Tỉnh Ninh Thuận đang đối đầu với khô hạn cục bộ, tình trạng thiếu nước sản xuất diễn ra ở nhiều địa phương. Ông Phạm Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, H.Bác Ái, cho biết toàn bộ các hồ thủy lợi trên địa bàn đang ở mực nước ch*t, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của người dân đều ngưng sản xuất để ưu tiên nguồn nước cho gia súc và phục vụ sinh hoạt cho người dân.
“Hiện đời sống người dân gặp khó khăn, địa phương đang rà soát, xây dựng kế hoạch để phân loại từng hộ gia đình... đề xuất cấp trên hỗ trợ cứu đói”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, những hộ chăn nuôi gia súc cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Pi Năng Hằng, ở xã Phước Trung, cho biết: “Từ cuối năm 2019, tôi đã chuẩn bị thức ăn (rơm rạ, cây bắp khô), đào ao trữ nước để nuôi đàn gia súc 200 con vượt qua mùa khô hạn”.
Theo ông Hằng, hiện các đồng cỏ trên địa bàn đã khô héo, cháy vàng hết, đàn gia súc trong tình trạng suy dinh dưỡng nên người nuôi phải có phương án trữ thức ăn cho chúng hoặc di chuyển đàn gia súc đến khu vực khác.
Tại xã Nhị Hà, H.Thuận Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự. Để hạn chế thiệt hại cho người dân, UBND xã Nhị Hà cho ngưng sản xuất hơn 500 ha đất lúa trong vụ đông xuân và chuyển đổi 100 ha đất lúa sang trồng cây ngắn ngày để tiết kiệm nguồn nước.
Ông Đặng Kim Cương, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho biết nắng hạn kéo dài, mùa mưa kết thúc sớm trong năm 2019 nên lượng nước dự trữ tại 21 hồ thủy lợi chỉ đạt 50% dung tích.
Theo dự báo của UBND tỉnh, khi hạn hán kéo dài, nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương; khả năng có khoảng 4.012 hộ ở các địa phương trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc thiếu nước sinh hoạt; nhiều địa phương ven biển ảnh hưởng xâm nhập mặn, đàn gia súc thiếu thức ăn và nước uống...
Trước tình hình nắng hạn sớm, ngày 3.2, ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã đến kiểm tra các hồ thủy lợi, đập dâng trong tỉnh và chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương chủ động rà soát từng vùng, bố trí cây trồng phù hợp tiết kiệm nước, hiệu quả; tập trung ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân và đàn gia súc. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch ứng phó hạn năm 2020 với phương châm: không để thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói; không để phát sinh bệnh dịch trên người, vật nuôi; tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.
Đến ngày 5.2, tổng dung tích 21 hồ thủy lợi tại Ninh Thuận chỉ còn 65,72 triệu m3 nước, chiếm khoảng 30% dung tích thiết kế, trong đó đã có 10 hồ ở mực nước ch*t, gồm: hồ Phước Nhơn, H.Bác Ái; hồ Ma Trai và Ba Chi, H.Thuận Bắc; hồ CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, H.Thuận Nam; hồ Nước Ngọt, Ông Kinh, Thành Sơn, H.Ninh Hải; hồ Tà Ranh, H.Ninh Phước. |