Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm 22/6, phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính đến 3 giờ ngày 22/6 có nơi trên 45 mm như: Đồng Tâm (Hà Giang) 78.6 mm, Vũ Chấn (Thái Nguyên) 75,8 mm, Văn Giang (Hưng Yên) 48,6 mm.
Khoảng trưa 22/6, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương trên, đặc biệt là các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Trưa 22/6, tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương trên, đặc biệt là các huyện: Ia Grai, IaPa (Gia Lai); Lắk, Cư Kuin (Đắk Lắk); Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai (Lâm Đồng); Tân Phú (Đồng Nai). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Theo khuyến cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để phòng tránh sạt lở và giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Người dân cần bảo vệ tính mạng trước tiên, chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.
Phía Tây Bắc Bộ có mây, ngày nắng, có nơi nắng nóng, riêng Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; có nơi dưới 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 35 độ C; riêng Nam Sơn La và Hòa Bình 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mây, ngày nắng, riêng trung du và đồng bằng có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Riêng vùng núi chiều và đêm có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Nam đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, vùng núi có nơi dưới 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; riêng vùng núi 32-35 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mây, ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Nam đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mây, ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 27-30 độ C. Nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận có mây, ngày nắng, có nơi nắng nóng, riêng phía Bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; phía Nam 32-35 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Tây Nguyên có nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C. Nam Bộ có nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 32-35 độ C.
Trước đó tối 20/6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi cảnh báo ngập lụt tại khu vực nội thành Hà Nội. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành từ 0,1m đến 0,3m.
Trung tâm nêu danh sách hàng chục tuyến phố nguy cơ ngập ở tất cả các quận nội thành Hà Nội và cả ở các quận xa trung tâm như Hà Đông, Nam Từ Liêm... Mưa lớn đã gây ngập nhiều tuyến phố khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino3.4 cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần. Căn cứ trên bộ số liệu quan trắc nhiệt độ nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Thông tin này cũng được cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) xác nhận ngày 8/6/2023 khi nhiệt độ nước biển đo được đã cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ C, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino.
Dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino có thể xảy ra trong mùa 3 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 01/2024 với xác suất El Nino có cường độ mạnh (Chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino3.4 > 1,5 độ C) vào khoảng 56% và xác suất El Nino đạt cường độ trung bình (Chuẩn sai nhiệt độ tại khu vực Nino3.4 > 1,0 độ C) vào khoảng 84%. Như vậy, nhiều khả năng El Nino sẽ xảy ra với cường độ từ trung bình đến mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều trận mưa có hình thái như vậy. Năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, cụ thể: lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng thái bình; lũ lớn trung bộ cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hay là năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam -Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9 năm 2009. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3. Ngập lụt nghiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%; Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Theo cơ quan khí tượng, ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/2016 và 2019/2020. Dự báo El Nino sẽ gia tăng dần về cường độ vào các tháng mùa đông năm 2023-2024. Dựa trên một số thống kê khí hậu, vào thời kỳ chịu tác động của El Nino khu vực Việt Nam có một số biến động đáng lưu ý.
Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn TBNN khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).
Trong những năm El Nino số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường. Số đợt front lạnh, đặc trưng của các đợt không khí lạnh, qua Hà Nội của các tháng trong năm chỉ bằng 70%. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường.
Trong điều kiện El Nino nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Trong điều kiện có ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.
Tại Việt Nam, mùa hè năm nay đến sớm và khốc liệt, liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ được thiết lập ở nhiều điểm đo trên cả nước. Đầu tháng 5 đã ghi nhận kỷ lục nắng nóng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ngày 6/5, nhiệt độ cao nhất tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 44,1 độ, vượt qua kỷ lục 43,4 độ ngày 20/4/2019 tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Ngay sau đó, ngày 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam.