Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Đứa bé bị co giật được người đàn ông nghĩa hiệp cứu, hành động gây phản ứng trái chiều và kinh nghiệm sơ cứu mà các phụ huynh cần nắm

Đoạn video ghi lại cảnh tượng người đàn ông dùng tay cứu cháu bé bị sốt co giật đã gây sự chú ý trên mạng xã hội.

Trang 163 đưa tin, vào ngày 26/6, tại Dinh Khẩu, Liêu Ninh, Trung Quốc, một người mẹ đã vô cùng hốt hoảng khi đứa con trai khoảng 2 tuổi bất ngờ lên cơn co giật. Trong lúc hoảng loạn, người mẹ bất lực ôm con trong tay chạy ra đường cầu cứu.

Đúng lúc này, một người đàn ông lạ mặt đang đứng gần đó đã nhanh chóng chạy đến ứng cứu. Anh vội vàng đưa tay vào miệng đứa trẻ, ngăn cho bé không cắn vào lưỡi.

Đoạn video do chính người lạ tốt bụng quay lại khi anh cùng hai mẹ con trên đường đi cấp cứu. Dù rất đau đớn vì ngón tay bị đứa trẻ cắn chặt, người đàn ông đã liên tục nói với bản thân: "Đau quá! Không sao đâu! Mạnh mẽ lên nào!"

Người đàn ông này đã giữ nguyên tư thế và chịu đựng cơn đau cho đến khi đứa trẻ tỉnh lại mới rời đi. Rất may mắn đứa trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời nên đã không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Hành động cứu người của anh đã khiến cho cư dân mạng xúc động, tuy nhiên nhiều người cho biết, đó không phải là cách sơ cứu đúng đắn khi đứa trẻ lên cơn co giật, thậm chí còn có thể gây ra những tổn thương nặng hơn cho nạn nhân.

Một số quan niệm dân gian cho rằng khi đứa trẻ bị sốt co giật, cần phải nhanh chóng nhét khăn, thìa hoặc ngón tay vào miệng để tránh việc trẻ cắn vào lưỡi.

Từng có trường hợp rất đáng tiếc ở Ôn Châu, khi đứa bé 2 tuổi bị lên cơn co giật, ông bố cho rằng trong cổ con có thứ gì đó gây nghẹn nên đã nhanh chóng thò ngón tay vào miệng con để móc ra. Chỉ vài phút sau đó, đứa trẻ tắt thở, đến khi đưa vào bệnh viện thì đã Tu vong.

Một trường hợp khác là đứa trẻ 11 tuổi lên cơn động kinh, gia đình đã dùng phương pháp dân gian là lấy nước sôi đổ vào miệng. Nạn nhân may mắn được cứu sống nhưng đã bị bỏng nặng phần mặt.

Theo một báo cáo của bệnh viện Ôn Châu, mỗi năm tại bệnh viện sẽ gặp phải 3-4 trường hợp trẻ em Tu vong vì co giật, nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ áp dụng sai phương pháp sơ cứu.

Làm gì khi trẻ lên cơn co giật?

Co giật do sốt thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi co giật, trẻ thường mất tri giác, ngừng hô hấp, tăng tiết đàm nhớt đường hô hấp và không nuốt được gây sùi bọt mép, mắt trợn, tím tái.

Nếu trẻ bị co giật, điều đầu tiên là phụ huynh phải giữ được bình tĩnh và tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian.

Thông thường cơn co giật lành tính sẽ tự thuyên giảm sau 5 phút và không để lại di chứng. Tuy nhiên nếu phụ huynh không xử trí đúng sẽ có thể gây ra những hậu quả không đáng có.

1. Hãy đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa ở nơi thoáng khí, nới lỏng cổ áo, nghiêng đầu sang một bên, cố giữ cho đường thở của trẻ được thông thoáng, lau chất nôn và đàm nhớt ở mũi và miệng nếu có.

2. Đặt gối hoặc khăn mềm chèn xung quanh để tránh việc trẻ bị thương khi cơ thể đang gồng cứng. Lưu ý loại bỏ mọi vật dụng có khả năng gây nguy hiểm xung quanh vị trí trẻ nằm để tránh gây tổn thương thứ phát.

3. Có thể dùng quạt mát hoặc điều hòa để hạ bớt thân nhiệt cho trẻ, tuy nhiên tránh hạ thân nhiệt quá mức.

4. Nếu không thể xoay người con sang tư thế nghiêng thì hãy đợi đến khi cơ thể trẻ tự thả lỏng mới hỗ trợ trẻ xoay người.

Phụ huynh không nên đè lên tay chân để giữ không cho trẻ co giật, tránh các kích thích không cần thiết và phản khoa học như nhấn huyệt đạo, cho tay vào miệng, móc họng... vì sẽ gây ra những chấn thương khác cho trẻ như gãy răng, lệch khớp hàm, tổn thương niêm mạc miệng, hoặc các chấn thương nặng hơn.

Khi cơn co giật kéo dài hơn 5 phút không thuyên giảm, co giật thành từng cơn liên tiếp nhau, hoặc trẻ không tỉnh lại, không hồi phục tri giác sau co giật, lúc này người nhà nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.

Có một lời khuyên hữu ích từ bác sĩ rằng, khi trẻ lên cơn co giật, phụ huynh hãy cố gắng bình tĩnh ghi lại thời gian và những biểu hiện của trẻ khi co giật, nếu có thể hãy ghi lại video và cung cấp cho nhân viên y tế khi cấp cứu sẽ càng tốt hơn trong quá trình theo dõi và điều trị.

(Nguồn: 163)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/dua-be-bi-co-giat-duoc-nguoi-dan-ong-nghia-hiep-cuu-hanh-dong-gay-phan-ung-trai-chieu-va-kinh-nghiem-so-cuu-ma-cac-phu-huynh-can-nam-20210702152419931.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY