Khoa học hôm nay

Hợp tác tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu tại đô thị

(HNMO) - Bộ Xây dựng và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các đô thị Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi tác động của biến đổi khí hậu.

(HNMO) - Ngày 12-5, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Herve Conan, Bộ Xây dựng và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các đô thị Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, AFD sẽ hỗ trợ chuyên gia, các nguồn hỗ trợ không hoàn lại và trao đổi kỹ thuật.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Xây dựng và AFD sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác truyền thống trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển đô thị bền vững và tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi, đặc biệt là việc thúc đẩy thực hiện COP26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) thông qua hợp tác và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh và đầu tư phát triển đô thị.

Nội dung ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2022-2023 là thúc đẩy thực hiện các cam kết tại COP26 thông qua nghiên cứu hoàn thiện các chính sách pháp luật về quản lý phát triển đô thị, tổng kết các kinh nghiệm, thí điểm các mô hình phát triển đô thị thích ứng. Trong giai đoạn 2024-2027, thực hiện các nghiên cứu kỹ thuật lồng ghép các yếu tố thích ứng biến đổi khí hậu, carbon thấp, phát triển đô thị bền vững, rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam có 826 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 40%. Đô thị tại Việt Nam có động lực phát triển rất lớn, tạo ra 70% GDP. Tuy nhiên, các đô thị của Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức trước nguy cơ nước biển dâng, ngập lụt, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn, hạn hán, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng ở các đô thị rất lớn. Tất cả các vấn đề này tạo ra thách thức rất lớn trong phát triển đô thị bền vững. Theo chỉ đạo chung cũng như thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, các đô thị Việt Nam sẽ hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1031763/hop-tac-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-tai-do-thi)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY