Giờ đây, khi đối mới với biến thể Omicron có khả năng lây lan cực cao, Israel đã bắt đầu tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho một số nhóm nguy cơ cao. Hôm 4/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cho phép tiêm liều tăng cường cho trẻ vị thành niên và tránh mô tả bất kỳ ai là “đã tiêm phòng đầy đủ” vì hai mũi tiêm dường như không còn đủ nữa.
Thay vào đó, tình trạng tiêm chủng của một người sẽ được liệt kê thành “gần đây nhất”, hoặc không. Hoàn toàn không ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ đang lo lắng: Việc này bao giờ mới kết thúc? Liệu chúng ta có cần xắn tay áo để tiêm nhắc lại vài tháng một lần?
Người dân Bangkok, Thái Lan, đi tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba. Ảnh: AFP
Bị tấn công liên tục bởi một loại virus đi ngược mọi kỳ vọng, các nhà khoa học đã không còn muốn dự đoán tương lai. Nhưng trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo New York Times, khoảng 10 người nói rằng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, việc cố gắng tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường cho toàn bộ dân số vài tháng một lần là phi thực tế. Nó cũng không mang nhiều ý nghĩa khoa học.
Bà Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: “Tiêm vaccine định kỳ không phải chuyện chưa từng xảy ra, nhưng tôi nghĩ có nhiều cách tốt hơn là tiêm vaccine nhắc lại mỗi sáu tháng”. Theo bà, các chiến lược khác có thể giúp chúng ta thoát khỏi loại tình huống “tiêm nhắc lại mãi mãi” này.
Thuyết phục người dân xếp hàng để tiêm vaccine vài tháng một lần có lẽ là một đề xuất thất bại. Khoảng 73% người Mỹ trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, nhưng cho đến nay chỉ hơn một phần ba lựa chọn tiêm nhắc lại.
Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, khẳng định cách tiếp cận này chắc chắn không phải là một chiến lược lâu dài bền vững.
Cũng quan trọng không kém, hiện chưa có dữ liệu nào chứng minh hiệu quả của liều thứ tư. Phép tính này không áp dụng với những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch bởi họ sẽ hưởng lợi từ việc tiêm nhắc lại.
Các mũi tiêm nhắc lại chắc chắn làm tăng mức độ kháng thể và giúp ngăn ngừa lây nhiễm. Do đó, chúng sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế bằng cách tạm thời làm chậm sự lây lan của virus. Các chuyên gia đều cho rằng với sự gia tăng ca nhiễm biến thể Omicron, người Mỹ nên tiêm liều thứ ba càng sớm càng tốt.
Nhưng việc tăng cường miễn dịch chỉ là nhất thời. Báo New York Times đưa tin các nghiên cứu sơ bộ cho thấy lượng kháng thể bắt đầu sụt giảm chỉ vài tuần sau khi tiêm liều thứ ba. Và ngay cả ở mức kháng thể cao nhất, việc tiêm liều bổ sung không thể ngăn ngừa Omicron, vốn sở hữu những đột biến làm giảm sức mạnh của hệ phòng thủ miễn dịch của cơ thể. Thay vào đó, một loại vaccine đặc trị Omicron sẽ hữu hiệu hơn.
Một phụ nữ đi tiêm vaccine COVID-19 tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP
Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson đều cho biết họ đang thử nghiệm các loại vắc xin nhắm vào Omicron và có thể sẽ ra mắt trong một vài tháng tới.
Nhà nghiên cứu bệnh học Ali Ellebedy tại Đại học Washington ở St. Louis nói: “Sẽ vô ích khi tiếp tục tiêm tăng cường chống lại một chủng yếu thế. Nếu cần tiêm thêm một liều nữa sau ba liều, tôi chắc chắn sẽ đợi một liều dành cho Omicron”.
Các chuyên gia cho rằng nếu mục tiêu là tăng cường khả năng miễn dịch chống lại Omicron hoặc các biến thể trong tương lai, thì nên sử dụng các chiến thuật khác, thay vì liên tục nhắc lại loại vaccine được thiết kế dành cho chủng virus ban đầu.
Một số nhóm nghiên cứu đang phát triển một loại vaccine dùng chung cho cả họ virus Corona, được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các bộ phận mà virus ít thay đổi hoặc hoàn toàn không thay đổi.
Các loại vaccine hiện tại cũng có thể được sử dụng kết hợp với Thu*c tăng cường dạng xịt mũi hoặc uống. Những biện pháp này có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng tốt hơn vì chúng bao phủ kháng thể lên mô mũi và các bề mặt niêm mạc khác - nơi virus SARS-CoV-2 xâm nhập đầu tiên.
Và theo như một bài học mà giới nghiên cứu từng rút ra từ những cuộc chiến dịch bệnh khác, đó là chỉ cần kéo dài khoảng cách giữa các liều vaccine cũng có thể tăng cường khả năng miễn dịch.
Nhưng quan điểm trên đã thay đổi khi các nhà khoa học quan sát cuộc “hành quân” nhanh chóng và không ngừng của Omicron trên khắp thế giới. Scott Hensley, một nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Omicron thực sự đã thay đổi suy nghĩ của tôi về điều này”.
Ông và nhiều chuyên gia khác hiện ủng hộ việc tiêm liều thứ ba. Nhưng họ đánh giá con đường tiêm mũi thứ tư của Israel là thiếu hiệu quả, khi kết luận rằng các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch - như tế bào T và tế bào B - đang chống lại virus ổn định sau ba mũi tiêm hay thậm chí sau hai mũi.
Trong khi các tế bào miễn dịch này không thể ngăn ngừa việc nhiễm virus, chúng làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và giữ cho tỷ lệ nhập viện thấp.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng việc tiêm liều bổ sung quá thường xuyên thậm chí có thể gây hại. Về lý thuyết, có hai cách mà nó có thể phản tác dụng. Khả năng đầu tiên là hệ miễn dịch bị kiệt sức sau những lần kích thích lặp đi lặp lại và ngừng đáp ứng với vaccine COVID-19. Tuy vậy, phần lớn nhà miễn dịch học đều bác bỏ lập luận này.
Nỗi lo thứ hai, được gọi là “sai lầm kháng nguyên gốc”, có vẻ hợp lý hơn lập luận đầu tiên. Theo quan điểm này, phản ứng của hệ miễn dịch được điều chỉnh cho phù hợp với phiên bản đầu tiên của virus nên phản ứng của nó đối với các biến thể tiếp theo kém mạnh mẽ hơn nhiều.
Với hơn 50 đột biến, Omicron đủ khác biệt so với các biến thể trước đó, khiến những kháng thể đối với chủng virus gốc phải vật lộn để nhận ra phiên bản mới nhất.
Theo tiến sĩ Amy Sherman, chuyên gia vaccine tại Đại học Harvard, sự tiến hóa nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 cũng là một vấn đề quan trọng. Phần lớn vì nó tiếp cận được với số lượng lớn vật chủ là con người. Nếu các ca bệnh tiếp tục tích lũy với tốc độ hiện tại, hoặc gần như thế, SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi lớn, đồng nghĩa với việc các loại vaccine cần được cập nhật thường xuyên.
Nhưng nếu đại dịch chậm lại ở hầu hết các nơi trên thế giới, nó có thể hạn chế cơ hội cho virus xuất hiện dưới dạng hoàn toàn khác. Và đó là một lập luận để giúp các quốc gia khác tiêm đủ liều dân số của họ, thay vì tiêm liều tăng cường cho dân số của các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Một số chuyên gia cho biết tình hình dịch COVID-19 tại các nước có thể diễn biến tốt hơn nếu áp dụng thêm những chiến lược khác ngoài vaccine để kiểm soát sự lây lan của virus. Lấy ví dụ trường hợp của phế cầu, việc tiêm chủng cho trẻ em gián tiếp bảo vệ người lớn tuổi bằng cách hạn chế lây truyền.
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong lớp học tại Dortmund, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Sarah Cobey, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Chicago, tin rằng việc cải thiện hệ thống thông gió trong trường học sẽ hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 giữa trẻ em và tất cả những người tiếp xúc với chúng.
Nhìn chung, các chuyên gia khẳng định khi Mỹ áp dụng bất kỳ chiến lược nào, cho dù đó là tiêm chủng định kỳ hay các cách tiếp cận khác, Chính phủ của Tổng thống Joe Biden trước tiên phải xác định rõ những mục tiêu mà họ đang cố gắng hoàn thành.Bởi lẽ, ngăn ngừa tỷ lệ lây nhiễm đòi hỏi một cách tiếp cận rất khác so với ngăn ngừa tỷ lệ nhập viện.
Chủ đề liên quan:
đối tượng tiêm covid 19 tiêm liều bổ sung cho người lớn tuổi tiêm nhắc lại Covid-19