Khoa học hôm nay

Giải mã thảm họa ngầm, kỳ lạ dưới đáy Đại Tây Dương: Nhà khoa học bất ngờ!

Những trận động đất thông thường sẽ đi theo một hướng nhất định, nhưng mới đây các nhà khoa học đã ghi nhận một trận động đất đi ngược chiều để về với nơi nó sinh ra.

Một trận động đất mạnh 7,2 độ Richter đã xảy ra ở Baja California vào năm 2010. González, người đứng đầu cộng đồng Cucapah bản địa, đã kể lại với các nhà khoa học: "Khi trận động đất xảy ra, nó đã tạo đám mây bụi khổng lồ như có một chiếc xe vừa chạy qua sa mạc. Nhưng có vẻ hướng của đám mây bụi đó không bình thường."

Các trận động đất thường làm nứt bề mặt và di chuyển theo một hướng, như khi ta xé một mảnh giấy. Nhưng theo ông González, đám mây bụi từ trận động đất kia đã quay ngược lại về nơi xuất phát, hướng di chuyển làm các nhà khoa học bất ngờ và chưa thể tìm lời giải.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cuối cùng đã có cơ hội "chiêm ngưỡng" và ghi lại những thông số chi tiết về một trận động đất ngược khác. Những dữ liệu cho thấy, trận động đất ban đầu chạy theo hướng xa tâm chấn nhưng sau đó nó quay ngược lại nơi nó sinh ra.

Khu vực ghi nhận trận động đất ngược (Nguồn: PETER BIRD, UCLA; USGS; GEBCO)

Trận động đất cường độ 7,1 độ richter bắt đầu trên một đường đứt gãy dưới đáy Đại Tây Dương, cách 1.050 km ngoài khơi bờ biển Liberia, miền tây châu Phi. Ban đầu nó đi về phía đông bắc, nhưng ngay sau đó nó quay đầu lại với tốc độ đáng kinh ngạc.

Rung chuyển gây ra do động đất là rất nguy hiểm. Nhưng một trận động đất ngược tạo ra rung chuyển dữ dội và ảnh hưởng phạm vi lớn hơn rất nhiều so với động đất thông thường. Hiện vẫn chưa rõ có báo cáo cụ thể về số lượng và cường độ của các trận động đất ngược.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới về động đất ngược được công bố ngày 10/8 trên tạp chí Nature Geoscience, là một bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu những nguy cơ tiềm ẩn từ chúng.

Bước chuyển ngược ngoạn mục

Trận "động đất ngược" gần đây nhất được ghi lại gần sườn núi giữa Đại Tây Dương, nơi các mảng kiến ​​tạo Nam Mỹ và châu Phi đang dần tách xa nhau. Mùa xuân năm 2016, để nắm bắt hoạt động của mảng kiến ​​tạo, các nhà khoa học đã đặt 39 máy đo địa chấn gần sườn núi để thu thập âm thanh từ các trận động đất.

Vài tháng sau, trận động đất mạnh 7,1 độ richter xảy ra. Stephen Hicks , một nhà nghiên cứu động đất tại Đại học Hoàng gia London, tác giả của nghiên cứu mới, cho biết trận động đất xảy ra trên một vị trí của rãnh Romanche (nơi sâu thứ ba trong các rãnh chính của Đại Tây Dương, sau rãnh Puerto Rico và rãnh South Sandwich).

Các máy đo địa chấn đã ghi lại một cách trung thực sự rung chuyển của mặt đất thể hiện qua các tiếng động và dựa vào đồ thị âm thanh các nhà nghiên cứu thấy hiện tượng xung nhịp.

Họ đã quan sát kỹ hơn và xác định đâu là bước chuyển ngược của trận động đất.

Bằng cách kiểm tra vị trí của tâm chấn và năng lượng được giải phóng bởi mỗi pha, nhóm nghiên cứu đã kết nối các điểm địa chất: Trận động đất ban đầu hướng về phía đông, nhưng sau đó quay ngược lại phía tây khi đến gần sườn núi giữa đại dương.

Chặng thứ hai này nó di chuyển nhanh với tốc độ được gọi là siêu tốc 17.700 km/h, đủ nhanh để di chuyển từ New York đến London trong 18,5 phút.

"Mảnh đất mới" của các nhà địa chất

Hiểu được khi nào và tại sao những sự kiện động đất ngược này xảy ra là rất quan trọng trong công tác dự đoán nguy cơ. Các nhà khoa học đang nỗ lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mức độ thường xuyên của những trận động đất ngược này ra sao, và cường độ của nó như thế nào?

Một trận động đất ngược với tốc độ siêu âm, như nhóm nghiên cứu đã quan sát ở Đại Tây Dương, có thể là khá hiếm. "Theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên một trận động đất ngược như thế này được ghi nhận và nghiên cứu.", nhà địa vật lý Yoshihiro Kaneko của GNS Science ở New Zealand cho biết.

Những bằng chứng về trận động đất ngược đang ngày càng được củng cổ thông qua thực tế và các mô phỏng máy tính trong phòng thí nghiệm.

Nhà địa vật lý Louisa Brotherson , Đại học Liverpool, Anh, người mô phỏng các trận động đất trong phòng thí nghiệm cho biết: "Lý thuyết nói rằng nó có tồn tại, nhưng khá khó để nhìn thấy điều đó trong thực tế.". Có lẽ đây sẽ là một "mảnh đất mới" để các nhà địa chất học khai phá trong tương lai.

Bài viết sử dụng nguồn từ National Geographic

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/giai-ma-tham-hoa-ngam-ky-la-duoi-day-dai-tay-duong-nha-khoa-hoc-bat-ngo-20200814111609919.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY