Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Để ước mơ sẽ thành hiện thực

(NBCL) Để biến một Việt Nam không ngừng mơ ước hôm nay thành một Việt Nam phồn vinh trong tương lai, việc khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh tiềm tàng của động lực xúc cảm và khai sáng là sự lựa chọn tốt nhất để thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ...

Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại phiên họp tổng thể với chủ đề “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng” của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 diễn ra vào tháng 9:Việt Nam không ngừng mơ ước, khát vọng hướng về phía trước, nhưng thực tại còn nhiều điều buộc phải đối mặt, vượt qua. Những hạn chế yếu kém không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, vươn lên mạnh mẽ”. Và để biến một Việt Nam không ngừng mơ ước hôm nay thành một Việt Nam phồn vinh trong tương lai, việc khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh tiềm tàng của động lực xúc cảm và khai sáng là sự lựa chọn tốt nhất để thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ để người Việt ngàn năm sau vẫn cảm kích và tự hào.

1. Chia sẻ về “Một Việt Nam không ngừng mơ ước”, Thủ tướng cho biết, vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có được bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.

Từ năm 1986, công cuộc Đổi Mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa, để rồi hơn 70 triệu người, gần 1,3% dân số thế giới, trong những thập niên sau đó, đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong 30 năm Đổi Mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53%, năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. “Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những trẻ em sinh ra từ thập niên đầu Đổi Mới nay đã trưởng thành. Có những ước mơ trong họ nay đã thành hiện thực, nhiều người có thể đã là thầy cô giáo, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, ca sỹ, vận động viên… song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt.

Những con trẻ ngày nay đang lớn lên trong điều kiện cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có những ước mơ tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với những khát vọng bay cao hơn, vươn xa hơn. Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực.

2. Khi Thủ tướng nhấn mạnh đến việc “tăng cường nội lực để phát triển bền vững” thì những năm gần đây, các chuyên gia kinh tế bắt đầu nhắc nhiều đến kinh tế tuần hoàn và sự lựa chọn Việt Nam. Đã có những kỳ vọng Kinh tế tuần hoàn như “cánh cửa thần kỳ” đưa Việt Nam phát triển bền vững. Nhưng Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng... Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Ernesto Hartikainen - chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Quỹ Phát triển đổi mới sáng tạo của Nghị viện Phần Lan (SITRA) cho rằng, Việt Nam có  nhiều tiềm năng cho nền kinh tế tuần hoàn phát triển, đó là nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, các phụ phẩm từ nông nghiệp. Nhưng ở khía cạnh khác, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất – kinh doanh. Bởi thị trường cho các sản phẩm tái chế khó cạnh tranh với nguyên liệu gốc ban đầu, nên rất cần chuyển từ bán hàng hóa sang dịch vụ, ở đó người tiêu dùng tham gia với vai trò là người mua các dịch vụ.

Để hoàn thiện quy trình này, cần phải thay đổi tư duy không chỉ với người dân mà còn cả với doanh nghiệp. Đồng thời, giảm dần nền kinh tế tuyến tính bên cạnh tăng cường nền kinh tế tuần hoàn. Điều này cần quyết tâm cao từ Chính phủ và khu vực công”, ông Ernesto Hartikainen khuyến nghị.

Còn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần phải có  hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển.

3. Còn nhớ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ công bố tầm nhìn quốc gia 2030, 2045. Theo đó, tầm nhìn đến 2045, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới; trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng khẳng định rằng: “Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác; lòng yêu nước của chúng ta không hề thua kém họ”.

Chỉ còn hơn hai thập kỷ nữa Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của đất nước và cũng chạm mục tiêu Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh. Trên con đường đi đến tương lai, có lẽ không người Việt Nam nào không khắc khoải một ước mơ chung: một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh, một xã hội chứa chan lòng nhân bản, sâu sắc về đạo lý, anh minh về công lý. Những hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam trong hàng nghìn năm qua cho công cuộc dựng nước và giữ nước là minh chứng mạnh mẽ về khát vọng cháy bỏng của dân tộc trong thực hiện ước mơ mãnh liệt này.

Việt Nam sẽ ở vị thế nào vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của mình: quốc gia sẽ hùng cường hay bạc nhược; đất nước sẽ phồn vinh hay kiệt quệ trong nợ nần; xã hội sẽ tươi sáng trong niềm tin nhân bản và sự thượng tôn những giá trị cao quý hay mù mịt trong vòng xoáy của sự vô cảm, tham nhũng và làm ăn chụp giật? Chúng ta chỉ còn hơn hai thập kỷ nữa và thời gian đang trôi đi rất nhanh. Khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh tiềm tàng của động lực xúc cảm và khai sáng là sự lựa chọn tốt nhất và duy nhất để thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ để người Việt ngàn năm sau vẫn cảm kích và tự hào.

Trở lại với kế hoạch phát triển cho năm 2020, đây là chặng đường đầu tiên để có thể đạt được “đích đến” 2045. Vì lẽ đó đương nhiên để tầm nhìn 2045 – đúng thời điểm 100 năm thành lập nước – thành hiện thực, chỉ có khát vọng là không đủ. Vì dù khát vọng có cao đến đâu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có hoành tráng đến mức nào mà thiếu hành động thì tất cả sẽ chỉ là những tuyên ngôn vô hồn.

Tầm nhìn phải gắn với hành động là vì vậy!

Khánh An

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/de-uoc-mo-se-thanh-hien-thuc-post72262.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY