Theo ghi nhận của PV, sáng 31.8, giá lợn hơi tại miền Bắc đã giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg so với hôm qua (30.8), dao động trong khoảng từ 76.000 - 81.000 đồng/kg. Trong đó, Vĩnh Phúc là nơi giá lợn giảm sâu nhất tới 5.000 đồng/kg, còn 76.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hôm nay cũng giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng từ 77.000 - 82.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng từ 78.000 - 82.000 đồng/kg.
Trong những ngày qua, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm mạnh do tâm lý lo ngại dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều trang trại bán tháo, cùng với đó là công tác tích cực tái đàn và gia tăng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho biết giá lợn sống nhập từ Thái Lan về với giá xuất bán từ 80.000 - 83.000 đồng/kg, đã phần nào giúp bình ổn giá trong nước. Trong khi đó, 7 tháng của năm, cả nước nhập hơn 93.000 tấn thịt lợn đông lạnh các loại, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong quý 3 và quý 4, cung - cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ giảm tiếp.
Tại chợ gia súc, gia cầm Hà Nam - một trong những điểm buôn bán, trung chuyển lợn hơi lớn nhất miền Bắc, các hộ dân chăn nuôi bắt đầu lo lắng thua lỗ vì vừa tái đàn thì giá lợn xuất bán tại chuồng lại giảm sâu liên tiếp. Lãnh đạo Ban Quản lý chợ gia súc gia cầm Hà Nam cho biết giá lợn hơi giảm sâu chỉ có các hộ chăn nuôi lo thua lỗ, còn các thương lái vẫn lãi bình thường.
Mặc dù giá lợn hơi trên cả nước được đánh giá giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, nhưng tại nhiều chợ dân sinh, giá thịt lợn vẫn giảm nhỏ giọt. Tại một số chợ dân sinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), giá thịt ba chỉ dao động ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, sườn non có giá dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/kg... nhìn chung, các tiểu thương đang bán thị lợn với mức giá dao động từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng một ký tùy loại.
Khi được hỏi về việc giá lợn hơi giảm tại sao giá lợn thịt vẫn ở mức cao, một tiểu thương tại chợ Trần Điền (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết do giá lợn nhập từ các lò mổ cao nên phải giá thịt lợn bán ra phải cân đối để có lãi. "Nếu giá lợn từ chuồng giảm, cùng với các khâu như mổ, chế biến... giảm thì tiểu thương tại các chợ như chúng tôi cùng giảm ngay", chị cho hay.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng giải pháp căn cơ giúp giá thịt lợn giảm hiện nay vẫn là tái đàn ổn định và bền vững. Vì chỉ khi tạo ra được nguồn cung thịt lợn tại chỗ thì mới có thể cân đối được cung - cầu thịt lợn trong nước.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đến cuối tháng 7.2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31.1.2018).
Trong đó, 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%. Bình Phước là tỉnh có mức tái đàn lợn cao nhất cả nước đạt 164,7%, tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Yên Bái, Hòa Bình...