Kinh tế xã hội hôm nay

Điều chỉnh các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động vận tải ra, vào TPHCM

MangYTe - Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không trong thời gian TPHCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch COVID-19.

Ngành GTVT tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: PV

Giảm tối đa chuyến bay sau khi TPHCM giãn cách xã hội

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ không hạn chế khai thác các chuyến bay chở hàng hóa đi/đến TPHCM; đồng thời, giữ nguyên tần suất khai thác các đường bay từ Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh và Đà Nẵng đi/đến TPHCM theo kế hoạch khai thác của các hãng tại phụ lục đính kèm.

Đáng lưu ý, Cục Hàng không Việt Nam sẽ giảm tải cung ứng đường bay từ TPHCM đi Hà Nội và ngược lại xuống còn 1.700 ghế/chiều/ngày (mở bán). Trong đó, Vietnam Airlines cung ứng tối đa không quá 700 ghế/chiều/ngày; Pacific Airlines cung ứng tối đa không quá 200 ghế/chiều/ngày; Bamboo Airways và Vietjet Air cung ứng tối đa không quá 400 ghế/chiều/ngày/hãng.

"Việc khống chế tải cung ứng nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ số lượng người từ TPHCM đi/đến các địa phương, đồng thời giúp các hãng hàng không khai thác linh hoạt các chuyến bay chở khách, chở hàng và đảm bảo việc giãn cách trong nhà ga tại các cảng hàng không", Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, đặc biệt là việc thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.

Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh truyền thông, vận động công chức, viên chức, người lao động khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone. Đặc biệt, tất cả hành khách trên các chuyến bay đi/đến TPHCM và ngược lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế).

Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng, bến khách ngang sông

Việc khống chế số lượng chuyến bay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ số lượng người từ TPHCM đi/đến các địa phương.

Thực hiện Chỉ thị 16, từ ngày 9/7, TPHCM đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa... Cụ thể, dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ô tô. Hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá và một số xe taxi chờ người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm").

Các phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… làm việc tại các cơ quan, khu công nghiệp đi lại hàng ngày giữa TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đối với việc quản lý người, phương tiện đi, đến TPHCM và các địa phương liên quan, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Trường hợp TPHCM và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có kịch bản cụ thể xử lý vấn đề như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân… để không làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân.

Về đường thuỷ, TPHCM tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). Đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TPHCM, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ.

Đối với các phương tiện thủy nội địa, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử một người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định).

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ra thông báo, từ ngày từ ngày 10/7 đến hết ngày 23/7 trên toàn mạng lưới đường sắt chỉ tổ chức chạy duy nhất một đôi tàu khách Thống Nhất là SE7/8, không tổ chức chạy tàu khách khu đoạn (Ví dụ: Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang...). Riêng tàu hàng tổ chức chạy bình thường.

Tàu SE7/8 từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7 không bán vé cho hành khách đi từ ga Sài Gòn đến các ga và đi từ các ga đến ga Sài Gòn. Vẫn phục vụ hành khách đi và đến các điểm ga khác ngoài ga Sài Gòn. Theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh tại các địa phương để có phương án đón, trả khách phù hợp.

Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng từ Hà Nội đến 14 địa phương

Tại Hà Nội, Sở GTVT đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ (bao gồm: Xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định) từ Hà Nội đến 14 tỉnh, thành phố và ngược lại gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam (trừ xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất). Chỉ cho phép hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng (theo công bố của Bộ Y tế) hoặc đến khi có thông báo mới.

Các đơn vị vận tải bằng xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định khi hoạt động phải tuân thủ nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát hành khách của các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra trên địa bàn thành phố. Thường xuyên cập nhật diễn biến dịch tại các tỉnh, thành phố, các vùng dịch để chủ động kế hoạch vận tải; không được dừng, đỗ đón trả khách tại các địa bàn có dịch…

Nhóm Phóng Viên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dieu-chinh-cac-bien-phap-khan-cap-doi-voi-hoat-dong-van-tai-ra-vao-tphcm-2021070916413583.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY