Cỏ cao 30-40cm. Thân vuông có lông. Lá xanh tươi, thon hay hẹp, dài 2-5cm, mép có răng thưa. Hoa tập hợp lại thành chụm như hoa đầu. Lá bắc hẹp, có lông, đài cao 1cm, có lông ở ngoài, không lông ở trong, 10 răng miệng xéo; tràng hoa trắng, 4 nhị. Quả bế nâu, to 3mm. Cây ra hoa tháng 4.
Loài của Á châu nhiệt đới, phân bố ở khắp Đông Dương đến Philippin. Cây gặp thông thường dọc đường đi trên đất hoang lắm cát, nơi đất ẩm ướt ở nhiều nơi. Người ta thu hái cây mùa khô, rửa sạch, thái nhỏ phơi khô.
Mè đất nhám có vị đắng cay, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng giải cảm, làm ra mồ hôi, hoá đàm ngừng ho, lại có tác dụng tiêu viêm giảm đau sát trùng. Ở Ân Độ, người ta biết được là nước chiết bằng cồn của lá cây này có những hoạt tính sát trùng với một số loại vi trùng.
Thường dùng chữa cảm sốt, ho, viêm đường hô hấp trên, ho gà. Còn dùng đắp trị ghẻ lở rắn cắn và sâu bọ đốt.
Ở Ân Độ, người ta dùng hoa trị cảm sốt, dịch lá dùng đắp trị vẩy nến, ghẻ lở và phát ban da mạn tính, lá được dùng trị bệnh thấp khớp mạn tính.
Chữa cảm sốt, ho, viêm đường hô hấp trên: Mè đất nhám khô 15-30g (hoặc 30-60g cành lá tươi) sắc uống và xông.
Ho gà của trẻ em: Cành lá Mè đất nhám khô, củ Tóc tiên (Mạch môn) chẻ đôi bỏ lõi sao, đều 12g, sắc uống.