Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Hội chứng khuỷu tay quần vợt - Khi nào cần đi khám ?

Hội chứng khuỷu tay quần vợt (HCKTQV), còn được gọi là viêm mỏm trên lồi cầu ngoài

Nguyên nhân gây bệnh

Bất chấp tên gọi của nó, bạn không nhất thiết phải là người chơi quần vợt mới bị hội chứng đau này (người chơi quần vợt được cho là chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số người bị chứng đau này của khuỷu). Những công việc đòi hỏi một động tác như nhau lặp đi lặp lại đòi hỏi sự cầm nắm liên tục kéo dài của cổ tay, ví dụ như chơi quần vợt, cầu lông, chơi golf, cắt tỉa cây, quai búa, xây gạch, vẽ tranh và ngay cả khi làm việc lâu dài trên máy vi tính… cũng đều có thể gây ra HCKTQV.

Trong môn thể thao quần vợt, các động tác có thể dẫn đến HCKTQV là: Cú đánh trái một tay với tư thế và kỹ thuật sai.

Đón bóng thuận tay trong tư thế duỗi cổ tay quá mức.

Xoay và gấp cổ tay quá mạnh trong quả phát bóng.

Các triệu chứng biểu hiện thế nào?

Cảm giác nhạy cảm đau ở vị trí mặt ngoài khuỷu tay. Thường đau tăng lên từ từ, ít gặp các trường hợp đau tăng đột ngột.

Đau khuỷu tay tăng lên khi cầm nắm một vật gì đó, khi bắt tay, khi bóp các đồ vật, hay khi dùng sức để giữ yên hay vận động cổ tay (ví dụ như nâng nhấc đồ vật, sử dụng công cụ, mở chai lọ, hoặc cả khi cầm các dụng cụ đơn giản như bàn chải răng, dao, nỉa…).

Cứng khớp khuỷu vào buổi sáng.

Đau nhức các cơ ở cẳng tay.

Khi nào nên gặp bác sĩ ?

HCKTQV thường ít khi dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu để tình trạng đau khuỷu tay tiếp diễn mà không được điều trị, có thể dẫn đến sự suy giảm hay thậm chí mất chức năng của khuỷu.

Hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ-xương-khớp khi gặp phải các vấn đề sau:

- Đau khuỷu tay gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bạn.

- Đau kéo dài mặc dù đã được chườm lạnh, nghỉ ngơi hoặc dùng các Thu*c giảm đau kháng viêm thông thường.

- Ngay khi có biểu hiện yếu hay tê ở vùng bàn tay.

Khi khuỷu tay bị đau kéo dài mà việc chườm đá, nghỉ ngơi hay dùng Thu*c không có tác dụng cần gặp bác sĩ ngay.

Một số phương pháp điều trị

HCKTQV được điều trị ở các giai đoạn sớm thì việc điểu trị dễ đạt hiệu quả. Tuy vậy, nếu dai dẳng, có thể phải phẫu thuật để chỉnh sửa. Một số phương pháp điều trị.

Nghỉ ngơi

Bạn cần phải nghỉ để không lặp lại các động tác dẫn đến chấn thương, nếu được thì nghỉ cho đến khi hết đau.

Chườm đá tại vùng trong viêm mỏm trên lồi cầu ngoài (trong quần vợt) hay mỏm trên lồi cầu trong (trong chơi golf), người ta khuyến cáo chườm đá nhiều lần trong ngày, mỗi lần 7-9 phút cách nhau 1 giờ.

Cung cấp sự chống đỡ

Dùng nẹp hay băng chun giãn, đặt ngay tại dưới khớp khuỷu. Tuy nhiên chỉ sử dụng trong thời kỳ đầu, cố gắng để không bị phụ thuộc, vì nó ngăn cản hoạt động bình thường của khớp khuỷu đưa đến teo và yếu các cơ.

Thay đổi các vận động của bạn

Nếu chấn thương không nghiêm trọng và bạn chỉ đau nhẹ, bạn có thể tập nhẹ và tăng dần cường độ. Nếu đó là một chấn thương thể thao, trao đổi với huấn luyện viên để cho các động tác được an toàn hơn. Nếu là chấn thương do công việc hàng ngày, ví dụ làm vườn hay đánh máy, phải đảm bảo thay đổi đều đặn các tư thế và có những lúc nghỉ thư dãn với đi vòng quanh.

Vận động khớp

Khi đau giảm xuống đến mức chấp nhận được, cần tập khớp càng nhiều càng tốt để tăng tưới máu và khôi phục lại vận động bình thường. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ cho bạn các bài tập giúp cải thiện các mô quanh khớp và giảm nguy cơ bị chấn thương lại. Các bài tập thông thường nhất là: xoay cổ tay, bóp bóng cao su, gấp duỗi cổ tay.

Điều trị bằng sóng chấn động

Sóng chấn động (acoustic shock waves) là một sóng âm thanh có năng lượng cao, rọi vào các điểm đau và các mô cơ-xương, dùng trong vật lý trị liệu, chấn thương chỉnh hình, y học thể dục thể thao, chủ yếu là cho các rối loạn mạn tính.

Điều trị phẫu thuật

Các trường hợp nghiêm trọng, khi bị đứt hoàn toàn một trong các gân quanh   khớp, cần phải phẫu thuật. Sử dụng một đường mổ ngắn ngay trên mặt ngoài khuỷu để bộc lộ vùng gân viêm, cắt bỏ phần tổn thương của các gân, khôi phục lại sự toàn vẹn của gân-cơ; đôi khi phải giải phóng điểm bám gân và sau đó đính lại gân vào nền xương. Hoặc mổ với kỹ thuật soi khớp, còn gọi là kỹ thuật lỗ khóa (keyhole technique).

Những trường hợp đã được điều trị bằng các phương pháp-không phẫu thuật, thông thường thì số đông sẽ khỏi dần. Nhưng nếu sau 6 tháng đến 1-2 năm không đạt hiệu quả, có thể phải sử dụng đến biện pháp điều trị cuối cùng là phẫu thuật. Đạt hiệu quả giảm đau và hồi phục chức năng ở hầu hết các bệnh nhân mổ.

Các Thu*c giảm đau, chống viêm và chống phù nề

Tiêm corticosteroid vào vùng chấn thương. Tuy an toàn nhưng chỉ được hạn chế sử dụng 2 - 3 lần trong một năm. Việc tiêm nhiều lần có thể làm yếu gân cơ và đôi khi dẫn đến đứt gân. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau tiêm corticosteroid lần đầu, cần xem xét thay các biện pháp điều trị khác.

- Các Thu*c kháng viêm không steroid (NSAIDs). Có hiệu quả trong các trường hợp đau dai dẳng, nhưng không phải là lựa chọn điều trị an toàn nhất. Các Thu*c giảm đau như paracetamol hay các NSAIDs (như ibuprofen, aspirin) giúp giảm đau và phù nhưng vì có các tác dụng phụ như kích thích dạ dày nên chỉ nên dùng ngắn hạn.

- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tại vị trí viêm là một phương pháp mới đã được báo cáo cho thấy giúp giảm viêm và hồi phục nhanh hơn. Hiệu quả của phương pháp này vẫn còn đang tiếp tục được nghiên cứu.

BS. Lê Trọng Tấn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-khuyu-tay-quan-vot-khi-nao-can-di-kham--n196967.html)

Chủ đề liên quan:

Hội chứng khuỷu tay quần vợt

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY