Cây nhỡ cao 1 - 3m; nhánh nhẵn, đen, hơi có khía dọc, có lỗ bì. Lá hình bầu dục rất rộng, gần như hình mắt chim, tròn hay hơi nhọn ở gốc, có mũi nhọn sắc ở đầu, mép khía hai bên, dài 14 - 18cm, rộng 6 - 10 cm; cuống lá có rãnh ở mặt trên, dài 1 - 2cm. Hoa trắng, thành chùm dạng tháp ở ngọn cành hay ở nách lá. Quả dạng cầu hay hình trứng, đường kính cỡ 3mm, có vòi nhuỵ và cánh hoa tồn tại, có vân dọc, vỏ quả giữa nạc. Hạt nhiều, có góc, đen, sần sùi, cao 0,5mm.
Loài phân bố ở Trung Quốc (Quảng Tây), Lào và Việt Nam. Ở nước ta, cây thường mọc ở rừng trong các thung lũng đá vôi, có khi mọc lẫn với cây bụi hai bên đường ở nhiều nơi, từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây, Ninh Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, đến Kontum. Gia Lai. Cũng thường được trồng làm hàng rào để lấy lá. Thu hái lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Lá được dùng để ăn với nem, ăn gỏi thịt nhằm trừ độc thức ăn và tránh bệnh ỉa chảy. Lá cũng được dùng làm Thuốc chữa mẩn ngứa, ghẻ; lấy 15 -30g lá khô sắc uống; có thể phối hợp với lá Đơn đỏ, Cam thảo đất, Rau má, Kim ngân hoa, Mã đề. Còn dùng tẩy giun kim; dùng 50g lá non giã nát thêm nước và đường, uống vào lúc sáng sớm, hoặc dùng lá non nấu canh ăn. Dân gian thường dùng lá đắp chữa bỏng; cũng có thể dùng như các loài Maesa khác chữa đau răng, tê thấp.
Nguồn: Internet.