Pooja Parikh, 32 tuổi, hiện đang sống với gia đình tại Edmond, Oklahoma, Hoa Kỳ. Vào một buổi sáng 12 năm về trước khi đang học đại học năm thứ hai, Pooja ngủ dậy và đột nhiên không thể rời khỏi giường vì cơn đau dữ dội ở xương ức. Người phụ nữ này chia sẻ: “Đôi khi nghĩ lại khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình thật vô tư biết bao vì không hề hay biết những thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai”.
Căn bệnh mãn tính đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống và kế hoạch tương lai của Pooja.
Bác sĩ chỉ cho rằng cô bị nhiễm trùng và kê Thu*c kháng sinh. Sưng đỏ dần biến mất nhưng lại trở lại chỉ sau một thời gian ngắn. Pooja tiếp tục dùng Thu*c và thậm chí còn tiến hành phẫu thuật để làm tiêu các vết sưng theo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, mọi thứ sẽ trở lại sau một thời gian. Tinh thần và thể chất của Pooja xuống dốc trầm trọng, đặc biệt khi quá trình phẫu thuật đã diễn ra không mấy suôn sẻ.
Theo cô: “Trong lòng tôi biết có chuyện gì đó không ổn và liên tục băn khoăn về điều này”.
Dù mất hai năm để nhận được chẩn đoán chính xác, Pooja vẫn cảm thấy vui vì cuối cùng cô đã tìm ra câu trả lời cho những triệu chứng đang gặp phải.
Hai năm sau, Pooja vẫn phải vật lộn với các triệu chứng của bệnh “nhiễm trùng”. Sau khi nghe kể, những người nhà của cô đang sống tại Ấn Độ đã đưa ra lời khuyên hữu ích. Họ quen một số bác sĩ có khả năng điều trị tình trạng này.
Vì vậy, vào tháng 11/2010, gia đình của Pooja đặt vé máy bay tới Mumbai và chỉ trong 8 ngày, cô đã gặp tới 9 bác sĩ. Người phụ này cho hay: “Mặc dù quên chi tiết các cuộc hẹn với bác sĩ, tôi vẫn nhớ mỗi người lại đưa ra một chẩn đoán và quá trình điều trị cực kỳ khác nhau”.
Cuối cùng, Pooja đã may mắn gặp được một bác sĩ phẫu thuật tạo hình. Theo cô: “Tôi không bao giờ quên ngày đó, thời điểm ông ấy khẳng định 100% tôi đang mắc viêm tuyến mồ hôi mủ”. Đây là một bệnh tự miễn, làm xuất hiện các cục u gây đau hình thành dưới da.
Người phụ nữ này giải thích: “Lúc đầu, tôi đã nghi ngờ về kết luận này. Tuy nhiên, sau khi tự tìm kiếm thông tin trên mạng, tôi nhận ra những gì đọc được giống hệt với những gì mình đang phải trải qua, như thể đang đọc lịch sử sức khỏe của bản thân vậy”.
Vết sẹo để lại sau cuộc phẫu thuật như là lời nhắc nhở với Pooja về những gì cô đã vượt qua.
Gia đình Pooja trở về nhà và không có kế hoạch điều trị tiếp theo. Cô chia sẻ: “Vào thời điểm đó, dường như không ai biết nhiều về căn bệnh này”. Mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ hơn khi các nốt mụn lan dọc theo nách và ngực, bắt đầu xuất hiện ở bẹn.
Khi không được điều trị, các tổn thương do viêm tuyến mồ hôi mủ gây ra có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát. Vào cuối năm 2011, tình trạng đã chuyển biến xấu đến mức người phụ nữ này có nguy cơ mắc nhiễm trùng huyết, một vấn đề sức khỏe đe dọa đến tính mạng khi cơ thể có phản ứng quá mức với nhiễm trùng, gây ra tình trạng viêm lan rộng và làm xuất hiện các cục máu đông. Theo thời gian, chúng sẽ dẫn tới tổn thương mô và các cơ quan nội tạng.
Pooja đã đi khám một bác sĩ gần nhà nhưng sau đó quyết định trở lại Ấn Độ vì nơi đây có đủ trang thiết bị đáp ứng quá trình điều trị và phẫu thuật. Tại Mumbai, người phụ nữ này làm phẫu thuật nhiều lần nhằm loại bỏ những khối u ở ngực, nách, chân và bẹn, phục hồi tổn thương do bệnh gây ra.
Cô cũng học được những điều thú vị trong hành trình chữa bệnh ở ngoại quốc. Bác sĩ phẫu thuật của Pooja đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống với sức khỏe. Người phụ nữ này chia sẻ: “Tôi bắt đầu tự nghiên cứu và tiến hành ăn kiêng để xem liệu thực phẩm có tác dụng thần kỳ như những gì được nghe hay không. Qua quá trình thử nghiệm, tôi phát hiện ra các loại rau củ như cà chua, khoai tây, cà tím và ớt khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, tôi hoàn toàn ngừng ăn những loại thực phẩm này, từ đó các triệu chứng đã giảm bớt đáng kể”.
Nếu không có sự giúp đỡ và động viên từ người thân, đặc biệt là cha mẹ, Pooja khó lòng có thể vượt qua và chiến thắng căn bệnh mãn tính.
Trải nghiệm tại Ấn Độ đã giúp Pooja tìm thấy niềm đam mê. Cô trở nên yêu thích công việc nấu nướng và thậm chí đã từng làm đầu bếp tại một nhà hàng địa phương. Công việc hiện tại của người phụ nữ này là sáng tạo và phát triển công thức nấu ăn lành mạnh.
Trong những năm gần đây, Pooja đã trải qua nhiều đợt bùng phát bệnh và cần phải phẫu thuật ít nhất một lần mỗi năm. Rất may, cô có thể làm các thủ thuật ít phức tạp gần nhà, thay vì phải ra nước ngoài.
Người phụ nữ này chia sẻ: “Tôi muốn khuyên những người cũng đang gặp phải tình trạng này không nên trốn tránh việc điều trị vì cảm thấy xấu hổ. Tôi biết hầu hết các bác sĩ không thể hiểu mức độ đau đớn mà căn bệnh này gây ra. Bản thân tôi cũng đã phải mất một thời gian để thích nghi với tình trạng này. Đừng ngại ngần tìm kiếm câu trả lời vì không ai khác có thể làm được ngoài chính mình”.
(Nguồn: Women'shealth)