Dinh dưỡng hôm nay

Những câu chuyện ẩm thực thời bao cấp

Món ăn bao cấp nói chung là nhiều. Nó thường rất… thường, đương nhiên ít thịt hoặc không có thịt. Nhưng nó làm cho những người đã trải qua quãng đời gian khó ấy cứ nhớ mãi không thôi. Nhớ và rồi đi tìm.

Cách đây mấy năm, cái hồi đang rộ mốt quay trở về quá khứ, nhiều người dân Hà Nội bỗng ăn uống theo… xu thế. Tức là cà phê thì phải ngồi quán này, quán kia, quán đương nhiên treo nhiều khẩu hiệu, nhân viên ăn mặc đúng phong cách bao cấp. Thế là, bao cấp thật thì ít, bao cấp giả thì nhiều. Có quán còn ghè cả bát, cả nồi cho mẻ ra, cho méo đi để “quay về thời gian khó” mà không hề biết những món ăn của quá khứ chính là ký ức của vị giác, chứ không phải là nồi lẩu riêu cua bị đập cho méo để ra cái vẻ nghèo khó nhưng lại đầy ắp thịt bò Mỹ và lổn nhổn trứng vịt lộn.

Vừa rồi, ngồi với mấy người bạn các anh chị ấy đều là những chứng nhân của thời bao cấp. Họ đã sinh ra, lớn lên trong suốt những năm chiến tranh. Cũng vừa may có người mua được mấy gói mỳ sợi của một công ty bên Bắc Ninh, thế là đem nấu. Mỳ chỉ nấu với cà chua rồi rắc thêm hành hoa, mùi ta thái nhỏ… không có bất cứ dấu hiệu nào của thịt thà. Tất cả ăn xong thì xôn xao bàn tán, bởi lẽ lâu lắm rồi mới được thưởng thức lại cái món mỳ ngày xưa. Cà chua là cứu cánh cho rất nhiều món ăn muốn có thêm phần “ngọt ngào”, trong đó đặc biệt là mỳ sợi.

Những câu chuyện của ẩm thực quá khứ ùa về. Mỗi người đều kể một câu chuyện của riêng nhà mình. Có nhà trữ được ít tôm khô, có nhà là liễn mỡ, bát tóp, mấy con cá rô rán giòn hay chai nước mắm ở quê gửi lên… Bây giờ thì đủ các loại mỳ. Trẻ con không còn biết đến mỳ sợi ngày xưa. Món ăn tiện nhất và nhanh nhất là mỳ gói. Gia đình nào chăm hơn thì nấu cho con bát mỳ Chũ. Cầu kỳ hơn thì siêu thị nào cũng bán spagetty, nui… Tiện nữa thì đi ăn hàng. Gọn nhẹ, đỡ phải nấu nướng, cũng chẳng phải rửa bát.

Mọi chuyện quá khứ bây giờ đều là lời kể của mẹ. Câu chuyện quá khứ gần như hàng ngày. Cứ có chi tiết nào chạm vào vùng hoài niệm lại kể khiến chúng tôi cười vì “chuyện cũ quá rồi mẹ ơi”.

Hà Nội rộ lên “phong trào” đi ăn kiểu bao cấp. Vì những món ăn thời gian khó kia chưa bao giờ vắng bóng trong những bữa cơm gia đình thời hiện tại. Mẹ là con gái của một nhà tư sản cũ ở Hà Nội, vẫn thường vào bếp nấu nướng cho con cháu và quyết liệt bắt những đứa cháu gái phải học nữ công gia chánh. Đám cháu trai thì tuyệt nhiên bà không nhắc tới vì “đàn ông phải giường cao chiếu sạch mà ngồi”. Ngày bé, nghĩ đó là bất công. Nhưng khi lớn lên, lại nghĩ khác, vào bếp và làm chủ cái bếp cũng là niềm tự hào của phụ nữ cơ mà.

Đậu phụ có nhiều cách chế biến khác nhau. Ngoài rán, tẩm hành, sốt cà chua hay là rán vàng rồi rim thịt thì còn hay kho đậu với nghệ. Đậu trắng cắt miếng vừa ăn rồi cho vào nồi với chút nước mắm, nghệ đập dập băm nhỏ, chút mỡ lợn, nửa bát con nước rồi để bếp liu riu đến khi cạn xém nồi là thơm lắm. Cứ thế mà ăn với cơm nóng thì mùa nào cũng ngon.

Khi mở nhà hàng, cậu bạn đầu bếp đã đưa hai món đậu kho này vào trong thực đơn “Món của bà”. Cậu tiết lộ, món này cũng được rất nhiều thực khách lựa chọn sau khi đã chán ngấy những thịt cá mỡ màng. Một trong những nguyên lý chế biến thức ăn từ thời bao cấp là tận dụng mọi thực phẩm, rau dưa có sẵn, qua bàn tay của bà, của mẹ, của chị thành những món ăn không thể nào quên.

Không biết có phải bát canh rau tập tàng ra đời từ thời điểm đó hay không. Gần đến giờ cơm thì vác rá ra vườn, một ít rau ngót, dăm ngọn mùng tơi, ít lá ớt, rồi dền cơm, dền gai… đủ cả. Lại có khi dăm con cua chẳng đủ bữa nấu riêu, thế là hái ít lá gấc bánh tẻ, rửa sạch, vò nát, nấu lẫn cua với lá gấc, bát canh ngọt và vị cực khó quên. Bây giờ, thi thoảng vào nhà hàng, bát canh rau tập tàng vẫn có, nhưng giá thì đắt mà lại thừa mỳ chính.

Nếu nói đến món ăn thời bao cấp mà không nhắc đến dưa chua xào tóp mỡ thì hẳn là thiếu sót. Đó là một trong những món ăn gây nghiện cho tới bây giờ. Tất nhiên, hồi đó ở trong nhà mà có tóp mỡ, mỡ nước, cùng vại dưa chua thơm nức thì yên tâm lắm. Chẳng khác gì thời nay khi dịch Covid-19 đang diễn ra mà trong nhà lại có chục hộp khẩu trang lẫn nước rửa tay sát khuẩn. Cho đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn thích ăn cơm nóng với một chút nước dưa chua của nhà muối, ít tóp mỡ hoặc mỡ nước và nước mắm. Món ăn thần thánh từ quá khứ mà thế hệ gian khó như mẹ tôi mãi mãi không thể quên.

Rồi thì trám. Trám xanh, trám đen. Trám đen thì om rồi chấm muối vừng hoặc cứ thế mà ăn. Trám xanh kho cá thì dù cá mương hay cá sông đều hợp. Bây giờ trám không nhiều, thậm chí giữa mùa mà trám đen có khi lên tới hơn 120 nghìn/kg. Không hiểu sao loại quả giản dị này lại đắt thế. Chạch trấu om trám thì đích thị là đỉnh cao ẩm thực. Vị chua chua chát chát của trám xanh, vị béo bùi của chạch hòa quyện với nhau. Ngày xưa khi sông hồ còn chưa ô nhiễm thì chạch trấu rất nhiều. Giờ ra chợ, đỏ mắt tìm cũng không thấy đâu nữa, mà có mua được thì rẻ cũng phải 400-500 nghìn/kg.

Ký ức vị giác còn có canh mướp nấu lạc, canh dưa nấu lạc… những món ăn mà bây giờ không nhiều người còn nhớ. Quán cơm bụi giữa phố Đình Ngang thi thoảng cũng có canh dưa nấu xương cục và cho thêm chút lạc, nhưng không phải lạc giã mà để nguyên hạt. Nói chung, ăn cũng rưng rưng nhớ. Món ăn bao cấp nói chung là nhiều. Nó thường rất… thường, đương nhiên ít thịt hoặc không có thịt. Nhưng nó làm cho những người đã trải qua quãng đời gian khó ấy cứ nhớ mãi không thôi.

Thời bao cấp đã trôi qua hơn 30 năm, nhưng ký ức những ngày gian khó ấy vẫn cứ hiện diện trong từng câu chuyện của thế hệ đi trước. Thế rồi một ngày Hà Nội bỗng dưng xuất hiện quán ăn với toàn món đúng… chuẩn “tem phiếu”. Mọi thứ trong đó đều được thiết kế để trở về quá khứ. Khách đến ăn đông, phần nhiều vì tò mò, và cũng là để so sánh xem giống hay không giống. Những món ăn dân dã nhất, giản dị nhất, rẻ tiền nhất bỗng chốc thành mốt…

QUÝ ĐỨC

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo dân sinh (http://baodansinh.vn/nhung-cau-chuyen-am-thuc-thoi-bao-cap-20200321194428031.htm)

Tin cùng nội dung

  • Đối với người bị bệnh viêm khớp, ăn uống lành mạnh giúp giảm bệnh không có gì là khó khăn.
  • Tết là lễ hội ẩm thực tại gia. Mọi người gặp gỡ và sum vầy bên mâm cơm. Món nào cũng có, thức nào cũng sang, đĩa nào cũng đầy. Vậy làm sao để ăn Tết ngon mà không....ngán?
  • Sự kiện « Goût de France / Good France » sẽ quy tụ hơn 1000 đầu bếp trên khắp 5 châu lục để cùng thưởng thức ẩm thực Pháp
  • Bạn thường quan tâm mua thật nhiều rau trái để cải thiện hơn sức khỏe gia đình, nhưng đôi khi, những phần bổ dưỡng nhất của chúng lại bị bạn vứt bỏ khi chế biến thức ăn.Những phần bị bỏ quên này lại thường dồi dào vitamin và axít amin tốt cho tim mạch.
  • Mỗi ngày ăn 3 bữa cháo với rất nhiều thịt, cá, tôm, cua và các loại củ quả nhưng con chị Trang (Cầu Diễn) hơn 5 tháng không lên được lạng nào. Đưa con đi khám chị té ngửa khi BS kết luận thiếu chất.
  • Thịt dê không chỉ bổ dưỡng mà đã được coi là “bảo bối” phòng the của nhiều bậc đế vương giúp tăng cường S*nh l*.
  • Phép dưỡng sinh nói chung và dưỡng sinh ẩm thực nói riêng là một trong những di sản quý giá của y học cổ truyền phương Đông.
  • Cô gái suy thận trong “đám cưới cổ tích” ngày nào từng khiến hàng triệu khán giả Việt xúc động rơi nước mắt giờ đây đã theo chồng vào cõi vĩnh hằng. Nhưng tình yêu tuyệt đẹp kéo dài suốt 7 năm của họ sẽ mãi mãi là câu chuyện cổ tích.
  • Với vai trò là tổng đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã có những chia sẻ độc quyền với VietNamNet xung quanh câu chuyện của cặp vợ chồng hát rong Nguyễn Như Đào Nguyễn Bá Thanh.
  • Mặc dù đã ở tuổi 83 “xưa nay hiếm”, đôi chân chậm, đôi mắt mờ, nhưng đối với cụ Nguyễn Đình Ngật, phường Hòa Thuận Tây, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng thì những kỉ niệm trong những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi không phai. Qua câu chuyện kể của ông về Đại tướng càng tô thêm vào bức
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY