Kinh tế xã hội hôm nay

Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan TW và địa phương

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công và lấy tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đổi mới quy định quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường.

Thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, các ĐBQH cơ bản thống nhất là giữ nguyên quy định như Luật Đầu tư công hiện hành như quan điểm với của UBTVQH. Thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh, trong hai nhiệm kỳ QH khóa XIII và khóa XIV chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình QH. Một quốc gia đang phát triển mà một năm chỉ có 2 dự án quan trọng đã là quá ít. Đại biểu cho rằng, nếu điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành thì có thể sẽ chẳng còn dự án nào trình QH. Trong khi đó, QH có vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà giờ QH có khả năng sẽ không quyết định dự án quan trọng nào là bất hợp lý. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), tại Điều 70 của Hiến pháp cũng quy định rõ nhiệm vụ của QH đó là hoạch định chiến lược phát triển KT-XH và những nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH. Bên cạnh đó, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một bộ phận trung tâm, hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn trong cả 5 năm; có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, nội dung này cần phải được QH xem xét, quyết định.

Nhiều đại biểu băn khoăn, do QH họp mỗi năm 2 kỳ trong khi việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn thường khó hoàn tất trong một kỳ họp và trong quá trình thực hiện có thể phát sinh trường hợp cần phải điều chỉnh, vì vậy, các đại biểu đề nghị điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng: QH quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, QH có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.

Liên quan đến việc chất vấn và trả lời chất vấn trước QH, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng hợp ý kiến, 4 Bộ trưởng được lựa chọn để đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Như thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, một Phó Thủ tướng sẽ được phân công trả lời về các vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ và làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong danh sách xin ý kiến đại biểu Quốc hội còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, nhưng do có số phiếu lựa chọn thấp nhất nên ông Lê Minh Khái chưa “đăng đàn” trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến bắt đầu từ ngày 4/6 và diễn ra trong 2,5 ngày.

Trần Lâm - Anh Tuấn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xiv-day-manh-phan-cap-tao-su-chu-dong-cho-cac-bo-co-quan-tw-va-dia-phuong-n158139.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY