Vợ tôi bảo, anh đừng viết về cái nghèo mãi, không người ta tưởng nhà mình nghèo thật, con gái mình khó lấy chồng! Tôi bật cười về ý nghĩ ngộ nghĩnh này của vợ. Bởi không phải tôi thích than nghèo, mà tôi nhớ về cái thời cả xã hội cùng nghèo đấy chứ. Nhớ về tuổi thơ tôi, nhớ về bà, về mẹ…
Nhớ về Hà Nội xưa nghèo đói xác xơ, chìm trong màu xám của mùa đông. Hà Nội chỉ bừng lên chút nắng ấm áp, chút hào quang cũ khi Tết về.
Quầy hàng Tết thời bao cấp |
Ngày xưa mọi người đều rất tự nhiên gọi là ăn Tết. Cả năm tích góp nhặt nhạnh cái ngon để dành đến Tết. Trẻ con có đòi cái gì, bố mẹ đều trả lời để đến Tết sẽ mua cho. Tết với trẻ con là một ngày hội chói lòa ánh sáng, một cái thứ gì đó vô cùng hấp dẫn, không thể tả thành lời. Bắt đầu từ tháng Chạp là tôi bắt đầu đếm ngược đến Tết. Còn 28 ngày nữa là Tết. Còn 27 ngày nữa là Tết.
Tết với mẹ là nỗi lo. Tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ thở dài, sắp đến Tết rồi. Sao mẹ lại buồn khi nhắc đến Tết nhỉ? Nhiều khi mẹ nhìn chúng tôi triết lý: Chỉ có chúng mày là sướng, chẳng phải lo nghĩ gì. Mãi đến sau này tôi mới thấm thía câu nói năm nào của mẹ, còn lúc ấy tôi nào đâu để ý. Chỉ thấy một nỗi vui vô cớ cứ dâng lên ngày càng nhiều khi càng gần đến Tết.
Tết đến mỗi nhà được mua một túi hàng Tết, trong đó có một miếng bóng bì để Tết nấu bát canh bóng thật ngon, với miếng bóng mềm xốp ngấm đầy nước dùng thơm tho. Rồi một hộp mứt tết, một bó miến, cân đậu xanh, một ít mọc nhĩ, một ít chè, một bánh pháo, và một chai rượu chanh. Thế là hết. Tất cả cỗ bàn cúng cấp tổ tiên trọn vẹn trong một túi hàng như thế. Ôi, cái thời bao cấp. Thế mà bây giờ còn có người luyến tiếc cái kinh tế kế hoạch hóa ấy.
Cửa hàng mậu dịch bán hàng Tết năm 1982 |
Gạo nếp được mua ở mậu dịch, mỗi nhà vài cân, trừ vào suất gạo tẻ trong tháng. Ăn bánh chưng rồi thì khỏi ăn cơm. Thịt lợn mua theo tem phiếu, nhân dân như ông bà tôi thì được 3 lạng một tháng, cán bộ như bố mẹ tôi được nửa cân. Bà ngoại tôi phải để dành tem phiếu thịt từ mấy tháng trước để dành đến Tết mua một thể để gói bánh chưng, tức là mấy tháng trước Tết ông bà tôi ăn toàn rau suốt tháng!
Lá dong bán phân phối mỗi hộ gia đình được mua 2 bó, mỗi bó 50 lá. Mẹ tôi có quen biết bên cửa hàng, nên được vào tận trong nhà chọn bó lá to nhất. Tôi nhớ tôi theo mẹ đi chọn lá dong tận cửa hàng mậu dịch trên phố Hàng Bè, đi từ nhà đến Bờ Hồ, chỗ ga tàu điện, rồi rẽ qua đầu phố Cầu Gỗ vào. Trong cái tối lờ mờ của kho lá dong, tôi cứ ngường ngượng nhìn mẹ cười nói nịnh nọt mấy cô mậu dịch viên để chọn lấy bó lá đẹp hơn một chút. Tôi thấy sợ sợ và thương mẹ quá, cứ kéo tay mẹ về, mua bó nào cũng được. Nhưng mẹ chẳng ngượng, mẹ chọn bằng được bó lá ưng ý rồi mới về. Với mẹ gia đình là trên hết, xá gì chút sĩ diện cỏn con.
Có gạo, có đậu, có thịt, có lá dong rồi. Bà tôi thở phào, thế là lo xong cái Tết rồi. Bà định ngày gói bánh chưng. Như là định một cái ngày trọng đại, quyết định sự thành bại của cả một năm.
Gói bánh chưng |
Ngày gói bánh như là nghi lễ trang trọng nhất của tết. tôi lúc đó là chú bé gầy gò, nhút nhát, đa cảm, đứng chứng kiến tất cả các nghi lễ này và khắc ghi nó vào tim. nên bây giờ tôi rất ghét ai nói, ôi dào, gói bánh mất thì giờ, đi mua cho nhanh. bánh chưng không phải là cái bánh để ăn, mà nó là cái tâm để cúng tổ tiên, là nghi lễ không thể bỏ. cứ nhìn cái thời bao cấp đói khổ ấy mà bà tôi, mẹ tôi lo lắng đến thế nào để có được những cái bánh chưng ấy thì sẽ hiểu.
Từ ngày hôm trước ông bà tôi đã nhặt gạo, tìm bỏ từng hạt thóc, hạt sạn. Ông mắt kém hay nhầm lẫn chỗ gạo đã nhặt vào gạo chưa nhặt làm bà phải mắng. Rồi bác tôi, không chồng con, ở với ông bà, đi tước lá dong và rửa lá sạch sẽ. Tối hôm đó bà ngâm gạo và ngâm đậu, rồi giục cả nhà đi ngủ sớm để sáng mai gói bánh. Tôi cũng bị bắt đi ngủ sớm.
Trong tất cả các đứa cháu, bà chọn tôi làm truyền nhân để dạy cho tất cả các nghi thức cổ, để sau này bà mất đi thì có đứa làm giỗ. Nên tôi biết gói bánh chưng, biết nấu cỗ Tết theo kiểu Hà Nội xưa. Có lần con gái tôi bảo nó xem trên tivi thấy cỗ tết Hà Nội xưa giống y hệt như mâm cỗ bố hay nấu, làm tôi vô cùng sung sướng. Tất nhiên không thể nào ngon như bà tôi nấu ngày xưa.
Bà đãi đỗ cho hết lớp vỏ xanh, sau đó đồ chín, rồi cho vào cối giã nhuyễn ra, nắm thành từng nắm tròn, vàng tươi, mỗi cái bánh là một nắm. Gạo nếp sau ngâm để cho ráo nước, từng hạt gạo căng tròn, trắng muốt. Thịt lợn được tẩm ướp nước mắm, hạt tiêu, rồi kho qua, thơm lừng. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong xuôi, bà bắt tay vào gói bánh.
Thức đêm canh nồi bánh chưng trong tiết trời se lạnh vẫn luôn là điều vô cùng tuyệt vời, đong đầy cảm xúc với mỗi người khi Tết đến Xuân về. |
Vì tất cả tiêu chuẩn cả nhà chỉ có 10 cái bánh nên bà làm rất thận trọng, cẩn thận. Bà gói bánh bằng khuôn. Cái khuôn gỗ treo trên cao cả năm, giờ được lấy xuống, đặt lá dong vào. Bà thận trọng đổ gạo vào, dàn bốn góc cho đều, rồi cho đậu xanh, đặt thịt, phủ đậu xanh, đổ nốt bát gạo lên trên cùng, rồi gấp lá lại. Giờ là đến lúc quan trọng nhất, tôi từ nãy giờ đứng cạnh, lúc này thò tay vào giữ cái lá để bà từ từ nhấc cái khuôn ra, buộc lạt lại. Cứ thế một già một trẻ trang nghiêm gói bánh đến quá trưa là xong 10 cái bánh.
Bánh gói xong bà tôi và bác tôi mang ra tổ dân phố ở đầu phố hàng Bồ để luộc. Tổ dân phố có mấy cái thùng phi to, đun than đá, nhận luộc bánh chưng thuê. Các nhà cắt mảnh sắt ống bơ thành ký hiệu để đánh dấu bánh của nhà mình. Trông vậy thôi mà tổ dân phố luộc bánh chưng rất có tâm, đun dền 10 tiếng, không gian dối bỏ pin đèn vào cho nhanh như sau này. Sáng hôm sau, cậu tôi ra phố lấy bánh về.
Cành đào trong khung cảnh Tết xưa thời bao cấp. |
Lo xong bánh chưng là lo xong Tết rồi, bây giờ là lúc mẹ đi mua hoa. Ngay từ lúc bé ấy, tôi đã thắc mắc sao người Hà Nội chơi hoa chỉ một năm một lần. Những ngày gần Tết, Hà Nội tràn đầy các loại hoa đẹp. Hoa đào, hoa thược dược, hoa violet, hoa cúc, quất. Hoa rất đắt. Tôi nhớ tôi rất mê cây quất. Tôi cứ một chốc lại chạy từ nhà ở Hàng Phèn, đi dọc phố Thu*c Bắc lên phố Hàng Lược để đi ngắm hoa, nhất là ngắm quất. Tôi mê mẩn ngắm những cây quất có những quả vàng lúc lỉu. Tôi nài nỉ mẹ mua một cây, nhỏ thôi, chỉ có chục quả thôi cũng được, nhưng mẹ bảo không có tiền.
Thật ra là mẹ mê hoa đào. Năm nào cũng phải có một cành đào đẹp, cho dù có bằng cả nửa tháng lương. Tính mẹ thế, con nhà tư sản cũ mà. Chính vì thế mẹ không được lòng các bác bên nhà chồng, cho là mẹ không biết vun vén cho chồng con.
Chợ hoa Hàng Lược |
Riêng tôi thì yêu mẹ, tôi yêu cả cái cách mẹ tiêu hoang, nhất quyết phải mua bằng được cành đào Tết. Tôi nhớ có năm khó khăn quá, mẹ đắn đo rồi quyết định năm nay không chơi đào. Nhưng mẹ như bị dằn vặt, cứ ra vào đứng ngồi không yên. Thế rồi ngày cuối cùng trong năm tôi thấy mẹ cầm một cành đào thật đẹp về, vẻ mặt đầy quả quyết, kiểu như muốn ra sao thì ra, cho dù bố mẹ sau đó có cãi nhau to vì hết tiền. Mẹ là người yêu cái đẹp.
Sáng mùng Một Tết bà tôi mặc áo dài, đầu vấn khăn gấm. Bà nhìn thật lạ, đẹp lão, trang trọng, đầy quyền uy như xưa bà đã từng. Bố tôi mặc comple, mẹ cũng mặc áo dài, bên ngoài khoác chiếc áo len trắng kiểu cách. Bố mẹ tôi lễ phép chúc thọ ông bà.
Nhìn bố mẹ tôi lúc ấy ngoan thế, chẳng bù trong năm hay cãi bà. Bà mở tủ lấy ra phong bao hồng điều đỏ mừng tuổi cho bố mẹ tôi, chúc năm nay làm ăn phát tài, rồi ông bà mừng tuổi chúng tôi, chúc chúng tôi học giỏi, lớn lên cho ông bà, bố mẹ được nhờ. Ôi nhớ lại nghững nghi lễ của người Hà Nội xưa mà tôi thấy ngậm ngùi. Cuộc đời xô đẩy dù nghèo đói cùng cực nhưng vẫn cố duy trì nếp nhà xưa.
Rồi bà bảo chúng tôi ra hè phố đốt pháo lấy may. Tiếng phao nổ ran, mùi khói pháo thơm thơm. Bữa cỗ có thịt khiến mọi người vui cười rộn ràng. Sau này học y tôi mới biết là ăn thịt sẽ khiến bộ não tiết ra hormone vui sướng. Thảo nào ngày ấy đến Tết thấy vui thế, cứ cười suốt. Tối hôm ấy trẻ con được ngủ muộn, chìm vào trong giấc ngủ với nụ cười hạnh phúc.
Sáng hôm sau dậy, đã là mùng Hai. Nghe tiếng mẹ nói bâng quơ, nửa như tiếc nuối, nửa như nhẹ nhõm: Thế là hết Tết rồi. Tôi như muốn khóc. Thế là hết Tết rồi sao, tôi còn chưa kịp chơi gì mà!