Bệnh viện Dã chiến (BVDC) số 1 đặt tại Trường Chính trị TP Cần Thơ, bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 4-8. Ðến ngày 22-8, BV đã tiếp nhận tổng cộng 406 bệnh nhân, trong đó đã khỏi bệnh, xuất viện 136 người và chuyển lên tuyến trên 52 người. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với TS.BS Nguyễn Thành Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, Phó Giám đốc BVDC số 1 về công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện. Ảnh: BV cung cấp
* Xin bác sĩ cho biết, BVDC sẽ tiếp nhận bệnh nhân dạng nào và hàng ngày theo dõi, điều trị ra sao?
- Theo quy định, BVDC số 1 tiếp nhận bệnh nhân thuộc tầng 1, tức là bệnh nhân không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, dưới 45 tuổi và không có bệnh lý nền, SpO2 từ 97% trở lên. Thực tế, có trường hợp cả gia đình đều F0 thì BV nhận cả hộ gia đình. Trong gia đình đó, có bệnh nhân thuộc tầng 1, có bệnh nhân ở tầng 2. Những trường hợp này, thầy Thu*c theo dõi rất sát sao.
BVDC chủ yếu theo dõi, chăm sóc, hậu cần. Tuy nhiên, bệnh nhân COVID-19 có những diễn biến rất đột ngột. Có bệnh nhân bình thường, bỗng nhiên mệt, chuyển nặng. Vì thế thầy Thu*c không chủ quan. Hàng ngày, thăm khám cẩn thận, theo dõi thường xuyên.
Ðể tăng cường theo dõi bệnh nhân sát hơn, ở tất cả các phòng bệnh, chúng tôi chọn 1 trưởng phòng. Ðây là người bệnh còn trẻ, năng động, có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân khác. F0 trưởng phòng sẽ được tập huấn về cách đo SpO2, cách theo dõi, hỗ trợ F0 khác. Hàng ngày, F0 trưởng phòng sẽ đo SpO2, thân nhiệt, huyết áp cho những F0 trong phòng 2 lần. Nếu có gì bất thường thì báo ngay cho bác sĩ.
BV cũng hướng dẫn, động viên F0 tập thể dục, cung cấp vitamin, các loại Thu*c bổ, điều trị triệu chứng, đặc biệt xem bệnh nhân có stress không, có ăn, ngủ được không để hỗ trợ kịp thời. BV có phòng theo dõi bệnh nhân diễn biến. Nếu không ổn thì sẽ chuyển bệnh nhân đến BV điều trị tầng cao hơn.
* Người thân có được phép gởi đồ dùng cá nhân, thức ăn cho bệnh nhân không? Khi biết mình thành F0, trước khi đến BV DC, người bệnh cần chuẩn bị gì?
- Có những thời điểm, BV điều trị hơn 400 F0 nên người thân gởi đồ vào, BV không thể giải quyết nổi. Hơn nữa, việc người thân hoặc shipper mang đồ vào BV cũng tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Trong thực tế, có F0 khi vào BV không có tư trang, vật dụng sinh hoạt gì, chúng tôi vận động nhà hảo tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cần những vật dụng thiết yếu mà BV không thể cung cấp được thì vẫn cho người thân gởi vào.
Khi bệnh nhân vào BV, chúng tôi thông báo nội quy của BV, hướng dẫn những nội dung cơ bản như cách sinh hoạt, tập thể dục, uống đủ nước, mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, súc miệng nước muối, đo SpO2...
Khi là F0, trước khi vào BVDC, người bệnh có thể mang theo quần áo, đồ vệ sinh cá nhân, ít thực phẩm khô, sách giải trí...
* Hiện nay, BV có gặp khó khăn gì không, thưa bác sĩ?
- Cơ sở BVDC là Trường Chính trị thành phố. Phòng học biến thành phòng bệnh nên ít nhà vệ sinh, không có nhà tắm... Khi chuyển thành BVDC, đã gắn thêm vòi sen, bổ sung thêm nhà tắm, nhà vệ sinh di động, tăng cường thêm quạt... Tuy nhiên, trong vài ngày thi công khẩn cấp không thể như các BV mà bệnh nhân thường thấy. Chúng tôi mong bệnh nhân thông cảm.
Suất ăn hàng ngày đặt qua đơn vị cung cấp. BV cũng thành lập Phòng Công tác xã hội để vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và hỗ trợ cho người bệnh. BV cũng thành lập Tổ hậu cần để cấp thêm sữa, trái cây... cho bữa ăn nhân viên y tế, bệnh nhân đủ dinh dưỡng hơn.
Sau gần 3 tuần đi vào hoạt động, tập thể cán bộ, nhân viên, sinh viên phục vụ tại BVDC số 1 cùng bệnh nhân đã khắc phục khó khăn và hoạt động đi vào nền nếp.
*Trong môi trường nguy cơ lây nhiễm, BV làm gì để giữ an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh?
- Khi đi vào hoạt động, BV xác định 2 mục tiêu quan trọng nhất là an toàn cho nhân viên và không có bệnh nhân Tu vong.
Chúng tôi thường xuyên nhắc nhau “Cá nhân an toàn thì tập thể mới an toàn”. Nhân viên tham gia BVDC số 1 đều được tiêm vaccine, tập huấn, cung cấp trang phục bảo hộ đạt chuẩn. BV cũng gắn 50 camera để theo dõi sức khỏe bệnh nhân và giám sát an ninh. Hệ thống camera cũng hỗ trợ bộ phận hành chính tương tác thường xuyên với bộ phận chuyên môn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp khối điều trị và khối hành chính.
Sau 14 ngày làm việc, ê-kíp chuyên môn đầu với 33 người đã được thay ê-kíp mới. Ðiều đáng mừng là 100% nhân viên xét nghiệm âm tính và không có bệnh nhân Tu vong. Như vậy, có thể nói, bước đầu đã đạt được 2 mục tiêu đề ra.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
H.HOA (thực hiện)