Mắt mộng thịt, nên đi khám sớm
Tôi giữ vệ sinh mắt rất kỹ, thường xuyên nhỏ Thu*c nhưng vì sao vẫn bị mộng thịt? Việc điều trị như thế nào, thưa bác sĩ? - (Thái Lan)
Trả lời:
Mộng thịt là khối mô liên kết xuất hiện từ góc trong khóe mắt và xâm lấn dần vào giác mạc. Bệnh có thể tiến triển chậm trong nhiều năm hoặc tiến triển rất nhanh xâm lấn qua vùng rìa giác mạc rồi tiến vào vùng trung tâm giác mạc (đồng tử) làm giảm thị lực.
Phần mộng thịt nhô lên có thể phá hủy màng phim nước mắt, gây cảm giác kích thích, xốn cộm, chảy nước mắt sống và tổn thương biểu mô giác mạc.
Tại sao mắt bị mộng thịt?
Khi ra nắng, kết mạc mắt phơi trần ra dưới ánh sáng mặt trời, bức xạ của tia tử ngoại sẽ dẫn đến khiếm khuyết các tế bào mầm tại chỗ, mà các tế bào này hoạt động như một rào chắn ở vùng rìa kết mạc và giác mạc. Khi rào chắn bị phá hủy có thể gây mộng thịt.
Điều trị ra sao?
Hiệu quả nhất là phẫu thuật. Với các phương pháp mổ cũ như cắt mộng, để hở củng mạc, di chuyển hướng đi của đầu mộng, ghép mộng kết hợp với áp tia beta và nhỏ Mitomycin sau phẫu thuật... kết quả hạn chế vì bị tái phát rất cao. Một khi đã mọc lại thì mộng thịt luôn tiến triển nhanh và khó điều trị hơn nguyên phát.
Phương pháp mổ bằng cách ghép kết mạc rời tự thân có tỉ lệ tái phát rất ít, không gây biến chứng trầm trọng như thủng củng mạc, hoại tử củng mạc, loét giác mạc, loại miếng ghép... như một số phương pháp khác.
Mộng thịt phát triển đến mức độ nào thì nên mổ?
Mổ khi mộng thịt ở các độ II, III (mộng thịt xâm lấn vào giác mạc khoảng bằng hoặc trên 2mm), độ IV (lấn vào đồng tử). Phẫu thuật đơn giản, sau mổ bệnh nhân có thể ra về, tái khám theo dõi sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
Để phòng bệnh, khi ra nắng nên đeo kính râm có chống tia UV bảo vệ mắt. Nếu thường xuyên bị đỏ khóe mắt góc trong, cảm giác xốn cộm và chảy nước mắt sống mà chữa hoài không khỏi thì nên đi khám mắt vì đây là biểu hiện mộng thịt bắt đầu.
Ngoài ra, bệnh nhân không nên tự mua Thu*c nhỏ mắt và dùng lâu dài. Không đắp lá cây - kể cả lá chữa bệnh mắt theo dân gian như lá sống đời, nha đam... Đã có trường hợp bị sán trên lá chui vào mắt do rửa lá không sạch.
AloBacsi.vn
Theo Tuổi Trẻ
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/mat-mong-thit-nen-di-kham-som-n682.html)