Giãn mao mạch là hiện tượng giãn hoặc phình các mạch máu trên da (bao gồm các mạch máu nhỏ và tĩnh mạch ngoại biên). Trên thực tế, giãn mao mạch là tình trạng các mạch máu nhỏ bị vỡ hoặc mở rộng nằm gần bề mặt da. Ta có thể thấy chúng có những vệt máu li ti như các mạng nhện. Sự hiện diện của chúng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đối với sức khỏe tổng thể. Và khi mạch mở rộng trở nên yếu hơn, gây chảy máu và dẫn đến giãn mao mạch.
Biểu hiện là các mạch máu giãn như hình màng nhện li ti ở dưới da, vùng da có mao mạch nổi lên nhìn thấy sẫm màu hơn. Tình trạng này thường gặp ở những làn da mỏng, yếu, dễ tổn thương. Xuất hiện ở đầu mũi, vùng má, vùng hai bên thái dương, dọc theo vùng trước xương hàm, dưới má.
Việc chẩn đoán giãn mạch máu nông là không khó, tuy nhiên cần xác định đúng nguyên nhân để loại trừ và lựa chọn phương pháp điều trị là rất quan trọng.
Giãn mao mạch là tình trạng thường gặp trên da.
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành, có thể do nguyên nhân ngoại sinh, trong đó thường gặp nhất là tình trạng nữ giới lạm dụng hóa mỹ phẩm. Các loại kem bôi mặt kém chất lượng không rõ nguồn gốc có chứa hàm lượng kiềm, axit và thủy ngân cao. Điều đó khiến da chúng ta mỏng dần, lão hóa, giảm sức đề kháng của da. Lúc này các mạch máu bắt đầu nổi rõ, màu đỏ hoặc tím li ti.
Do da bị tổn thương bởi sử dụng các công nghệ xâm lấn, bóc lột, mài mòn da, gọt phẫu thuật. Đó là nguyên nhân gây tổn thương da nên kích thích giãn mao mạch
Ở một số trường hợp do ánh nắng mặt trời, vì tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời làm cho da khô, mất nước, da bị lão hóa nhanh, mạch máu dưới da bị giãn nở và phồng rộp.
Hằng ngày, nếu chăm sóc không đúng cách da mặt, bạn vô tình khiến hàng rào bảo vệ lipid tự nhiên bị phá hủy, là nguyên nhân dẫn đến da dễ bị tổn thương dưới tác động của các tác nhân có hại từ môi trường như: chất độc hại, tia UV từ ánh nắng mặt trời.
Một số chất kích thích cũng có thể là nguyên nhân, trong đó có những gia vị nóng hoặc cay sẽ làm tăng lưu lượng máu lưu thông trong hệ thống mạch ngày càng bị giãn, độ đàn hồi kém dần và cuối cùng các mao mạch ngày càng nổi rõ trên da.
Đối với nguyên nhân nội sinh thì thường gặp nhất là bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm khớp dạng thấp, người bệnh nặng mới khỏi... da mỏng, mạch máu bị giãn phồng. Tế bào biểu bì da không đảm nhận tốt vai trò bảo vệ những mạch máu. Lúc này, bề mặt da bắt đầu xuất hiện mạch máu trên mặt, mạch máu đỏ.
Do yếu tố di truyền - đây là cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh giãn mao mạch ở mặt khá phổ biến, do di truyền gene từ ông bà, bố mẹ, hoặc thậm chí từ những đời trước.
Ngoài ra, vấn đề tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng giãn mao mạch, theo thống kê, tuổi càng cao, da càng bị lão hóa. giãn mao mạch là một trong các dấu hiệu của tiến trình lão hóa da. lão hóa da khiến da mỏng, sức đề kháng thành mạch giảm, các mạch máu giãn phồng như màng nhện. tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, sau sinh hay thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị giãn mao mạch vì lúc này cơ thể đang chịu tác động của hormone dẫn đến sự thay đổi mạch máu, sưng huyết phối hợp với tăng sinh mạch.
Có thể sử dụng liệu pháp laser để điều trị giãn mao mạch.
Giãn mao mạch không thể tự khỏi, nếu gặp phải vấn đề này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến các bác sĩ da liễu uy tín. Ngoài việc khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm máu, CT Scan, quét MRI...
Hiện nay, có 3 phương pháp để giải quyết vấn đề này, đó là: Sử dụng liệu pháp laser, trị liệu xơ cứng, phẫu thuật loại bỏ giãn mao mạch. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, vì vậy, nếu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế có chuyên ngành da liễu để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cụ thể.
Chủ đề liên quan:
Giãn mao mạch