Kinh tế xã hội hôm nay

Gia đình 3 thế hệ gần 40 năm may cờ Tổ quốc

Gần 40 năm qua, gia đình bà Mai vẫn giữ hồn nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng. Mỗi năm gia đình bà cung cấp 5 vạn lá cờ để phục vụ nhân dân.

"Gia đình 3 đời may cờ Tổ quốc"

Bà Nguyễn Thị Mai (64 tuổi, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) giới thiệu đầy tự hào về truyền thống may cờ Tổ quốc của gia đình với tôi như thế.

Gần 40 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Mai (phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa) làm nghề may cờ Tổ quốc.

12h trưa ngày 31/8, các thành viên trong gia đình bà Mai vẫn chưa nghỉ, họ đang bận rộn cho công việc "thổi hồn" vào những lá cờ Tổ quốc. Đây là ngày làm việc cuối của gia đình bà trong đợt cao điểm may cờ Tổ quốc phục vụ dịp lễ Quốc khánh 2/9.

"Mỗi năm có vài đợt cao điểm, đó là các ngày lễ lớn, ngày Tết, những ngày này chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp cung cấp cho khách đặt", bà Mai chia sẻ.

"May cờ Tổ quốc tuy không khó nhưng cần phải có sự khéo léo và đặc biệt là làm việc xuất phát từ cái tâm", bà Nguyễn Thị Mai nói.

Bà kể, nghề may cờ Tổ quốc của gia đình bà đến nay đã gần 40 năm. Trước khi may cờ Tổ quốc, bà Mai và chồng từng là những quân nhân yêu nước.

Vào năm 1980, bà và chồng của mình tham gia quân ngũ tại Trung đoàn 532. Đến năm 1983, sau khi xuất ngũ bà về công tác tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa. Trong các dịp lễ, những người lao động như bà Mai ở cơ quan thường làm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc.

Mỗi dịp như vậy, bà Mai về nhờ bố của mình dạy cách may và nghề may cờ Tổ quốc của bà cũng bén duyên từ đó. "Cha tôi trước kia làm nghề may mặc, lúc bấy giờ ông cũng làm việc trong Quốc doanh may đo Thanh Hóa và là một trong những thợ may cờ Tổ quốc có tiếng ở thành phố Thanh Hóa. Chính ông đã dạy tôi cách may cờ Tổ quốc", bà Mai bộc bạch.

Loại vải mà bà Mai may cờ được lựa chọn kỹ càng, thông thường bà sử dụng loại vải sa-tanh.

Sau khi về hưu, bà Mai bán quần áo tại chợ Vườn Hoa, đồng thời nhận may cờ Tổ quốc. Với tay nghề khéo léo, bà Mai trở thành người thợ bậc nhất của chợ Vườn Hoa lúc bấy giờ.

Những năm về sau, bà Mai dừng việc may thuê rồi về nhà mở xưởng may cờ Tổ quốc. Kể từ đó cho đến nay, mỗi năm gia đình bà trở thành nơi sản xuất cờ Tổ quốc lớn nhất xứ Thanh.

Cho đến nay, mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Mai vẫn miệt mài với công việc của mình. Thậm chí, gia đình cậu con trai của bà hiện nay cũng đang nối nghiệp cha ông để theo đuổi công việc này.

Bà Mai cận thận trong từng đường kim, mũi chỉ.

"Tôi không nghĩ mình lại là thế hệ kế nhiệm làm nghề may cờ Tổ quốc. Từ nhỏ thấy bố mẹ may cờ Tổ quốc thì tôi thường đứng xem và rất thích thú. Đến bây giờ, khi nhìn những tấm vải đỏ, sao vàng tôi lại cảm thấy đầy tự hào", anh Trần Tiến Quân (con trai, thế hệ may cờ Tổ quốc thứ 3 của gia đình bà Mai) chia sẻ.

Thiêng liêng qua từng đường kim mũi chỉ…

Những ngày này, khắp các tuyến phố ngập tràn trong màu sắc rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, bà Mai cũng như các thành viên trong gia đình mình lại cảm thấy đầy tự hào về nghề mà mình đã chọn.

Mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Mai vẫn còn khá khéo léo và chính xác trong từng đường may.

"Không chỉ tôi mà biết bao người thợ may cờ Tổ quốc đều cảm thấy tự hào khi nhìn cờ bay phấp phới, phố phường ngập tràn sắc cờ hoa trong ngày hội lớn. Chỉ bấy nhiêu thôi đã làm chúng tôi mãn nguyện với nghề rồi", bà Mai tâm sự.

Theo bà Mai, để có được những lá cờ đẹp thì người thợ may không chỉ khéo léo mà còn phải làm việc bằng cả cái tâm. Mỗi đường kim mũi chỉ thể hiện sự thiêng liêng với Tổ quốc, vì đó là linh hồn của dân tộc. Chính vì vậy, những người thợ may cờ Tổ quốc luôn cẩn thận đến từng chi tiết.

Những cánh sao phải được đính đúng chính giữa lá cờ mới tạo ra được lá cờ đẹp và ý nghĩa.

Cũng theo bà Mai chia sẻ, may cờ Tổ quốc không khó nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn vải đến may đo. Nhưng công đoạn quan trọng và khó nhất vẫn là gắn sao vàng 5 cánh.

"Việc đính sao phải thật chuẩn xác, khi cắt sao cũng phải đồng đều. Nếu cánh sao bị lệch tâm với lá cờ thì sẽ rất xấu và không thể hiện được ý nghĩa của lá Quốc kỳ. Những lá cờ có kích cỡ nhỏ thì còn dễ, đối với những lá cờ kích thước lớn thì việc đính sao phải hai người làm mới chuẩn xác được", bà Mai cho hay.

Trung bình mỗi năm gia đình bà Mai sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 lá cờ Tổ quốc. Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn, mỗi ngày gia đình bà sản xuất từ 500 - 1.000 lá cờ.

Mỗi năm gia đình bà Mai sản xuất khoảng 50 nghìn lá cờ Tổ quốc.

Suốt 40 năm làm nghề may cờ Tổ quốc nhưng chưa bao giờ bà Mai nghĩ đến việc sẽ làm giàu từ món nghề này. Với bà, mỗi ngày được ngồi trên chiếc máy may cùng tấm vải đỏ và ngôi sao vàng là bà hạnh phúc.

"Nghề may cờ Tổ quốc không giàu được. Tôi yêu công việc này, nếu có lựa chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề may cờ Tổ quốc. Vì đó là niềm tự hào, là sự đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giữ "hồn kỳ" Tổ quốc", bà Mai thổ lộ.

Theo Thanh Tùng/Dân Trí

Giadinh.net.vn cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gia-dinh-3-the-he-gan-40-nam-may-co-to-quoc-20210902075302752.htm)
Từ khóa: xã hội

Chủ đề liên quan:

xã hội

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY