Kinh tế xã hội hôm nay

Tháng Giêng- mùa hoa xoan nở rộ…

(MangYTe) - Bây giờ, biết ai còn nhớ cái mùi hoa hăng hắc ấy, biết ai còn nhớ về cái thuở: “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” trong cái làn mưa Xuân nhè nhẹ, vương vương….

Cũng đã nhiều năm rồi, kể từ ngày từ giã quê hương vào Nam sinh sống thì tôi chưa có dịp được ngắm nhìn hoa xoan nở trong tiết trời Xuân của quê nhà. Bây giờ tháng Giêng- mùa hoa xoan nở rộ nhưng cái màu cái màu hoa trắng tím và bé xíu nơi quê nhà đã trở thành nỗi nhớ hoang hoải của người xa quê…

Tình cờ đọc lại bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính và hình ảnh hoa xoan thuở nào như những thước phim từ từ kéo tôi trở lại với những mùa hoa xoan xa lắc lơ. Cái ngày ấy- hoa xoan nở- đẹp rực rỡ đến lạ thường.

Hai câu thơ của Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, giờ đây sao chênh chao và da diết lòng tôi nhiều đến vậy?

Hình ảnh hoa xoan đang vắng dần ở chốn thôn quê (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Ngày đó, lũ trẻ con chúng tôi chưa biết nhiều về hoa xoan và có lẽ cũng chưa biết yêu hoa xoan là cái gì. Chỉ biết, mỗi độ xuân về là những cánh hoa xoan li ti màu tím trắng rụng đầy ở những góc vườn, những con đường làng nhầy nhụa bùn đất.

Đường quê ngày ấy làm gì đã được trải nhựa hay đổ bê tông bằng phẳng, sạch sẽ giống như bây giờ. Những cánh hoa xoan rơi rụng xuống đường nhiều khi được lẫn lộn với mưa Xuân, với bùn đất…mà mỗi khi vô tình chân mình giẫm lên nhưng nào có cảm giác gì đâu.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy chỉ khoái khi hoa xoan hết mùa, những chùm hoa kết thành những chùm quả xanh biếc, chúng tôi trèo lên cây bẻ từng chùm quả xoan non về làm đạn để bắn nhau chơi.

Thuở ấy, cứ đến thời điểm những cành xoan trĩu quả thì đứa nào, đứa nấy lấy nứa, lấy cây tre nhỏ rồi cưa thành từng khúc ngắn làm súng.

Mỗi lần “lên đạn” bằng nửa quả xoan lắp bên này và một nửa lắp bên kia rồi giơ thẳng vào người nhau. Tay này cầm, tay kia đẩy và nghe “đạn xoan” nổ…đẹt, đùng mà vô cùng thích thú. Những lúc đánh trận giả nhìn những “tên giặc” ch*t lăn đùng ra đất mà sướng rơn người.

Nhiều khi bắn nhau ở nhà không đã, chúng tôi đem đến lớp để giờ ra chơi bắn nhau tiếp. Ngày đó, thầy cô cũng sợ đám học trò chúng tôi bắn vào mắt nhau nên khi nghe tiếng bắn súng bằng đạn quả xoan là nhà trường cấm tiệt…

Thế nhưng, cấm ở trường thì buổi trưa, buổi chiều chúng tôi lại rủ nhau chơi quên hết cả trời đất, cả lời nhắc nhở của cha mẹ mình. Những trò chơi ấy như ma mị cứ cuốn hút lũ trẻ chúng tôi hết mùa xoan này sang mùa xoan khác…

Khi lớn lên, bắt đầu biết mộng mơ, biết cảm xúc về màu sắc của hoa thì có nhiều đứa bắt đầu yêu cái màu hoa tím trắng trong vườn nhà. Ngày đó, vườn nhà nào cũng rộng, cũng trồng nhiều xoan để lấy gỗ làm nhà hoặc trồng khi nó lớn lên bán lấy tiền nên hoa xoan nở rợp cả làng quê.

Những quả xoan già, khô rồi rụng xuống vườn, xuống bờ rào, bờ ao lại bắt đầu mọc thành những cây con. Cái giống cây không cần trồng mà vẫn cứ mọc lên khỏe mạnh, tươi tốt như lũ trẻ quê tôi ngày ấy…

Mỗi khi mùa Xuân về, nhìn những cánh hoa trăng trắng, tim tím đong đưa trên cành cao hay rơi rụng xuống vương ở góc vườn, trên con đường làng, rụng trên mặt ao trước nhà cứ dập dềnh nổi trôi mà đẹp đến mê hồn.

Cứ thế, những mùa hoa xoan nở tiếp nối nhau và bao lớp người lớn lên, trưởng thành. Những cây xoan cứ gắn chặt với người dân quê, với những lời thơ, tiếng hát dân dã nhẹ nhàng…

Nhiều năm xa quê và có những dịp tôi trở về thăm gia đình, quê hương của mình thấy làng quê đổi thay từng ngày nhưng những cây xoan thuở nào giờ đây gần như đã không còn nữa, đôi khi khiến lòng hẫng hụt nghĩ về những câu chuyện cũ năm nào.

Giờ đây tấc đất, tấc vàng nên những mảnh vườn xưa cũng được ông bà, cha mẹ chia thành những lô nhỏ cho con cháu cất nhà. Những hàng rào dâm bụt, cây cúc tần thuở xưa làm hàng rào ngăn cách giữa nhà này với nhà khác đã thay bằng những hàng rào bê tông, gạch đá kiên cố.

Những mảnh vườn bị thu lại dần và giờ đây cũng không còn ai mặn mà với việc trồng xoan ở trong vườn vì nó chiếm mất một khoảng diện tích đất rộng mà hiệu quả kinh tế gần như cũng không còn giá trị với cuộc sống hiện đại.

Nhà cửa bây giờ được đổ bê tông nên không còn ai làm cột, làm kèo như xưa. Những ngôi nhà ống, nhà cấp bốn bây giờ cũng thường sử dụng cột kèo bằng bê tông, bằng sắt, bằng thép hết cả rồi.

Những con đường giờ đây cũng phẳng lì và luôn sạch bóng, không còn những bông hoa li ti rơi rụng nữa. Có lẽ hình ảnh hoa xoan thuở nào giờ chỉ còn là hoài niệm của một số người mà thôi…

Trẻ em bây giờ lớn lên cũng chẳng còn đứa nào trèo lên cây xoan bẻ từng chùm quả xoan về làm đạn bắn nhau như ngày xưa cha chú nó đã từng làm.

Những đồ chơi hiện đại được điều khiển từ xa, những game online có lẽ hấp dẫn lũ trẻ nhiều hơn. Và, cũng còn có mấy ai trồng xoan nữa đâu mà đám trẻ quê còn biết những trò chơi bắn súng bằng quả xoan lẹt đẹt những lúc trưa hè…

Tháng Giêng, lại đến mùa hoa xoan nở rộ nhưng làng quê đã vắng dần những bóng hoa xoan, có những làng quê đã không còn hoa xoan nở bởi chẳng còn cây xoan nào hết.

Bây giờ, biết ai còn nhớ cái mùi hoa hăng hắc ấy, biết ai còn nhớ về cái thuở: “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” trong cái làn mưa Xuân nhè nhẹ, vương vương….

NGUYỄN VĂN KHÁNH

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục (https://giaoduc.net.vn/van-hoa/thang-gieng-mua-hoa-xoan-no-ro-post207014.gd)

Tin cùng nội dung

  • Mùa xuân là mùa thuận lợi cho các bệnh dị ứng phát triển, trong đó có bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Bệnh này rất thường gặp ở nước ta, trên mọi lứa tuổi, giới tính và có xu hướng gia tăng nhanh do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm.
  • Trong mùa xuân ấm áp, sức khỏe và sinh khí trong cơ thể như được hồi sinh. Mùa xuân là mùa của yêu thương, lòng người phơi phới, sức xuân căng tràn.
  • Bệnh viêm kết mạc mùa xuân xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, có thể có liên quan tới các tác nhân gây dị ứng bay trong không khí như phấn hoa,
  • Phép dưỡng sinh nói chung và dưỡng sinh ẩm thực nói riêng là một trong những di sản quý giá của y học cổ truyền phương Đông.
  • Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người cao tuổi rất dễ viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính.
  • Cơ thể bạn cũng giống như bao sinh thể khác, cùng hòa nhịp đập với mùa xuân, cùng tràn căng nhựa, các huyết quản cũng mở căng đón xuân rộn ràng.
  • Mùa xuân khí trời ấm áp được coi là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở. Theo học thuyết ngũ hành, mùa xuân thuộc mộc ở phương Ðông,...
  • Cứ đến mùa xuân là tôi thường bị ngứa ở nhiều vùng da trên cơ thể. Như vậy là tôi bị bệnh gì, thưa bác sĩ? Cách phòng chữa thế nào?
  • Đi dưới cái nắng dát vàng trong tiết trời se se lạnh, tôi chợt nhận ra - mùa xuân đã về! Mỗi năm vào độ xuân mới, hoa mai anh đào nở thắm trên những con đường dốc núi quanh co, bên bờ các hồ, thác, trên những sườn đồi, bên mái phố, hiên nhà… Đà Lạt như bức tranh đa sắc màu và lãng mạn vô cùng.
  • Ca dao có câu: “Gió đông lạnh buốt tái tê, thanh hao lá hẹ tràn trề cỗ xuân”. Trong thời tiết nắng ấm có pha chút lành lạnh đầu xuân, rau hẹ phát triển tươi tốt trong vườn. Thứ rau này là thực phẩm của cả bốn mùa, nhưng ăn vào mùa xuân là tốt nhất.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY