Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Lan tỏa ATM gạo

ATM gạo đầu tiên tại TP Hà Nội vừa đi vào hoạt động ở quận Cầu Giấy. Tại TP Đà Nẵng, 2 ATM gạo đang được triển khai. Trong khi đó, 2 ATM gạo khác sẽ được lắp đặt thêm ở TP HCM...

Ngày 11-4, nhiều người đã đến Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy để nhận gạo miễn phí từ "ATM gạo" đầu tiên được một nhóm thiện nguyện triển khai ở TP Hà Nội.

Phát 3 kg/người

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Công ty Sách Thái Hà - đơn vị tài trợ chương trình, cho biết xuất phát từ mong muốn không để người nghèo, người khó khăn đứt bữa, tình cờ đọc trên báo thấy có "ATM gạo" ở TP HCM nên ông quyết định chia sẻ dự án này lên mạng xã hội Facebook. Ngay khi chia sẻ, ông nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các tình nguyện viên cũng như nhà hảo tâm.

Đơn vị tài trợ cho biết đã có khoảng 10 tấn gạo từ các nhà hảo tâm và nhóm thiện nguyện ủng hộ để phát cho mọi người qua "ATM gạo". Mỗi người đến lấy gạo sẽ được nhận 3 kg. Thời gian phát gạo dự kiến kéo dài đến hết ngày 30-4. Đối tượng nhận gạo là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đơn vị tài trợ mong muốn những phần gạo này có thể giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn hiện tại.

Ông Doãn Thanh Tùng, tác giả cỗ máy tự động nhả gạo khi nhấn nút tại Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, cho biết từ khi có ý tưởng đến lúc hoàn thành "ATM gạo" mất khoảng 2 ngày. Điểm khác biệt của máy này so với "ATM gạo" ở TP HCM chính là số gạo mỗi lần người đến nhận lên đến 3 kg và không phải bấm nút mà dùng chân ấn vào bàn đạp (thiết bị kết nối với máy tự động nhả gạo). Điều này sẽ góp phần hạn chế tiếp xúc, giảm lây lan dịch bệnh Covid-19.

Rất đông người dân đến nhận gạo miễn phí từ “ATM gạo” đầu tiên ở TP Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG

Theo ông Tùng, ông có một số đồ thí nghiệm dạy học sinh, nghĩ mình sẽ làm được "ATM gạo" nên nhóm của ông vừa làm vừa cho máy chạy thử. Máy gồm bồn đựng gạo và gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và bàn đạp. Mỗi lần ấn vào bàn đạp, gạo nhả đúng số lượng lập trình sẵn. Các mạnh thường quân khuyến khích người dân mang theo vật dụng từ nhà đi để đựng gạo, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông.

Khi nghe tin có "ATM gạo" phát cho người nghèo, nhiều người đã mang gạo, mì ăn liền, thực phẩm đến ủng hộ nhóm thiện nguyện để góp, chia cho người nghèo, người khó khăn.

Bà Đỗ Thanh Lam (ngụ quận Cầu Giấy) cho biết qua Facebook, bà nắm được thông tin về việc phát gạo miễn phí nên đến nhận. Trong đợt dịch Covid-19 này, gia đình bà bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề, nay được nhận gạo miễn phí nên cảm thấy rất vui vì đỡ một khoản chi phí trong cuộc sống hằng ngày.

Trong khi đó, bà Đào Thị Lý (ngụ phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Gia đình tôi 5 người nhưng có đến 3 người mắc bệnh hiểm nghèo, không còn sức lao động. Tôi rất biết ơn các mạnh thường quân đã tổ chức phát gạo miễn phí, giúp đỡ chúng tôi và nhiều gia đình khác trong giai đoạn khó khăn này".

Đà Nẵng sẽ có nhiều "ATM gạo"

Cùng ngày, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, cho hay hội đã đặt mua 2 "ATM gạo" từ ông Hoàng Tuấn Anh (quận Tân Phú, TP HCM). Kinh phí trích từ nguồn quỹ của hội nhằm thực hiện chương trình "Hạt gạo tình thương".

Theo đó, sau khi "ATM gạo" từ TP HCM về Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ cùng Thành đoàn Đà Nẵng và UBND quận Hải Châu sẽ tổ chức chương trình, dự kiến lắp đặt tại Nhà Văn hóa phường Bình Thuận (230 Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng).

Ông Hùng cho hay hiện đã có vài doanh nhân trong hội đóng góp được hơn 30 tấn gạo. Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn ủng hộ từ các thành viên và các nhà hảo tâm để duy trì hoạt động của máy phát gạo tự động đến tháng 6.

Cũng theo ông Hùng, khi có thông tin về "ATM gạo" ở TP HCM, ông cùng các thành viên của hội đã nảy sinh ý định mua để đưa về Đà Nẵng làm từ thiện, phát gạo tự động cho người nghèo trong mùa dịch Covid-19.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chắc chắn rất nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ cần gạo trong mùa dịch này. Chúng tôi mong muốn góp một chút nhỏ để sẻ chia với bà con có hoàn cảnh khó khăn" - ông Hùng bày tỏ.

Để thực hiện chương trình một cách quy củ, Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đã làm việc với UBND phường Bình Thuận và UBND quận Hải Châu về phương án tổ chức lắp đặt, phương án chạy máy phát gạo tự động. Thời gian đầu, dự kiến máy hoạt động ban ngày, có sự giám sát của đơn vị tổ chức. Người nhận gạo sẽ được hướng dẫn đứng cách nhau 2 m. Sau khi lắp đặt 2 "ATM gạo" này, Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục vận động để mua thêm nhiều máy và lắp đặt ở các khu vực khác của TP.

Ông Nguyễn Ngọc Quyền - người dân quận Thanh Khê - cho biết rất vui khi nghe tin Đà Nẵng sẽ có "ATM gạo". Ông Quyền làm nghề chạy xe ôm và hơn 1 tháng qua mất việc nên hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn.

"Nếu có máy này, tôi sẽ tới lấy 1 phần đồng thời chia sẻ thông tin với bà con hàng xóm để mỗi người bớt một chút gánh nặng, cùng nhau vượt qua mùa dịch" - ông Quyền tâm sự.

Ai cũng thấy ấm lòng

Sáng 11-4, hàng trăm bao gạo của những nhà hảo tâm đã được chở đến góp cho "ATM gạo" ở quận Tân Phú, TP HCM. Nhân viên ở đây tất bật nhận gạo, lưu thông tin người tặng và vận chuyển vào bên trong.

Theo các nhân viên "ATM gạo" ở quận Tân Phú, trung bình mỗi ngày có 5-6 tấn gạo được chở đến nên kho gạo giờ đã chất cao, đầy cả lối đi. Không thể tận tay chở gạo đến, rất nhiều người ở xa đã nhờ các dịch vụ vận chuyển giúp. Nhìn những thùng hàng chứa bao gạo bên trong, ai cũng thấy ấm lòng vì sự tử tế, lòng nhân ái đang lan tỏa.

"ATM gạo" này ngày 11-4 đã được bố trí thêm ống phát gạo - cùng một lúc có thể phục vụ 3 người. Nhờ vậy, việc nhận gạo nhanh hơn, không tập trung quá đông người tại khu vực này.

Lần thứ hai đến nhận gạo, bà Trần Thị Hồng (ngụ quận Tân Phú) không giấu được xúc động khi cầm túi gạo trên tay. Bà cho biết số gạo này đủ để gia đình bà ăn trong 2 ngày. Bà mong muốn máy sẽ duy trì lâu dài bởi hiện nay, người dân gặp rất nhiều khó khăn, việc nhận gạo hằng ngày sẽ đỡ được phần nào.

Chung cảm xúc, ông Lâm Văn Lực (ngụ quận Tân Phú) cho biết việc tặng gạo cho người dân gặp khó khăn trong lúc dịch bệnh là rất hữu ích. Nhờ máy được lắp thêm ống dẫn gạo mà hôm nay ông lấy gạo nhanh, đỡ đợi lâu.

Theo chị Lương Nguyên Uyên Linh, Trưởng nhóm marketing Công ty PHG Lock - người quản lý "ATM gạo", nhân viên ở đây thay phiên nhau làm việc từ lúc 6 giờ đến 24 giờ, vừa hướng dẫn người nhận gạo xếp hàng vừa tiếp nhận gạo ủng hộ. Ai cũng làm việc hết sức mình. "Rất mệt nhưng nhìn thấy nụ cười của người nhận gạo, ai nấy đều tự nhủ phải cố gắng nhiều" - chị thổ lộ.

Chị Linh cho biết trong những ngày qua, nhân viên ở đây gặp nhiều trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, một người đàn ông bán rau cải chạy xe ba gác tới tặng 100 kg gạo. Dù nhân viên ra sức khuyên giữ lại gạo để dùng nhưng ông vẫn kiên quyết tặng. Ông bảo rằng mình vẫn sống tốt hơn người khác, hãy cho ông chia sẻ đến mọi người.

TP HCM sẽ có thêm 2 "ATM gạo"

Dù là thứ bảy nhưng lực lượng dân quân, đoàn viên... của xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn túc trực tại UBND xã để tiếp nhận gạo của các mạnh thường quân mang đến. Số gạo ủng hộ đã gần 20 tấn, nhằm phục vụ cho "ATM gạo" dự kiến hoạt động tại đây vào ngày 13-4. Bên trong khuôn viên UBND xã, một tốp công nhân đang lắp đặt "ATM gạo".

Ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Nhằm bảo đảm an ninh trật tự cũng như giữ khoảng cách an toàn cho người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, xã sẽ bố trí khoảng 6-7 dân quân, đoàn viên... túc trực bên "ATM gạo" để bấm nút, vệ sinh tay, nhắc nhở. Theo ông Phong, xã Vĩnh Lộc B có hơn 60% dân nhập cư nên "ATM gạo" xuất hiện trong thời điểm này là rất quý, người dân sẽ bớt phần khó khăn.

Về việc sắp có thêm "ATM gạo" ở quận 12, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận, cho biết đại diện Công ty PHG Lock đã đến khảo sát và thống nhất địa điểm đặt tại Nhà Thiếu nhi quận (100 HT11, phường Hiệp Thành). Hiện Quận đoàn quận 12 đang phối hợp tiếp nhận gạo từ các mạnh thường quân, dự kiến 3 ngày nữa sẽ lắp đặt "ATM gạo".

Về phía địa phương, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho biết phường vừa nhận thông tin sẽ có "ATM gạo" trên địa bàn. Phường sẽ cử lực lượng cùng Quận đoàn hỗ trợ người dân giữ khoảng cách, vệ sinh tay, bảo đảm an ninh trật tự khi đến nhận gạo.

Th.Hồng

“ATM gạo” đầu tiên đặt tại số 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, hoạt động như một minh chứng cho sự tương thân tương ái của người dân TP HCM: Khi càng khó khăn thì sự tử tế càng thể hiện rõ nét.

Huy Thanh - BÍCH VÂN - MỸ UYÊN

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/thoi-su/lan-toa-atm-gao-20200411222724726.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY