Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) vừa có thông báo về trường hợp một học sinh của trường dương tính với vi rút SARS-CoV-2, từng đến tiêm vắc xin ngày 24/11.
Theo thông báo từ phía nhà trường, đây là trường hợp học sinh lớp 12, có kết quả dương tính vào ngày 26/11. Học sinh này có đến trường tiêm vắc xin vào buổi sáng ngày 24/11.
Được biết, học sinh này sức khỏe bình thường, không thuộc diện F0, F1 hay F2 nên đến trường tiêm theo lịch. Trong quá trình tiêm tại trường, học sinh này đeo khẩu trang. Thời gian có mặt tại điểm tiêm là 8h30 và ra về lúc 10h30.
Ngày 25/11, học sinh thấy biểu hiện ho sốt nên đi test COVID-19. Đến 16h ngày 26/11, kết quả báo về là dương tính. Học sinh này lập tức gọi điện báo cáo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm báo cáo về nhà trường.
Hiện, học sinh này cùng gia đình đã được cơ quan y tế đưa đi cách ly. nhà trường đã thông báo cho toàn thể các học sinh của trường tham gia tiêm vắc xin ngày 24/11, tự cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe và theo quy định của bộ y tế, của cơ quan y tế địa phương nơi cư trú, của nhà trường.
Nếu có các biểu hiện mắc covid-19 báo ngay với cơ quan y tế địa phương, báo với giáo viên chủ nhiệm, báo với lãnh đạo nhà trường để kịp thời xử lý.
Ảnh minh hoạ |
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo TTYT quận Hà Đông cho biết, hiện lực lượng y tế đang tiến hành truy vết các trường hợp liên quan đến F0 này.
Trước tình huống này, một loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu học sinh này có lây nhiễm trong quá trình tiêm chủng hay không? Nếu là F0 từ trước thì có khả năng lây nhiễm cho những trường hợp xung quanh hay không? Và mới chỉ tiêm được 1 ngày đã phát hiện dương tính thì vắc xin đã có tác dụng?
Trả lời những câu hỏi này với phóng viên, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng cần phải điều tra dịch tễ, lịch sử tiếp xúc.
Tuy nhiên, ông Phu cũng loại trừ khả năng lây bệnh tại điểm tiêm chủng, khả năng nhiễm bệnh từ trước đến ngày 25/11 (sau tiêm một ngày) mới phát bệnh.
“Cũng có trường hợp lây nhiễm bệnh trong vòng 24h nhưng rất hiếm. Thông thường từ khi tiếp xúc với nguồn lây đến khi khởi phát bệnh sẽ trong khoảng 2-3 ngày”, ông Phu thông tin.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phải điều tra dịch tễ kỹ xem lịch sử tiếp xúc với những ai… thì mới khẳng định được nguồn lây. Thời gian ủ bệnh có thể trong 1 ngày đối với chủng Delta nhưng ít, vẫn phải 2- 3 ngày trở lên.
“Nhưng như thế thì chỗ đấy cũng sẽ nhiều F1 vì là điểm tiêm chủng”, ông Phu lo ngại.
Đặc biệt, với việc mới tiêm chủng sau 1 ngày thì vắc xin chưa phát huy được tác dụng. Bởi vắc xin sẽ có tác dụng sau 14 ngày.
“Người dân vẫn phải phòng bệnh, tuân thủ các biện pháp 5K. Vấn đề bây giờ cần phải đánh giá điểm tiêm chủng có tuân thủ các quy định phòng dịch hay không” ông Phu nói và cho rằng nếu “không thì F0 này sẽ lây bệnh cho người khác khi đi tiêm”.
N. Huyền