dân cư nhỏ, từ vài chục tới trăm hộ dân. Hầu hết các hộ này đều đồng ý duy trì các chốt nhằm hạn chế người lạ ra vào.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM (HCDC), tính tới ngày 6/10, TP HCM đã có 402.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có 23.089 người đang cách ly điều trị tại nhà và 11.587 người đang cách ly điều trị tập trung. Thành phố cũng đã tiêm được gần 12 triệu mũi vaccine, với khoảng 4,7 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, HCDC cũng cảnh báo, người dân phải luôn luôn cảnh giác vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn đó. Mọi người phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân và gia đình, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người cũng như luôn luôn rửa tay, giữ khoảng cách an toàn.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP HCM cho biết hiện đã có 17 trong tổng số 23 quận huyện thành phố trực thuộc kiểm soát được dịch bệnh (dựa trên các tiêu chí). Đó là Thủ Đức, Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Tân Bình, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi.
Ngoài ra, trong 5 địa phương chưa có tên nêu trên thì chỉ có quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh là chưa kiểm soát được dịch bệnh, còn quận 4, Bình Tân và huyện Hóc Môn là chưa hoàn thành thẩm tra báo cao. Mặc dù vậy, trong từng địa phương nhỏ hơn (cấp phường xã) lại có sự phân chia khác. Ví dụ như thành phố Thủ Đức được công nhận đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng nhiều phường trực thuộc lại chưa được công nhận là kiểm soát được dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp lo thiếu lao động khi tái sản xuất.Cần nhiều giải pháp để giữ chân người lao động - đó là ý kiến của đông đảo cử tri phản ánh đến Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM vào ngày 6/10 tại buổi tiếp xúc với cử tri nhiều quận, huyện tại TP HCM trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Đại diện cử tri phường 17 (quận phú nhuận), phường tân chánh hiệp, phường đông hưng thuận (quận 12) bày tỏ lo lắng khi việc nới lỏng giãn cách khiến dòng người tiếp tục đổ về quê, đã gây gia tăng các ca nhiễm ở các địa phương.
Đối với TP HCM, việc hoàn thành “mục tiêu kép” vừa an toàn phòng dịch vừa mở cửa kinh tế cũng đang bước vào giai đoạn rất khó khăn. Theo các cử tri, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ (đợt 3, với 1 triệu đồng/người); việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất, giảm thuế, giảm lãi suất vay, hỗ trợ vốn,... cũng chưa có những hướng dẫn hay động thái cụ thể để trở lại hoạt động. Do đó, cử tri này đề nghị thành phố cần sớm có biện pháp ổn định cuộc sống để giữ chân người lao động, cũng như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tái sản xuất.
Cử tri còn phân tích tình hình các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động lành nghề và phụ trợ. Vì vậy, Quốc hội cần có quyết sách phù hợp hỗ trợ cơ chế riêng cho TP HCM giải quyết khó khăn. Đối với TP HCM cần chủ động có giải pháp an sinh và hỗ trợ đối với người người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, cử tri còn kiến nghị cần quan tâm, có chính sách đãi ngộ cho lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở. Đối với vấn đề người lao động, cần có chính sách nơi lưu trú cho công nhân trong quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố trong thời gian tới.
Một số cử tri cũng đề cập đến các điều kiện để “bình thường mới” như tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19; hạn chế số lượng người nơi công cộng; trang thiết bị, dụng cụ y tế phòng dịch…
Cùng đó, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng khi quá trình từng bước nới lỏng giãn cách của tp hcm chịu sức ép bởi dịch bệnh chưa được khống chế triệt để. việc quản lý người dân ra đường bằng “thẻ xanh covid-19” được cử tri góp ý nên giao cho một đơn vị quản lý tránh để xảy ra tình trạng gây phiền nhiễu đến người dân trong đi lại.
Tại Tổ ĐBQH đơn vị số 4, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri, đồng thời cho biết Đoàn ĐBQH TP HCM sẽ có trách nhiệm chuyển tải ý kiến của cử tri, nhân dân thành phố đến nghị trường Quốc hội tại kỳ họp tới.
Thay mặt Tổ ĐBQH, ông Ngân cho biết, các chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được Trung ương và TP HCM hướng dẫn cụ thể, trong đó có các chính sách về giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí, giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi vì thời gian vừa qua số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động rất lớn; hộ kinh doanh cá thể đóng cửa trên 50%.
Ông Ngân cũng chia sẻ với các lo lắng của người dân TP HCM về nguy cơ thiếu lao động khi thành phố “mở cửa” trở lại. Về vấn đề này, TP HCM đang từng bước tháo gỡ, trong đó ưu tiên nhiều gói hỗ trợ.
Tới đây, UBND TP HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các sở ban ngành tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để đón người lao động trở lại làm việc, cũng như tuyển mới lao động trên tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… của thành phố.
Tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM đã có dấu hiệu khả quan khi số ca nhiễm đã giảm rất nhiều. Ngoài ra tốc độ tiêm vaccine cũng nhanh, gần như toàn bộ người dân trên 18 tuổi đều đã tiêm 1 mũi và gần 2/3 đã tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, khi thành phố “mở cửa”, số người di chuyển đông hơn và gần như không có kiểm soát, nên nguy cơ dịch bệnh vẫn phức tạp. Vì vậy, tự bản thân người dân, hộ gia đình hay các cộng đồng nhỏ (cụm, tổ, công ty...) đều phải tự lên kế hoạch phòng tránh dịch bệnh riêng với mục tiêu giảm nguy cơ trong giai đoạn đầu “mở cửa” hiện nay.