Giáp trạng là một tuyến nhỏ có hình con bướm nằm ở cổ, chịu trách nhiệm sản xuất nhiều hoóc-môn có ảnh hưởng tới tốc độ trao đổi chất và sản xuất năng lượng của cơ thể. Không chỉ vậy, tuyến giáp còn đóng vai trò trong nhiều hoạt động khác như hỗ trợ mọc tóc, duy trì thân nhiệt, cân nặng, nhịp tim, tâm trạng, khả năng sinh sản và phát triển bộ não. Do vậy, một khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng (bệnh suy giáp) hoặc hoạt động quá mức (bệnh cường giáp), chúng ta dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe liên quan.
Nhóm thực phẩm giàu axít béo Omega-3 là thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn
của người bị bệnh tuyến giáp. Ảnh: Bigstock.com
Theo cố vấn dinh dưỡng người Ấn Ðộ Twinkle Kansal, việc thực hiện một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và sinh hoạt thường ngày có thể giúp chữa trị những rối loạn về chức năng tuyến giáp, cũng như hỗ trợ bệnh nhân phục hồi sức khỏe. Dưới đây là một số gợi ý về những nhóm thực phẩm và thói quen sinh hoạt có lợi cho người mắc bệnh về tuyến giáp.
+ Lợi khuẩn probiotic. Sức khỏe đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, bởi 70-80% tế bào miễn dịch xuất phát từ đường ruột. Ruột cũng là nơi chứa probiotic, yếu tố hỗ trợ tuyến giáp hoạt động tốt hơn. Một số loại thực phẩm giàu lợi khuẩn gồm có sữa chua, tương nén, các món ngâm chua (dưa món, kim chi)…
+ Nghệ. Hoạt chất curcumin - thành phần chính của nghệ - có đặc tính kháng viêm tuyệt vời, nên có thể giảm tình trạng viêm trong cơ thể, bao gồm cả giảm viêm tuyến giáp.
+ Axít béo Omega-3. Giống như curcumin, Omega-3 cũng có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ, nên có lợi cho người bị bệnh tuyến giáp. Ðể đảm bảo dung nạp đủ loại axít béo này, nên bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày các thực phẩm như hạt lanh, dầu ôliu nguyên chất, hạt óc chó, dầu cá và các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu.
+ Không tiêu thụ đường, thực phẩm chế biến sẵn. Chế độ ăn chứa nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn được biết là có thể dẫn tới tình trạng gia tăng mức độ viêm trong cơ thể. Trong khi đó, việc loại bỏ 2 nhóm thực phẩm kém lành mạnh này có thể giúp kiểm soát mức độ năng lượng hoạt động của cơ thể và giảm căng thẳng tinh thần (stress) - hai yếu tố ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
+ Bổ sung vitamin D. Mặc dù vitamin “ánh nắng” rất cần thiết để xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh, song đa số mọi người đều thiếu hụt dưỡng chất này do phải tất bật với công việc và ít vận động ngoài trời. Những cách đơn giản để tăng cường vitamin D là phơi nắng sáng 15-20 phút/ngày, ăn nhiều loại rau màu xanh đậm như cải bó xôi, cải xoăn, bạc hà, ngò rí, húng quế, chùm ngây…
+ Tập thể dục và thiền. Stress có thể gây ra nhiều tác hại đối với cơ thể và hệ miễn dịch. Trong khi đó, thiền có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả, cũng như thanh lọc phổi thông qua bài tập hít thở sâu.
Việc kết hợp tập thể dục và thiền hằng ngày cũng giúp chữa trị stress mãn tính và cải thiện chất lượng giấc ngủ, đều có lợi cho bệnh nhân tuyến giáp.
AN NHIÊN (Theo Indian Express)