Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Kéo dài chân, nâng chiều cao có ảnh hưởng đến tuổi thọ?

Kéo dài chi, cụ thể là kéo dài chân, không phải là phẫu thuật phức tạp.

Kỹ thuật này có cách đây cả trăm năm, mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn chân dài, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp hoặc các bệnh nhân bị bệnh bại liệt... Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu xương vì mục đích thẩm mỹ cũng tăng lên đáng kể.

Gần đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện ít nhất hàng chục ca với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, nam chiếm nhiều hơn nữ. Phần lớn các bệnh nhân đến xin kéo dài là bởi sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và với đàn ông, sự mặc cảm thường rõ ràng hơn.

Về lý thuyết, muốn bao nhiêu cũng được, tùy theo nhu cầu bệnh nhân. Song, các bác sĩ sẽ tư vấn cho họ chiều dài hợp lý và cân xứng với cơ thể cũng như hạn chế thấp nhất các biến chứng.

Kết quả sau khi xương liền chắc, đinh được rút bỏ, bệnh nhân đi đứng và ngồi bình thường.

Chỉ định thường chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, việc đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân để chỉ định kéo dài chân cũng rất quan trọng. Không phải ai cũng được khuyến khích làm phẫu thuật này. Đó phải là những người có tâm lý “mặc cảm” bởi tầm vóc thấp của mình và quan trọng nhất là bệnh nhân này có những kỳ vọng thực tế về những gì phẫu thuật kéo dài chân có thể đem lại cho họ chứ không đơn thuần là thẩm mỹ.

Độ tuổi thích hợp để thực hiện từ 20-30 tuổi là tốt nhất, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

Kéo dài chân không khó, song đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó mới có kết quả tốt nhất. Về quy trình, người muốn cải thiện phải trải qua 3 bước, gồm chuẩn bị trước mổ, mổ cắt xương, đặt đinh - khung và kéo dài dần dần sau mổ.

Trước khi quyết định mổ, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bệnh nhân để tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh, bao gồm sinh sản, sự phát triển về thể chất tầm vóc trong thời kỳ thiếu niên, thời điểm dậy thì, tiền sử về hormon tình trạng ốm đau lúc nhỏ, bệnh di truyền...

Về phương pháp thực hiện, trước đây, dùng phương pháp cắt xương, xuyên 8 đinh qua xương và lắp khung bên ngoài để căng giãn từ từ với tốc độ 1mm/ngày. Như vậy, nếu muốn 7cm sẽ mất thời gian 70 ngày. Khi đã đủ 7cm, còn phải mang khung chờ thêm khoảng 7 tháng tiếp theo để cho xương liền chắc, sau đó mới tháo bỏ khung, bệnh nhân phải đeo khung trong một thời gian dài tới 10 tháng, rất cồng kềnh, vướng víu trong sinh hoạt.

Hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ mới, trước khi cắt xương, các bác sĩ đặt 1 chiếc đinh trong ống tủy xương và chỉ sử dụng 4 đinh nhỏ xuyên qua ở 2 đầu xương. Khi kéo giãn đủ chiều dài, khung sẽ được tháo bỏ. Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc. Như vậy, bằng phương pháp mới này, thời gian đeo khung đã được rút ngắn, chỉ còn 1/4 thời gian so với trước kia, việc tháo khung sớm tạo điều kiện cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt và công tác, đồng thời sẹo cũng nhỏ và ít đi rất nhiều.

Sau mổ, bệnh nhân được tiêm Thu*c kháng sinh, Thu*c giảm đau, giảm nề, gác chân cao trong 5 ngày và thay băng vết mổ cách ngày.

Sau 3-5 ngày, được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.

Sau 7-10 ngày, bác sĩ tiến hành căng giãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung để căng giãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau căng giãn 5 ngày, nếu ổ cắt xương đã được căng giãn tốt, người được ra viện, điều trị ngoại trú thực hiện tự căng giãn theo hướng dẫn. Định kỳ hàng tháng, các bệnh nhân được khám lâm sàng và đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp Xquang.

Trong thời gian căng giãn, bệnh nhân đã bắt đầu phải tập tỳ nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng hai nạng trong khung tập đi.

Khi căng giãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy và tháo bỏ khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 - 5 ngày.

Ra viện, bệnh nhân tiếp tục tập luyện đi lại dưới sự trợ giúp của khung hoặc nạng và tỳ nén tăng dần và được tỳ nén hoàn toàn khi có can xương bắc cầu ở hai vỏ xương trên phim Xquang. Khám kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần đến khi liền xương vững.

Đây là những thắc mắc, băn khoăn của nhiều người trước khi muốn thực hiện biện pháp kéo dài chân. Phải khẳng định rằng, phẫu thuật không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó, cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt, chạy nhảy bình thường.

PGS.TS. Lê Văn Đoàn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/keo-dai-chan-nang-chieu-cao-co-anh-huong-den-tuoi-tho-n164904.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY