Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Giảng viên bỏ phố lên núi sống như người nguyên thủy

Trượt tiến sĩ, cựu giảng viên đại học lừng danh nhất Trung Quốc bỏ vào núi sống, tự cung tự cấp như người nguyên thủy.

Tống Thanh Tùng tốt nghiệp Khoa chính trị Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) - trường đại học mơ ước của hàng triệu sinh viên Trung Quốc. Việc Tống đỗ đại học với điểm số xuất sắc đã trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà cả quê nhà là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp đại học, với thành tích học tập nổi bật, Tống được giữ lại làm giảng viên sau khi lấy bằng thạc sĩ về chính trị và luật năm 1983.

Từ nhỏ, Tống đã được luyện tập khí công và võ thuật tại chùa Bạch Mã – ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Trung Quốc. Ngoài giảng dạy, ông còn là chuyên gia sức khỏe nổi tiếng ở Bắc Kinh, nghề phụ khiến ông kiếm được nhiều tiền và có được danh tiếng nhất định thời điểm đó.

Thời gian này, Tống đã gặp Trương Mai - giảng viên khoa ngoại ngữ tại Bắc Đại. Với khí chất nổi trội, Tống đã lọt vào mắt xanh của tiểu thư Trương xinh đẹp trong một buổi biểu diễn văn nghệ. Yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, không lâu sau hai người kết hôn.

Tuy nhiên cuộc sống sau hôn nhân của họ không thuận lợi khi Tống bị đánh trượt trong một học phần tiến sĩ và Trương không thể trở thành giảng viên cơ hữu dù đã cống hiến 5 năm tại trường. Một lần hai vợ chồng ra vùng ngoại thành chơi, nhìn thấy một ngọn núi, cả hai cùng dừng lại ngắm cảnh và kể về tuổi thơ họ - nơi có những dãy núi tương tự. Một ý tưởng chợt lóe lên, Tống quay sang nói với vợ: "Anh muốn trở về quê sống", Trương mỉm cười rồi gật đầu. Sau đó không lâu, cả hai nộp đơn nghỉ việc tại Đại học Bắc Kinh và trở về quê nhà.

Mặc gia đình hai bên phản đối, vợ chồng Tống ký hợp đồng thuê 2.500 mẫu đất đồi cằn cỗi trong 50 năm vào năm 2000 từ số tiền tích lũy. Xung quanh trang trại không có nhà dân, đường lên chỉ là đường mòn. Kể từ đó, họ bắt đầu cuộc sống tự cung tự cấp: đóng gạch xây nhà, chế tạo nông cụ, làm ruộng và thu hoạch nông sản.

Hai vợ chồng còn trồng lúa, ngô, lúa mì và các loại cây trồng khác. Trên những triền núi cao, Tống còn trồng các loại cây ăn quả như đào, mơ và lê. Người đàn ông này cùng vợ nuôi thêm dê, gà, vịt. Ở trang trại, kem đánh răng được thay thế bằng một loại tro từ cây cỏ tự nhiên. Nước giặt được làm từ những quả bồ hòn và dầu gội đầu được đun từ những loại lá hoa thơm trong vườn.

Tống thuê một số công nhân cùng làm trang trại. Những người này không được phép hút Thu*c uống rượu và phải rời khỏi trang trại ngay sau khi hết giờ làm. Thậm chí nhiều lúc Tống nói với vợ, những công nhân này đáng nhẽ không nên được nhận tiền công, bởi họ chỉ mang sự ô nhiễm vào trang trại của anh. "Khí thải xe máy họ mang đến làm ô nhiễm môi trường giống như máy bay trên bầu trời vậy", Tống nói.

Sau nhiều năm, hai vợ chồng đã khai hoang, phát triển ngọn núi cằn cỗi thành một chuỗi sinh thái hoàn chỉnh. Họ tận hưởng không khí trong lành của núi rừng và ăn những thứ do chính tay mình trồng ra, điều đó khiến họ hài lòng.

Hai vợ chồng ở trên núi trong một thời gian dài, thỉnh thoảng xuống núi để mua hạt giống hoặc đổi lấy một số nhu yếu phẩm cần thiết khác. Những chuyến xuống núi, Tống và Trương đều mang thực phẩm khô từ nhà đi, không ăn bất kỳ thứ gì do người khác bán bởi theo họ đồ ăn bên ngoài không sạch sẽ.

Tám năm trước, sự ra đời của con trai khiến cả hai vợ chồng cảm thấy bất ngờ. Vì sống tại một vùng núi hoang dã, không đủ điều kiện y tế nên khi vợ trở dạ, chính Tống cũng là người đỡ đẻ cho vợ.

Vị cựu giảng viên này cảm thấy con trai mình may mắn vì được sống trong môi trường tự nhiên từ nhỏ. "Giáo dục trong xã hội hiện đại thực sự không hề trong sạch với trẻ em", Tống nói. Bởi vậy thay vì đưa con trở lại thành phố học tập, ông để con ở nhà tự dạy học, thời gian còn lại cậu bé được trải nghiệm môi trường tự nhiên với hoa lá và cây cỏ.

Dù nhận nhiều chỉ trích bởi cách sống khác người, gia đình Tống không quan tâm, họ sống tự cung tự cấp đến nay đã được 11 năm. Thời gian qua, hai vợ chồng bắt đầu gặp gỡ lại bạn bè sau nhiều năm không liên lạc. Những người bạn học, đồng nghiệp cũ đã tìm lên trang trại thăm nom. Nhìn thấy khuôn mặt cháy nắng, quần áo xộc xệch và đôi bàn tay chai sạn của cặp vợ chồng từng là giảng viên đại học nổi tiếng, nhiều người âm thầm khóc. Họ đề nghị gửi tiền hỗ trợ nhưng Tống từ chối. Tuy nhiên, gần đây nhờ sự thuyết phục của bạn bè, ông quyết định trở lại thành phố vì con trai.

Trong 11 năm qua, chứng kiến con trai lớn lên, khả năng học tập kém hơn rất nhiều so với trẻ khác, Tống dự định rời núi về thành phố nhằm tạo cho con một môi trường học tập ổn định.

Từ một giảng viên, bỏ về núi sinh sống 11 năm rồi lại quay trở lại thành phố, hành động của vợ chồng Tống nhận chỉ trích từ nhiều người.

Thời điểm ông quyết tâm lên núi, bạn bè có người chỉ trích đất nước đã phí tiền đào tạo một tài năng nhưng lại về làm nông dân. Tuy nhiên cũng có người khen ông dũng cảm, bởi ai cũng có quyền lựa chọn cuộc sống của mình.

Còn với Tống, sau khi quay trở lại Bắc Kinh, ông đánh giá rất cao những người có tầm nhìn dài hạn. "Mỗi giai đoạn tôi có tầm nhìn khác nhau về cuộc sống và có lựa chọn để bản thân cảm thấy hạnh phúc. Bởi vậy tôi chưa bao giờ hối tiếc những gì đã qua", ông nói.

Theo Vnexpress


Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/giang-vien-bo-pho-len-nui-song-nhu-nguoi-nguyen-thuy-20200713083039543.htm)

Chủ đề liên quan:

bốn phương

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY