Bản Sậy quy tụ gần 80 hộ dân, trước mắt chúng tôi là những nếp nhà cũ kỹ, lụp xụp. Cuộc sống của các hộ dân chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông Mã, trồng cây ngô, cây sắn… Làm nông theo truyền thống lạc hậu nên chuyện năng suất thấp cũng chẳng ai buồn nhắc.
Ông Hà Văn Lân - Trưởng bản Sậy, người dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh bản mà năm lần bảy lượt thở dài: "Nằm bên cạnh bờ sông Mã, giữa 2 nhà máy thủy điện lớn Thành Sơn và Trung Sơn. Từ lâu, 2 nhà máy thủy điện này đã phát điện hòa vào điện lưới quốc gia. Dù là "xóm giềng" sát vách của 2 nhà máy điện thế nhưng đến nay cả bản vẫn chưa có điện".
Cũng theo ông Lân, thiếu điện khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm thắp sáng bằng đèn dầu. Không điện, muốn mua cái máy xay xát gạo cũng chịu. Trong khi đó, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như đèn điện, quạt điện, nồi cơm điện… chỉ là những mơ ước của người dân.
Ông Hà Văn Quỵnh, một người già trong bản mong mỏi: "Tôi chỉ mong trước khi thân già này về với núi rừng được một lần thấy ánh sáng điện đèn. Và mong hơn là cho mấy đứa cháu, đứa chắt đời này chúng nó có ánh sáng để học con chữ. Không biết chữ thời này là đói!".
Bản Sậy cũng có một số hộ gia đình đã tự chế tạo ra điện sáng cho riêng mình. Trường hợp anh Hà Văn Thiệp là một điển hình. Anh Thiệp cho biết: "Để có điện sử dụng, chúng tôi mua tua-bin cùng với hàng trăm mét dây dẫn về đặt ở suối Cú. Lợi dụng dòng nước để phát điện". Dù vậy, anh Thiệp cũng không hài lòng với giải pháp tình thế trên. Điện chập chờn và rất yếu, chỉ thắp sáng được bóng đèn. Ngoài ra, không sử dụng được bất kỳ thiết bị điện nào nữa cả.
Anh Thiệp tâm sự: "Nhìn những bản làng bên cạnh có điện sáng mà buồn cho bản mình. Họ làm nông nghiệp, buôn bán kinh doanh, con cái được học hành đến nơi đến chốn… Trong khi bản mình, người dân chịu khó lên nương, lên rẫy nhưng chỉ trông vào nước trời để tưới cây thì có làm mấy, năng suất cũng thể sánh bằng bản họ, có máy bơm nước lên nương, lên rẫy. Trong khi đó, xót xa nhất là con cái không có điện để học, phải thắp đèn dầu. Người dân kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa được các cấp, các ngành xem xét giải quyết".
Đó là câu hỏi mà Trưởng bản Sậy cũng như chính quyền xã Trung Thành không biết trả lời như thế nào với bà con. Bên cạnh đó, kể từ khi thủy điện Thành Sơn khởi công, bà con đã sẵn lòng đón nhận, tạo điều kiện tốt nhất để dự án sớm hoàn thành. Vậy nhưng, đến khi nhà máy đi vào hoạt động thì người dân vẫn phải chịu cảnh sống tối tăm bên cái đèn dầu. "Có điện, người dân sẽ phát triển kinh tế. Điều mong mỏi chính đáng đó không phải chính quyền không biết, phía thủy điện không biết... Cứ đà này không biết người dân sẽ tiếp tục phải chờ đến bao giờ?", một hộ dân nói.
Trưởng bản Hà Văn Lân bảo, kể từ khi bản được thành lập (năm 1935) đến nay, hiện bản Sậy có 78 hộ dân sinh sống. Chuyện bà con kiến nghị tại các cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri không phải một lần mà rất nhiều lần. Niềm vui đến với bà con khi năm 2010, bản đã có quy hoạch để kéo điện lưới nhưng không hiểu lý do gì, đến nay vẫn chưa được cấp điện và cũng không có hồi âm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hồng Hải – Giám đốc Điện lực Quan Hóa cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện Quan Hóa còn 7 bản là chưa có điện lưới Quốc gia. Trường hợp bản Sậy thuộc diện bản đặc biệt khó khăn được Chính phủ đầu tư theo Quyết định số 2081. Theo quyết định này, tỉnh giao cho Sở Công thương phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh lập danh sách đầu tư. Hàng năm, Trung ương sẽ rót vốn đầu tư theo báo cáo, lộ trình. Tại huyện Quan Hóa, năm 2020 sẽ có 4 bản gồm: Bản Bâu, bản Nót (xã Nam Động), bản Pượn (xã Trung Sơn) và bản Yên (xã Hiền Chung) được đầu tư kéo điện lưới về bản. Trường hợp bản Sậy, theo lộ trình năm 2020 chưa được đầu tư.
Chia tay bản Sậy, chúng tôi luôn trăn trở trước câu hỏi của người dân nơi đây: Đến bao giờ người dân mới thoát khỏi cảnh đèn dầu? Câu hỏi ấy xin được chuyển đến các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa.
Chủ đề liên quan:
điện chập chờn điện lưới quốc gia huyện quan hóa nhà máy Nhà máy Thủy điện nhu cầu thiết yếu quan hóa thiết bị điện thủy điện trớ trêu