Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Môi trường công sở nào cũng có một Chung Hiểu Cần (30 Chưa Phải Là Hết): Thường xuyên bị đồng nghiệp sai vặt chỉ vì lý do này!

Hình ảnh của Chung Hiểu Cần được biên kịch khắc họa đã làm dân công sở chúng ta vừa thương, vừa giận và có lẽ, cũng vừa cảm thấy… quen quen.

Nếu là fan ruột của bộ phim “30 Chưa Phải Là Hết” đang cực hot trong thời gian gần đây, chắc có lẽ chị em không lạ gì nhân vật Chung Hiểu Cần - một cô gái tốt bụng. Tuy nhiên, sự tốt bụng của cô lại khiến cô trở nên thật đáng thương khi đi làm.

Ngay từ tập 1 của bộ phim, Chung Hiểu Cần đã làm không ít khán giả xem phim, đặc biệt là dân công sở cảm thấy khó chịu vì chấp nhận trở thành chân sai vặt trong công ty. Đồng nghiệp nhờ gì cô cũng giúp. Nào là pha cà phê, nào là lấy kim chỉ, dụng cụ kẹp hạt óc chó cho mượn, thậm chí còn đi photo tài liệu hộ,...

Hình ảnh của cô được biên kịch khắc họa đã làm chúng ta vừa thương, vừa giận và có lẽ, cũng vừa cảm thấy… quen quen.

Thành thật mà nói, dường như trong môi trường công sở nào cũng vậy, chẳng hiếm khi chúng ta thấy ai đó, có khi là chính chúng ta, ướm vai một Chung Hiểu Cần khi bị đồng nghiệp thường xuyên sai vặt chỉ vì không biết nói lời từ chối, cuối cùng việc nặng việc nhẹ gì cũng đến tay, toàn làm thay làm hộ.

Xét về lý do, nhiều người cho rằng, giúp đỡ đồng nghiệp sẽ giúp mình được lòng mọi người trong công ty, sau có việc gì sẽ có người giúp lại, thậm chí còn mở đường thăng tiến trong tương lai.

Một số ít thì lại bảo, đôi khi cũng muốn nói lời từ chối nhưng văn hóa ngầm ở công ty không cho phép họ như vậy, cứ người nhỏ tuổi nhất, nhân viên mới nhất phải trở thành chân sai vặt.

Không biết nói lời từ chối, đồng nghĩa với việc tự biến mình thành một “cỗ máy gật đầu” chuyên đi phục vụ người khác. Dara Blaine - chuyên gia cố vấn nghề nghiệp chỉ ra tác hại của việc này như sau:

“Luôn đồng ý giúp đỡ sẽ khiến sự ưu tiên của bạn thay đổi và hướng tới người khác nhiều hơn. Dần dần, mọi trật tự sẽ bị đảo lộn, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy kiệt sức và căng thẳng vì không thể sắp xếp thời gian để phục vụ cho công việc và cuộc sống của chính mình.

Tệ hơn, bạn còn mất đi sự tự tin của bản thân và những người hay đề nghị bạn giúp đỡ sẽ có cái nhìn xem thường bạn, hình ảnh của bạn trong công ty không khác gì một kẻ thiếu quyết đoán. Tần suất họ "giao việc" cho bạn sẽ nhiều hơn và bạn sẽ mệt mỏi hơn”.

Quả thật, đúng như cái câu “có lần 1 sẽ có lần 2”, nói hơi thẳng thắn, chỉ cần bạn nhu nhược, chấp nhận những lời đề nghị giúp đỡ một cách vô lý của đồng nghiệp lần đầu, họ sẽ luôn có xu hướng biến bạn trở thành “osin” mà chẳng cần quan tâm bạn thích hay không, muốn hay không, công việc của riêng bạn đã làm xong chưa.

Vậy thì tại sao lại bạc đãi bản thân, cho phép mình nhu nhược mãi như thế trong công ty? Bạn giúp đỡ người khác, trong khi việc của mình thì làm không xong, bạn nghĩ con đường thăng tiến nào dành cho mình, mức thu nhập cao nào xứng đáng với mình và sếp sẽ trọng dụng bạn hay sao?

Đừng mơ tưởng nữa, giúp đỡ đồng nghiệp là tốt, nhưng tốt thôi đừng tốt quá, hãy dành sự ưu tiên cho bản thân để hoàn thành trách nhiệm của mình với công việc. Chuyện của đồng nghiệp, hãy để đồng nghiệp tự giải quyết, trừ khi họ thật sự cần giúp đỡ.

Ngay cả Chung Hiểu Cần, những tập sau đó nhờ sự tác động của Chung Hiểu Dương còn biết nói lời từ chối, chẳng có lý do gì để dân công sở chúng mình không học theo cả. Sau đây chính là 3 bí quyết hay giúp mọi người nói lời từ chối trong công ty:

1. Thẳng thắn và quyết đoán sử dụng các cụm từ từ chối "tôi không muốn" hay "tôi không thể" mà không kèm theo tiếng “xin lỗi” hoặc các lý do biện hộ cho việc mình không muốn bị sai vặt: cách này sẽ giúp đồng nghiệp của bạn phần nào hiểu rằng, bạn không phải là người dễ ức hiếp!

2. Với những đối tượng đồng nghiệp tương đối dễ thương, bạn cần lịch sự một chút, hãy dùng những câu từ chối khéo léo hơn như "ôi tiếc quá, tôi không thể giúp bạn được rồi": Đôi khi thêm một chuyện không bằng ít đi một chuyện, công sở không phải nơi ai mình cũng có thể đắc tội, khéo léo một chút để tránh phiền về sau nhé!

3. Khi con tim của bạn quá yếu đuối, đồng nghiệp nhờ vả mà không giúp sẽ cảm thấy vô cùng áy náy. Lúc nãy, hãy nghĩ về hậu quả khi mình giúp người vô tội vạ. Có nghĩa là bạn nên nghĩ xem việc giúp đỡ này sẽ tốn mất bao nhiêu thời gian và công sức của mình, nó có ảnh hưởng đến mình thế nào. Nghĩ về hậu quả là cách hay giúp bạn có thêm động lực để nghe theo lý trí, tự tin nói lời từ chối hơn.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/moi-truong-cong-so-nao-cung-co-mot-chung-hieu-can-30-chua-phai-la-het-thuong-xuyen-bi-dong-nghiep-sai-vat-chi-vi-ly-do-nay-202008121307523.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY