Máu chó là tên gọi của cây máu chó [Klema globularia (Lamk.) Warb.], họ nhục đậu khấu (Myristicaceae). Sở dĩ có tên như vậy là vì khi chặt vào thân cây sẽ cho một chất nhựa có màu đỏ như “máu chó” chảy ra.
Bộ phận dùng làm Thuốc là hạt (Semen Klemae globulariae). Vào mùa hạ, khi quả chín, người ta thu quả, bóc lấy hạt, phơi khô. Khi dùng, đập bỏ vỏ hạt, lấy nhân làm Thuốc.
Hạt máu chó chứa chất dầu, mùi hắc, thể chất nhớt, vị nhạt, màu nâu sẫm, chất tanin, protein, nhiều enzym: invertase, amylase maltase, phosphatase; đường, tinh bột, dầu béo. Theo Đông y, hạt máu chó có vị chát, tính ấm, có tác dụng tiêu độc, sát trùng. Dùng chữa một số bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào...
Chữa ghẻ: lấy khoảng 10 hạt máu chó đập bỏ vỏ, lấy nhân giã nát nhuyễn, trộn với 10-20ml dầu lạc hoặc dầu vừng hay mỡ lợn. Đun sôi 15 phút, lọc bỏ bã, để nguội. Dùng tăm bông chấm dầu này bôi vào nơi bị ghẻ sau khi đã sửa sạch bằng nước muối 5%, lau khô. Ngày bôi 2 lần. Chỉ cần bôi một lớp mỏng để tránh bị kích ứng gây sưng.
Hoặc nhân hạt máu chó đập nhỏ 50g cho vào bình, thêm 200ml rượu trắng (35-40%), đun sôi nhỏ lửa khoảng 30 phút; trong khi đun lắc đều, khi bốc hơi hết rượu được dạng sền sệt, để nguội, sử dụng như bài trên.
Chữa hắc lào, ghẻ: nhân hạt máu chó, hạt bồ hòn, hạt củ đậu với tỉ lệ: 1:0,5:0,5. Giã nhỏ, bào chế và điều trị theo phương pháp nói trên. Hoặc hạt máu chó giã dập, đồ chín, ép lấy dầu. Dùng dầu này bôi vào chỗ bị bệnh.
Cẩu tích là tên gọi của cây cẩu tích hay còn gọi là cây lông khỉ, lông cu li (Cibotium barometz J. Sm.), họ cẩu tích (Thyrsopteridaceae). Có tên như vậy vì khi cắt hết lá chỉ còn lại những gốc cuống lá, lúc này thân rễ giống con cu li. Còn cắt hết cuống lá, thân rễ có hình giống như lưng con chó nên có tên cẩu tích (cẩu là chó, tích là lưng).
Bộ phận dùng của cẩu tích là thân rễ (Rhizoma Cibotii) và lông cu li. Đem thân rễ gọt sạch lớp lông mịn bên ngoài, loại bỏ các gốc lá, rửa sạch, để ráo nước, thái phiến, phơi hoặc sấy khô. Hoặc đem thân rễ phơi, sấy khô. Trước khi dùng, ngâm cho mềm, thái phiến, phơi khô. Sau đó sao với cát tới khi các miếng cẩu tích phồng lên. Sàng bỏ cát.
Cẩu tích có tinh bột (30%), các sắc tố, các acid hữu cơ: stearic, cafeic, protocatechic, hợp chất β-sitosterol...Cẩu tích có tác dụng chống viêm, chủ yếu chống viêm cấp tính. Theo Đông y, cẩu tích có vị đắng, ngọt, tính ấm. Có tác dụng bổ can, thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Chủ yếu dùng trị thấp khớp, đau lưng, mỏi gối, đau dây thần kinh, đặc biệt là thần kinh tọa, đi tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu rắt, khí hư bạch đới. Có thể dùng lông cu li đã sấy ở 60 độ băng vào vết thương bên ngoài để cầm máu.
Trị đau nhức khớp xương, tay, chân yếu mỏi: cẩu tích 16g, tục đoạn, cốt toái bổ mỗi vị 12g; độc hoạt 10g; xuyên khung, bạch chỉ mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị phong thấp, chân tay tê bại: cẩu tích 20g; mộc qua, tần giao mỗi vị 12g; tang chi, tục đoạn, đỗ trọng mỗi vị 8g; quế chi, tùng tiết mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị đau lưng, tiểu nhiều, di tinh, bạch đới: cẩu tích 16g, thục địa 12g; ô dược, khiếm thực nam, kim anh, dây tơ hồng (sao vàng) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị đau ngang thắt lưng: cẩu tích 16g; đỗ trọng, ngưu tất mỗi vị 10g; mộc qua 6g. Sắc uống ngày 1 thang.