Ở đất Hà thành, hình ảnh xôi Phú Thượng không chỉ xuất hiện trong các mâm cỗ, người ta còn có thể bắt gặp những gói xôi thơm ngậy trên các vỉa hè, lề phố như một thức quà sáng dân dã, quen thuộc. Mỗi hàng xôi đều có đủ loại: từ xôi xéo, xôi đậu xanh, đến xôi lạc, xôi gấc, xôi ngô… Chỉ cần từ 5.000-10.000 đồng là thực khách đã có thể mua được một gói xôi Phú Thượng đầy đặn, thơm ngon mà no cả buổi.
Hình ảnh xôi Phú Thượng thường xuất hiện trong các mâm cỗ |
Bà Hồ Hương, người gốc Phú Thượng với hơn 30 năm “ăn ngủ” cùng xôi chia sẻ: "Gia đình tôi theo nghề làm xôi truyền thống từ đời cha mẹ truyền lại. Khi còn bé, tôi cùng các anh chị em đã phụ mẹ ngâm đỗ, ngâm lạc, nhóm lửa thổi xôi. Đến khi lớn lên, được mẹ truyền dạy các bí quyết nấu xôi, tôi thay mẹ nương vào nghề, trộm vía xôi làm ra đến đâu bán hết đến đó. Các ngày lễ Tết hoặc các dịp đặc biệt, nếu khách hàng không đặt trước thì không đủ xôi để bán”.
Bà Hương cho biết, để có được những thúng xôi ngon dẻo, nóng hổi mỗi ngày, người nấu xôi phải chuẩn bị các khâu từ buổi chiều hôm trước như vo gạo, ngâm đỗ, rửa lá rong lá chuối gói xôi. Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu và điều chỉnh mức lửa khi nấu. Công việc đòi hỏi người nấu xôi hết sức tỉ mỉ, khéo léo. Thậm chí, vo gạo cũng cần kỹ thuật riêng để hạt gạo không bị vỡ. Muốn xôi đạt được hương vị ngon nhất thì từ tờ mờ sáng, khoảng 2h30-3h30, người nấu phải dậy đồ xôi để đến 5h sáng, ngay khi mẻ xôi nóng hổi ra lò cũng là lúc người thợ làm nghề kịp buổi “đi chợ” (đi bán). Xôi nấu xong thường được chia ra các thúng riêng, mỗi loại xôi khác nhau được đặt vào các lớp buồm riêng biệt. Trên các buồm luôn đậy các vỉ cói để xôi luôn nóng hổi và không bị hấp hơi nước.
Bà Hương chia sẻ, nguyên liệu nấu xôi như gạo, lạc, đỗ, ngô… đều được chọn lựa kỹ càng và có mối hàng quen để đảm bảo chất lượng cũng như hương vị. Trung bình mỗi người “đi chợ” thường bán khoảng 15-20 kg xôi, nhưng cũng có người đắt khách phải đi đến 40-50kg mới đủ lượng.
Cầm trên tay gói xôi nóng hỏi, dẻo thơm, chỉ đến khi thưởng thức rồi người ta mới thấy, không ngoa khi nói rằng xôi Phú Thượng có một nét đặc trưng riêng biệt, khác biệt hẳn với các loại xôi từ khắp vùng miền. Nấu xôi Phú Thượng không chỉ là một nghề mà còn được xem như là nghệ thuật ẩm thực Hà Nội.
Gánh hàng xôi Phú Thượng tại phố Cửa Bắc - Hà Nội. |
Gánh xôi của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình vượt qua thời kỳ đói kém mà ngày nay còn đang giúp người dân nơi đây làm giàu. Hàng năm, làng đều mở hội thi nấu xôi và rước xôi lên đình làng thu hút đông đảo du khách và thực khách tứ phương về vui hội và trải nghiệm ẩm thực.
Đội đạt giải nhất cuộc thi nấu xôi tại lễ hội đình làng. |
Từ năm 2016, phú thượng đã được ubnd tp hà nội công nhận danh hiệu làng nghề xôi truyền thống. năm 2018, xôi phú thượng là 1 trong 12 món ẩm thực được phục vụ trung tâm báo chí tại hội nghị thượng đỉnh mỹ - triều. năm 2019, làng nghề truyền thống xôi phú thượng đã được cục sở hữu trí tuệ (bộ khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi phú thượng. xôi phú thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao ocop (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tp hà nội.
Đến ngày 17/2/2024, tại di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng lần thứ VII; Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá thương hiệu xôi Phú Thượng.
Những mâm xôi là sự kết tinh từ tinh hoa trời đất với hương vị thơm ngon cùng sự khéo léo, tỉ mẩn trong bàn tay người thợ nghề hứa hẹn sẽ đưa làng nghề xôi phú thượng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.