Kinh tế xã hội hôm nay

Etcetera Nguyễn : Tôi đang vẽ bức tranh Việt Nam muôn màu sắc

* Nhà báo, Tổng Thư ký Việt Weekly - anh Etcetera Nguyễn là một người vì yêu nước mà bị phá sản trên đất Mỹ.

để hiểu rõ hơn vì sao yêu nước mà bị phá sản? Vì sao phố Bolsa được mệnh Mời các bạn theoi dõi video cuộc trò chuyện giữa TBT Trần Sĩ Tuấn và nhà báo Etcetera Nguyễn


Etcetera Nguyễn vẽ chân dung cho lính đảo Trường Sa.

Phố Bolsa có khẩu hiệu không gì không thể hỏi, nên slogan hôm nay sẽ là: “Không có gì không thể hỏi, không có gì không thể trả lời và không gì không thể đăng” (cười)

...Sau khi các anh phản ánh sự thật về những đổi mới tích cực của đất nước, tôi được biết cộng đồng chống Cộng cực đoan đã biểu tình phản đối Việt Weekly, gồm cả bao vây kinh tế, gọi điện Kh*ng b* các cơ sở quảng cáo, phát hành. Nước Mỹ vốn nổi tiếng tự do báo chí, ngôn luận, bày tỏ ý kiến của mình theo Điều I của Hiến chương Hoa Kỳ. Anh nghĩ gì về một sự thật là với danh nghĩa đấu tranh dân chủ, cộng đồng Bolsa lại bóp nghẹt dân chủ của đồng bào mình ngay trên đất Mỹ?

Vào thời điểm đó, những người chống Cộng biểu tình, quyết tâm “triệt hạ” tiếng nói của chúng tôi và cuộc phỏng vấn ông Kiệt chính là cái cớ. Việt Weekly bị biểu tình cả năm trước cửa tòa soạn. Các doanh nghiệp quảng cáo trên tờ báo thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại, những lá thư khuyến cáo nên dừng việc quảng bá trên Việt Weekly. Đồng thời, với quyền lực của mình, các “tù trưởng” còn cấm tất cả các chợ của người Việt phát hành tờ báo này. Vì thế, hoạt động bán và mua báo Việt Weekly - dù không vi phạm luật pháp nước Mỹ nhưng lại diễn ra lén lút. Đòn chí tử đánh vào kinh tế khiến tờ báo gần như kiệt quệ. Từ số phóng viên và cộng tác viên đông đảo, tòa soạn chỉ còn vỏn vẹn 2 lãnh đạo và 2 phóng viên với lượng phát hành giảm xuống 5.000 bản/kỳ. Liên tục 4 năm trời, Việt Weekly đối mặt với những khủng hoảng tài chính.

Lần đầu tiên một tờ báo Việt ngữ bị biểu tình khiến người Mỹ cũng ngạc nhiên. Thậm chí, chúng tôi bị chụp mũ là tiếp tay cho tổ chức Kh*ng b* al-Qaeda. Thông thường người Mỹ biểu tình chỉ đủ để báo chí tới phỏng vấn là thôi. Nhưng chúng tôi bị biểu tình dai dẳng. Thậm chí ông chủ cho chúng tôi thuê trụ sở tòa nhà Việt Weekly còn bị hỏi: Bao giờ quý vị tống cổ tòa báo này ra. Ông ta trả lời: Đây là nước Mỹ, các bạn đến đây vì tự do, chỉ khi Việt Weekly không trả tiền nhà, không tuân thủ luật lệ thì chúng tôi mới làm theo đúng luật. Vì Việt Weekly có thể kiện chúng tôi vì sự kỳ thị cơ quan ngôn luận. Sau đó ông chủ cùng với những doanh nhân căng biển phản đối biểu tình.

Thời điểm đó, thành phố tốn 300 ngàn đô-la để bảo vệ cho đôi bên, tránh chuyện xung đột vũ trang, bạo hành. Khi cuộc biểu tình tạm ngưng, cảnh sát vẫn được phái tới để bảo vệ cho tòa soạn.

Đồng nghiệp của Việt Weekly có hai thái độ: Một, cho là can đảm dám vượt thoát khỏi sự bưng bít, kìm hãm thông tin từ khối chính trị, dân cử chống cộng để thực hành báo chí độc lập, tự do đưa tin. Hai, là e dè, tẩy chay, cho Việt Weekly là “thân Cộng”. Với cá nhân tôi thì cảm thấy vui và hào hứng. Mặc dù nó làm cho chúng tôi gần như sạt nghiệp.

Phố Bolsa là nơi gió tanh mưa máu, là nơi buôn hận thù, bán hàng giả. Anh hiểu điều đó như thế nào dưới góc độ một nhà báo, một người đã từ Mỹ trở về và từ Việt Nam nhìn lại phố Bolsa?

Cảm ơn anh đã nêu một sự thật nhức nhối trong cộng đồng của chúng ta bên đó.

Mặc dù sự kiện tháng 4/1975 đã qua khá lâu, nhưng đối với phần đông những người Việt rời nước sau biến cố ấy vẫn không quên, không nguôi ngoai được những mất mát, chia lìa trong gia đình, vị trí xã hội, tài sản từng có... trước đây. Thái độ của những thành phần này theo thời gian thay đổi từ từ, không thuần nhất một khối như trước. Có thể tạm chia thành các giai đoạn như sau: Từ năm 1975-1990: Hầu hết khối người Việt ở hải ngoại đều tách biệt với đất nước vì không chấp nhận chế độ Cộng sản. Giai đoạn này hầu hết mọi người trong cộng đồng đều có chung một mục tiêu là “chống Cộng dưới mọi hình thức”. Tôi dùng hình ảnh nhẹ nhàng hơn, đó là họ xây dựng hình ảnh cộng đồng Việt Nam bên đó thành một sân khấu chính trị. Khi làm báo chúng tôi phát hiện là có thật. Bên Mỹ cứ 2-4 năm có một cuộc bầu cử. Ứng cử viên người Mỹ gốc tìm đến cộng đồng người Việt Nam để “mua phiếu”, với ngân sách vài trăm ngàn đô, họ muốn cử tri Việt Nam bầu cho họ. Có thuật ngữ “mua bán” là như vậy. Những ông lãnh đạo cộng đồng Việt Nam sẵn sàng giơ tay ủng hộ. Để lấy được từ nguồn ngân sách quảng cáo cho các vị dân cử, chiêu bài chống Cộng là dễ nhất. Tất cả được quy ra thành tiền. Những vị dân cử là người Tây Ban Nha, người Mễ, người Mỹ... mặc dù không biết Việt Nam nhiều nhưng sẵn sàng chống Cộng. Các đảng phái đều có các nhân sự trẻ, làm phụ tá cho các vị dân cử đó, đưa nội dung chống Cộng. Đó là nghề của họ. Họ kiếm sống bằng những nghề đó. Bề nổi là thế nhưng bên trong là chia chác quyền lợi.

Từ 1995-2000, Việt Nam đổi mới, cởi mở hơn về mặt chính trị và kinh tế được cải thiện, nhiều lượt người Việt ở hải ngoại tìm về Việt Nam để thăm thân, du lịch và cả tìm cơ hội làm ăn, buôn bán. Lượng thông tin về Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều, thường xuyên hơn ở các kênh thông tin internet và cả trong cộng đồng. Ngược lại, nhiều lượt người từ trong nước có cơ hội ra nước ngoài để du lịch, thăm thân và cả buôn bán làm ăn, khiến cho việc nối kết, liên hệ giữa người trong và ngoài nước thêm chặt chẽ. Trên bề mặt, những tổ chức chống Cộng bắt đầu mất dần ảnh hưởng lên đời sống và chọn lựa của người dân, họ tự quyết định đi đi về về Việt Nam theo nhu cầu riêng. Việc này cũng giúp cho sự cảm thông giữa quá khứ và hiện tại nhiều hơn. Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã khéo léo trong các chính sách ngoại giao, không chỉ với cộng đồng quốc tế, mà có nhiều nghị định (như NĐ-36) tạo cầu nối, xác lập mối quan hệ giữa cộng đồng Việt ở hải ngoại là một “bộ phận không thể tách rời” với cộng đồng người Việt trong nước.

Đương nhiên không phải ở Việt Nam cái gì cũng tốt, nhưng chúng ta cần thừa nhận là Việt Nam hiện đang bình yên. Vì đăng tải những sự thật tích cực về Việt Nam dẫn đến Việt Weekly bị phá sản, anh có hối hận không khi tờ báo đang bán chạy? Nếu làm lại anh có đi con đường này hay đi con đường khác mềm mại hơn, vẫn đạt được nguyện vọng của mình mà hiệu quả hơn?

Thực chất nhìn lại tôi có chút băn khoăn chứ không phải hối hận. Có lẽ chúng tôi sẽ khôn ngoan khéo léo hơn, không quyết liệt, đốt cháy giai đoạn như đã làm. Mặc dù những người chống Cộng bên kia chụp mũ tôi là thân Cộng, nhưng chúng tôi chứng minh rằng không chống, không thân. Làm báo cần một thái độ là ở trên chính trị, quan sát giám sát chính trị. Cho tới giờ tôi vẫn quan niệm tôi là một nhà báo toàn cầu, nên dù ở đâu thì chúng tôi cũng làm tờ báo toàn cầu, phản ánh đời sống của con người Việt Nam chúng ta. Chúng tôi muốn làm như BBC chính thống, làm một tờ báo toàn cầu, có những bàn tròn như chúng ta đang thực hiện, mở rộng khắp nơi.

Đại đa số các độc giả của Việt Weekly tôn trọng tiếng nói của chúng tôi, vẫn mong muốn Việt Weekly trở lại với một cấp độ lớn hơn, thận trọng hơn... Tiếng nói không dừng ở trong cộng đồng đó nữa.

Như hiện tại, coi như tôi may mắn được tòa soạn cử về Việt Nam sống trong mấy năm vừa qua nên sự hiểu biết đầy đủ hơn. Hy vọng sự trở lại của Việt Weekly trong tương lai sẽ tốt hơn.

Động lực nào khiến anh đi Trường Sa tới 3 lần, hải ngoại đồn Việt Nam bán đảo bán nước, anh có cảm nhận như thế nào?

Năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức một chuyến đi dành cho kiều bào từ các nước về, ra thăm quần đảo Trường Sa, tôi là một trong những nhà báo hải ngoại đầu tiên được đi Trường Sa, mà lại may mắn được đi tới 3 lần. Liên tiếp 5 số báo sau đó, hình ảnh về biển đảo, đời sống của quân dân, di tích lịch sử, các cuộc phỏng vấn tại chỗ đã được thể hiện dưới hình thức báo in, báo nói, hội luận cùng triển lãm hàng trăm tấm ảnh ngay tại tòa soạn Việt Weekly. Điều đó mang nhiều mới mẻ cho độc giả của Việt Weekly nói riêng, cho cả cộng đồng hải ngoại nói chung. Trong số người xem có cả người chống Cộng. Họ ngạc nhiên lắm. Vì từ trước tới nay, vấn đề khác biệt quan điểm chính trị về chủ quyền biển đảo giữa trong và ngoài nước rất lớn, rất sâu sắc. Do đó, không gì thuyết phục người dân hơn là hình ảnh, câu chuyện được chính phóng viên từ Bolsa đi tìm hiểu, đưa tin chính xác, khách quan, trung thực. Thực tế khác hẳn với định kiến của một số người trong cộng đồng người Việt chống Cộng.

Tôi cũng đến Thác bản Giốc. Năm nào tôi cũng đi Y Tý, mũi Cà Mau, quan sát làm phóng sự đời sống. Ở đâu cũng được hỗ trợ nhiều. Những thước phim mang về khiến các đảng phái không nói được lời nào. Họ thấy đây là thực tế khác hẳn với định kiến của họ.

3 lần đến với Trường Sa đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều tình cảm. Những chuyến đi khiến tôi trân trọng giá trị lịch sử và những hy sinh lớn lao của những thế hệ quân dân Việt bám biển, giữ đảo. Trước khi đi, tôi hình dung đó là đảo nhỏ, có chim chóc, cây cối... Nhưng ra đến nơi quá ngạc nhiên. Ở đó có đời sống, con người, tự do tôn giáo... Tuyệt vời! Tôi được xem cả khí tài, khí cụ.

Du Tử Lê nói: Nếu tôi ch*t hãy mang tôi ra biển. Nhà báo Nguyễn Phương Hùng (KBCHN) thì nói rằng ông ta về nước không phải để tìm một chỗ đứng, một chỗ ngồi mà là để tìm một chỗ nằm, đấy là những người lớn tuổi. Rồi có nhiều Việt kiều về nước đầu tư. Riêng Etcetera Nguyễn về nước để sống cuộc sống khó khăn, gian khổ. Động lực nào khiến anh hành động như vậy?

Câu hỏi này tôi phải suy nghĩ. Hỏi khó quá... (lúng túng cười).

Anh hãy trả lời bằng đúng trái tim và trí óc của mình. Nếu chỉ trả lời bằng khối óc, e chưa đủ, cần có sự hài hòa giữa khối óc và trái tim.

Tôi muốn mang về một ít hạt giống về tư tưởng tự do, khách quan trong làm báo thông qua chính những việc làm của tôi. Món quà khách quan tựa như chim trời mang đến như hạt giống dưa hấu của chàng Mai An Tiêm ngày xưa vậy. Như các nhà báo cần phải thoát ra khỏi cơ quan chủ quản và phải nói lên sự thật.

Etcetera Nguyễn trong buổi tọa đàm tại tòa soạn báo Sức khỏe&Đời sống.

Báo chí Việt Nam cũng đi tìm sự thật và chúng tôi không bị cấm nói về sự thật.Phơi bày cái xấu cũng là để xã hội tốt đẹp hơn. Tổng biên tập hoàn toàn quyết định về nội dung, về việc xuất bản bài, không phải “trình”qua ai hết.

Tôi đồng ý một phần. Chữ phản biện bắt đầu xuất hiện trong một số kỳ họp Quốc hội, trên báo chí. Tuy nhiên, tại Việt Nam những tờ báo chính thống vẫn chạy sau thông tin trên mạng xã hội? (dù Trung Quốc cấm facebook, youtube, nhưng Việt Nam thì không). Có vẻ như người dân Việt Nam vẫn chưa đặt nhiều niềm tin vào báo chí chính thống? Vì sao báo chí chính thống đi sau mạng xã hội?

Hiện nay, ở Việt Nam, không phải tin gì báo chí cũng đi sau mạng xã hội. Mạng xã hội các nick không phải chịu trách nhiệm về thông tin (chưa kể còn rất nhiều nick ảo tung fake news) trong khi báo chí chính thống phải chịu trách nhiệm về sự thật đăng tải, về thông tin đó. Do đó báo chính thống cần có thời gian kiểm chứng. Nếu sai, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền kiện báo. Hoặc có trường hợp, phóng viên câu view, tung vấn đề lên mạng xã hội trước, làm bài sau nên tạo cảm giác báo chí đi sau mạng xã hội.

Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng có hiệu lực thì thông tin trên mạng xã hội cũng có thể bị kiện nếu sai. Ở Việt Nam, mỗi tổng biên tập có toàn quyền trong phạm vi tờ báo của mình, tuy nhiên tổng biên tập phải chịu trách nhiệm trước sự thật.

Ở bất kỳ xã hội nào cũng luôn có mặt phải và mặt trái. Cái hay nhất là anh, một thuyền nhân, nhà báo hải ngoại đã trở về Việt Nam với cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng vẫn say mê khám phá khắp các miền đất nước, mở trang Youtube về văn hóa Việt Nam để cộng đồng hải ngoại hiểu hơn về Việt Nam, tất cả là do anh yêu nước!

Ở Mỹ, Nhà nước không được ra báo.Người dân Mỹ không dễ dàng tin và phát tán các fake news, có lẽ do trình độ dân trí cao hơn. Nếu đưa sai thông tin thì tờ báo có thể dẫn đến phá sản... Tờ Việt Weekly cũng phải đối mặt với pháp luật nhiều lần. Ví dụ, chúng tôi đăng lại một hình của tờ Thanh Niên về đám cưới Jennifer Phạm, có chú thích nguồn rõ ràng nhưng ông chụp ảnh kiện và chúng tôi bị phạt 6 ngàn đô.

Việt Nam đăng sai bây giờ cũng bị kiện ngay. Tôi rất thận trọng khi duyệt thông tin, vì mình không thể lấy quyền tổng biên tập để áp đặt đăng tin không chuẩn xác. Việt Nam có tự do ngôn luận nhưng có một vài phóng viên lợi dụng quyền lực báo chí để làm những điều đi trái với đạo đức nghề báo.

Tôi luôn có niềm tin Việt Nam đang đi đúng hướng, nhất là tự do ngôn luận. Ở bên kia những năm gần đây có xu hướng phóng viên cũng là tổng biên tập luôn, tức là được quyền quyết định và chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra. Trong tương lai nếu như có thể mở văn phòng báo Việt Weekly tại đây, chúng tôi mong muốn phóng viên của các báo trong nước hợp tác với chúng tôi.

Những ngày đầu anh về Việt Nam, vẽ tranh ở Bờ Hồ vất vả. Quan niệm từ những ngày đầu và đến bây giờ có thay đổi nhiều không?

Không. Tôi yêu Việt Nam sâu sắc hơn. Nếu chỉ được đối xử như Việt kiều sẽ có ngộ nhận. Sống ở đây sẽ thấy khác.

Tôi đang vẽ bức tranh Việt Nam muôn màu sắc. Hiện đã qua giai đoạn phác thảo. Tôi đang phân vân vẽ Việt Nam 4 mùa hay mùa nào.

Vẽ 4 mùa chứ vì anh là nhà báo, nhưng sự thật được vẽ viết bởi một người yêu Việt Nam với một người chối bỏ đất nước sẽ khác nhau. Đất nước không cần tô hồng. Chỉ cần phản ánh khách quan. Phải có sự khác biệt. Những chứng nhân như Etcetera hiệu quả hơn là sự nói một chiều.

Một số độc giả bảo tôi sao không vẽ màu nâu, màu đen? Anh có muốn biết tôi đang vẽ đến đâu không? Tôi đang chuẩn bị vẽ những bông hoa đầu tiên của mùa xuân.

Vừa rồi tôi thấy trên facebook anh post ảnh đi thăm Nhà thờ Phát Diệm, anh cảm nhận bức tranh tôn giáo Việt Nam ra sao dưới con mắt của một nhà báo hải ngoại, đặc biệt trước thông tin Thứ trưởng Ngoại giao Vatican sang đặt vấn đề mở Văn phòng đại diện Vatican tại Việt Nam?

Đây là một bước tiến xa. Tôi là người công giáo, về thăm quê thấy người bên công giáo và bên lương sống rất hòa hợp, như vậy Việt Nam thực sự có tự do tôn giáo. Việt Nam đã thuận theo xu hướng hòa hập và hội nhập tôn giáo của thế giới, rất đáng mừng.

Tuy nhiên, có những người lợi dụng tự do tôn giáo để mưu đồ chính trị như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Thái Hợp. Tôi cho đó là những nhà chính trị, họ có động cơ chính trị, nên cách hành xử của họ như vậy đi ngược lại với giáo lý công giáo. Giáo lý công giáo là người đem tin mừng, tin vui đến với người khác. Tôi đã đến vùng đất ông Nguyễn Văn Lý sống vào thời điểm nóng nhất, giáo dân ở đó bảo họ đi theo ông Lý như một lãnh tụ chính trị, động cơ vậy là sai so với giáo lý công giáo rồi.

Etcetera Nguyễn vẽ chân dung tại Bờ Hồ.

Năm 2004 Nhà nước đã đưa ra Nghị định 36, theo đó Cộng đồng người nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc...

Bài báo tôi viết Hãy để sự thật trả lời - đăng báo Nhân Dân cũng nói về Nghị định 36. Hiện có nhiều kiều bào trở về, đó là câu trả lời cho hiệu quả của nghị định này. Không phải thuần túy vì chính sách mà bà con trở về đâu, nó là sự hữu lý từ cách ứng xử với kiều bào của người dân trong nước, từ sự thay đổi tích cực của đất nước. Bản thân tôi trở về trong 5 năm vừa qua cũng là một chứng nhân. So với bên Mỹ, về đây tôi sống giản dị hơn. Có ông anh còn nói câu làm tôi đau lòng là người ta tìm mọi cách để sang Mỹ còn Etcetera lại bỏ Mỹ về Việt Nam là sao... Tôi nói, chính nước Mỹ cho tôi quyền được lựa chọn sự trở về này. Trên mọi diễn đàn tôi đều nói về Việt Nam sống vui hơn, gần gũi hơn. Tôi về không phải để mưu cầu kinh tế, không phải để tìm kiếm cơ hội mà tôi muốn là chứng nhân cho một giai đoạn đặc biệt ở Việt Nam. Ở Việt Nam, ngày lễ rất đông, nhưng bình yên, không hỗn loạn. Ở Mỹ trước những sự kiện, lễ hội, FBI phải rà soát cả tháng trời để giữ an ninh, chống Kh*ng b*. Như vậy, hiện an ninh ở Việt Nam là số 1.

Nghị định 36 không chỉ có lợi cho Việt Nam mà có lợi cho cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại. Theo anh nghĩ, làm thế nào để Nghị định 36 đi vào đời sống, lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng?

Lan tỏa như thế nào là do trách nhiệm của báo chí. Tôi quan niệm Việt Nam là gốc, người Việt sống ở hải ngoại là ngọn. Gốc ngọn hiện chưa thật sự thông nhau bởi thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác. Người làm báo cần là cầu nối để “thông” giữa gốc và ngọn....

Anh là nhà báo chuyên đi phỏng vấn người khác, hôm nay lại “bị” phỏng vấn. Cảm giác của anh thế nào?

Tôi... sợ. Tuy nhiên, sự cởi mở của anh làm tôi sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn.

* Chính vì sự khác biệt giữa anh và tôi nên mới có cuộc phỏng vấn hôm nay. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, không thể bắt anh yêu nước giống tôi. Sự khác biệt mới tạo nên sự đa sắc của cuộc sống. Xin cảm ơn Etcetera Nguyễn và chúc anh cùng gia đình một mùa xuân mới vui lành. Chờ xem những bông hoa mùa xuân mà anh đang vẽ.

Võ Hồng Thu (ghi)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/etcetera-nguyen-toi-dang-ve-buc-tranh-viet-nam-muon-mau-sac-n153233.html)

Chủ đề liên quan:

bức tranh màu sắc Nguyễn việt nam

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY