Vào lúc 9 giờ 45 phút, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 52,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,7 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng đến 1 triệu đồng ở chiều bán. Trong khi đó, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty SJC niêm yết giao dịch ở mức 51,85 – 52,87 triệu/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,45 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại thị trường TP.HCM, DOIJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 52 – 52,85 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1,38 triệu đồng ở chiều bán ra. Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 51,85 triệu đồng/lượng và 52,95 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng ở chiều mua và 1,45 triệu đồng ở chiều bán.
Cùng thời điểm trên, giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 52,1 – 52,85 triệu đồng/lượng, tăng 850.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1,4 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước. Giá vàng Phú Quý SJC đang giao dịch ở mức 52,1 - 53 triệu đồng/lượng, tăng 850.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1,45 triệu đồng ở chiều bán.
Đáng chú ý, một số ngân hàng cũng đồng loạt nâng giá vàng ngay khi mở cửa. Sacombank đang niêm yết mức mua vào mỗi lượng vàng là 51,8 triệu đồng nhưng bán ra lên đến 53 triệu đồng, tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1,82 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước. Giá vàng tại TP Bank đang dao động quanh mức 52 – 52,85 triệu đồng/lượng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 của nhiều doanh nghiệp kim hoàn lớn khác cũng dao động quanh ngưỡng 51 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 52,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý mua vào ở 51,55 triệu đồng/lượng và bán ra ở 52,05 triệu đồng/lượng, tăng 1,08 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều.
Như vậy, so với ngày hôm qua, giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/lượng, thậm chí một số ngân hàng điều chỉnh tăng đến 1,8 triệu đồng cho mỗi lượng vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đang được nới rộng, dao động từ 500.000 – 800.000 đồng/lượng, tùy niêm yết của từng doanh nghiệp. Hiện tại, mốc 53 triệu đồng/lượng là mức giá cao nhất từ trước đến nay của thị trường vàng miếng trong nước.
Vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do vàng thế giới giao ngay đêm qua tăng nhanh lên ngưỡng 1.859 USD/ounce. Trong khi vàng giao tháng 8 đã lên mức 1.862 USD/ounce (gần 52,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí).
Vào lúc 10 giờ (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.858 USD/ounce, tăng 18 USD so với phiên giao dịch trước.
Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia, đe doạ nhiều nền kinh tế khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục phải thực hiện nhiều gói kích thích, dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn. Cạnh đó, đồng USD suy yếu cũng là nhân tố thúc đẩy giá vàng tăng mạnh.
Ngoài ra, thị trường vàng cũng đang được hỗ trợ bởi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai siêu cường đã bị cuốn vào những căng thẳng liên quan đến kinh tế và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh lạnh mới đang diễn ra.
Theo các chuyên gia, việc giá vàng tăng mạnh là phù hợp với tình hình kinh tế và địa chính trị hiện nay. Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Hans Albrecht - Giám đốc danh mục đầu tư tại Horizons ETF nói rằng vàng và cổ phiếu sẽ song hành đi lên bởi các biện pháp kích thích kinh tế và lạm phát tăng.
“Mặc dù thị trường vàng đang khá vất vả để tìm đà vượt qua các mức hỗ trợ quan trọng trên 1.800 USD/ounce, tuy nhiên việc giá tăng chỉ là vấn đề thời gian. Vàng đang có cơ hội tốt để leo lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay, trước khi tiến xa hơn vào năm tới”, ông nói.
Đáng chú ý, trước diễn biến tăng giá mạnh của vàng, chuyên gia Công ty Bảo Tín Minh Châu cho rằng người dân và các nhà đầu tư nên cân nhắc trước các giao dịch mua bán hoặc mua bán theo nhu cầu tự nhiên để tránh rủi ro.