Bài liên quan
Nguyện vọng lớn nhất của “nhà bác học Việt Minh”
Luật sư Phan Anh: Sống là phụng sự quốc gia và dân tộc!
“Tổ quốc lâm nguy cần sự tập hợp của mọi đứa con không phân biệt giai cấp, đảng phái hay tôn giáo vì mục đích chung. Sự đoàn kết thiêng liêng là yêu cầu tuyệt đối và sống còn, nếu không nước Việt Nam sẽ có nguy cơ vĩnh viễn xóa khỏi bản đồ thế giới. Trong cuộc đời người ta thường không có dịp để được hiến dâng và ch*t cho Tổ quốc. Thì đây! Thưa các bạn! Dịp ấy đây! Hãy chớp lấy thời cơ!”. Và người trí thức Hồ Đắc Di đã chớp lấy thời cơ ấy, để trở thành một phần của trí thức thế hệ vàng Việt Nam, những con người đã dám từ bỏ tất cả danh lợi, gạt sang một bên cái tôi cá nhân kiêu hãnh, để sống và cống hiến cho cái ta chung.
Trong danh sách những thầy Thu*c Việt Nam ưu tú nhất, những trí thức tiêu biểu nhất của đất nước thế kỷ XX, hẳn không thể thiếu cái tên Hồ Đắc Di (1900-1984). Vị giáo sư sinh ra nơi miền đất hiếu học Hà Tĩnh này không chỉ là vị giáo sư đại học người Việt Nam đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng Tháng Tám, mà còn là Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ nhân của khoảng 37 công trình nghiên cứu y khoa giá trị.
Đặc biệt vào thời điểm năm 1942, khi so với một nền y khoa tiên tiến thời bấy giờ như nước Pháp, y học Việt Nam vẫn còn là một cái gì đó rất lạc hậu thì bác sĩ Hồ Đắc Di đã là người thứ ba và là người Việt Nam đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp cho làm bác sĩ phẫu thuật (nên nhớ thời điểm đó, trên toàn cõi Đông Dương chỉ có hai người được phép cầm dao mổ - hai người Pháp - là Leroy des Barres và Cartoux).
Trước đó, trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, chàng sinh viên Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày - tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày - tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó. Phương pháp này được nhiều sách giáo khoa, nhiều công trình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30-40 năm.
Cũng chính Hồ Đắc Di là người phát hiện ra bệnh viêm tụy có phù cấp tính, mở đường cho các kết quả nghiên cứu rực rỡ sau này của giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông cũng là người đóng góp lớn trong mở đường nghiên cứu thủng túi mật, hoặc nêu một phương pháp mổ mới, trong phẫu thuật sản khoa…
Trong nhìn nhận của nhiều người, tài năng y khoa hiếm có đó của GS. Hồ Đắc Di, ngoài yếu tố bẩm sinh, ngoài nỗ lực tự thân còn là yếu tố may mắn khi ông sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở cố đô Huế (thân sinh của Hồ Đắc Di là Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư các Bộ Học, Lễ, Công; Đông các điện Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần. Những anh em của ông cũng đều là những trí thức, giữ các vị trí quan trọng cả dưới triều đình nhà Nguyễn). Bên cạnh đó, là việc gia đình Hồ Đắc Di có đủ tiềm lực tài chính cũng như tri thức để định hướng cho cậu con trai cưng con đường học tập theo văn hóa phương Tây, gửi con ra Hà Nội theo học tại trường Lycée Albert Sarraut rồi sau đó quyết cho ông theo nghề y và gửi ông sang Pháp du học trong thời gian 1918 - 1932.
Cũng bởi cái nguồn gốc danh gia vọng tộc, lại được phủ lên người hành trình học vấn Tây học ấy, nên chàng sinh viên người Việt Hồ Đắc Di hay được bạn bè người Pháp gọi là Prince Ho Dac (công tước Hồ Đắc) hay “chàng quý tộc phương Đông”.
Bản thân Hồ Đắc Di không phủ nhận sự may mắn ấy. Hơn chục năm du học ở xứ người, được đào tạo bài bản tại một môi trường giáo dục bài bản như Đại học Tổng hợp Paris đã giúp hội tụ trong chàng sinh viên Hồ Đắc Di vốn kiến thức phong phú cũng như sự mở mang đáng kể về vốn sống, tầm nhìn.
Nhưng có lẽ chính bản thân nhà trí thức Hồ Đắc Di cũng nhận ra rằng cuộc đời ông sẽ bớt đi phần thi vị, ý nghĩa nếu không có ngã rẽ đến với con đường cách mạng, một ngã rẽ ẩn chứa quá nhiều điều mới lạ với thế giới danh gia vọng tộc bấy lâu ông quen thuộc. Nếu không có ngã rẽ ấy, có lẽ sẽ chỉ có một thầy Thu*c Hồ Đắc Di hết lòng với sự nghiệp cứu người mà không thể song hành cùng đó một trí thức yêu nước, luôn đau đáu mong muốn được cống hiến điều gì đó cho Tổ quốc, cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.
Ngã rẽ ấy đã đến, một cách chính Hồ Đắc Di cũng không thể ngờ tới từ một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ tại Paris năm 1919 - nghĩa là một năm sau ngày ông đặt chân tới nước Pháp du học. Cuộc gặp gỡ đặc biệt này đã được GS. Hồ Đắc Di kể lại qua sự chắp bút của nhà báo Hàm Châu - một cây bút chuyên viết về đề tài trí thức: “Dạo đó tôi thường lui tới câu lạc bộ sinh viên VN ở số nhà 15 phố Sommerard, khu Latin, Paris. Sáng chủ nhật hôm ấy, tôi cùng đi với anh bạn Dương Văn Giáo, quê ở Nam Kỳ, lúc bấy giờ là luật sư tập sự. Câu lạc bộ có hai phòng: phòng ngoài để sách báo cho sinh viên xem, phòng trong đặt bàn ghế tiếp khách. Nhìn vào phòng trong tôi chợt thấy ba người đang trò chuyện: một ông già có chòm râu đen, một người béo lùn và một người trẻ tuổi, nước da hơi xanh, đôi mắt rất sáng, vóc dáng mảnh khảnh gầy gò. Anh Giáo hỏi tôi: - Anh có biết ba người kia là ai không? - Có biết một, người để râu là cụ Phan Châu Trinh. - Người béo lùn kia là - anh Giáo tiếp lời tôi - luật sư Phan Văn Trường; còn người gầy gầy, xanh xanh là ông Nguyễn Ái Quốc”.
Cũng theo hồi ức của GS. Hồ Đắc Di: “mấy tiếng “Nguyễn Ái Quốc” làm tôi xúc động đến bàng hoàng. Thì ra con người mà tôi hằng nghe bạn bè nhắc đến, con người từng cất cao tiếng nói đanh thép đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc Việt Nam - một cử chỉ gan dạ khiến mọi người khâm phục - con người ấy đang ngồi trước mặt tôi kia! Và cũng là người “trần thế” như mọi người bình thường, chứ đâu phải là một “trang hiệp sĩ” theo kiểu “Richard trái tim sư tử” như trí tưởng tượng của tôi hằng thêu dệt theo tiểu thuyết Walter Scott!”.
Từ sự “xúc động bàng hoàng ấy”, kể từ cái ngày bất ngờ gặp con người “gầy gầy xanh xanh” ấy, “chàng quý tộc phương Đông” Hồ Đắc Di đã chuyển hướng quan tâm, không chỉ là những trang sách khoa học về y khoa nữa, mà còn cả những trang báo nói về kiếp sống cơ cực lầm than của đồng bào trong nước. Để rồi thấu hiểu, đồng cảm, rồi cảm thấy cần phải làm điều gì đó cho dân tộc mình, đồng bào mình. Thế nên, đã có lúc người ta thấy chàng trai danh gia vọng tộc có mặt trong số sinh viên Việt Nam bí mật đi bán các số báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam hồn” trong đám thợ thuyền ở khu Latin.
Cũng chính sự thôi thúc ấy đã khiến chàng sinh viên Hồ Đắc Di, dù đã được chọn là trợ giáo Trường Đại học Y khoa Paris, vẫn cương quyết trở về đất mẹ, vì ông biết, đồng bào, đất nước, cách mạng đang rất cần những trí thức như ông. Những ngày nước nhà mới giành được độc lập, đối diện với muôn vàn cái khó, trí thức yêu nước Hồ Đắc Di đón nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổng thanh tra Y tế - Tổng Giám đốc Đại học vụ, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy như một sự góp sức. Tháng 12/1946, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến mới, GS. Hồ Đắc Di cùng những trí thức ngành y khác như GS. Tôn Thất Tùng đã tổ chức các hoạt động cứu chữa cho thương binh và nhân dân, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì cho được trường Đại học Y trong hoàn cảnh chiến tranh, nơi chiến khu gian khổ, để đào tạo nhân lực y tế, phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thầy trò Hồ Đắc Di trường ĐH Y phải chuyển chỗ tới 13 lần, giặc Pháp tấn công tận nơi, gọi loa dụ dỗ rồi đe dọa… nhưng tất cả không làm suy xuyển những tấm lòng kiên trinh với cách mạng.
“Nếu như có một cuộc đời mà mỗi phút giây trôi qua đều có ý nghĩa nhân lên nghìn lần, mỗi chúng ta đều yêu thương tới đắm say và thèm sống đến mấy lần cuộc sống ấy vẫn chưa đủ… Phải, nếu quả có được một cuộc đời như thế dù điều đó chỉ dành cho đời con cháu chúng ta mai sau, ta cũng sẵn sàng hiến dâng cả đời mình” - thực sự Giáo sư Hồ Đắc Di đã sống một cuộc đời như thế, đầy dâng hiến và ý nghĩa.
Chủ đề liên quan:
cách mạng tháng tám chàng quý tộc phương Đông Giáo sư Hồ Đắc Di Việt Nam Dân chủ Cộng hòa