Em Sray La cùng người chị sinh đôi của mình là Sray Lin chọn 2 bộ đồ đẹp nhất để dự lễ khai giảng khóa học tại chùa, sau đó ở lại học luôn. Đó là bộ đồ màu vàng với chiếc áo có cổ sọc đen trắng. Hai em thích thú với bộ đồ mới này và cũng háo hức đến chùa để tìm con chữ. Tuy ở trường, Sray Lin và Sray La đã học xong chương trình lớp 3 (tựu trường sẽ lên lớp 4), nhưng học ở chùa thì các sư xếp 2 em vào lớp “vỡ lòng”, bởi chữ Khơme rất khó học, khó viết.
Hai chị em Sray La và Sray Lin - Ảnh: Chí Hùng
Hai chị em Sray La học chung với hơn 30 em khác, đều là người Khơme đến từ các phum sóc quanh TT.Tri Tôn, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mỗi em ngồi 1 bàn riêng, nắn nót từng chữ viết của dân tộc mình một cách khó nhọc nhưng đầy thích thú. Đây cũng là những chữ Khơme đầu đời của các em. Sư Sóc Kuen cũng là thầy giáo của các em cho biết, đầu tiên các em sẽ học đọc - viết những chữ cái trong tiếng Khơme, học “ráp vần” như với chữ Việt. Khi vốn từ các em được tích lũy nhiều, nhà chùa sẽ dạy các em những kiến thức về văn hóa, phong tục, dạy chữ Khơme cổ (chữ Pali) và kinh Phật.
Nói cách khác, với các lớp học tại chùa, các sư sẽ dạy cho học sinh từ chữ nghĩa cho đến văn hóa, phong tục, rèn cho các em lối sống và uốn nắn nhân cách cho các em. Hiện tại, chùa Pray Veng đã mở được 5 lớp với khoảng 200 học sinh Khơme theo học. Sư Sóc Kuen cũng cho chúng tôi biết số lượng học sinh sẽ còn tăng hơn nữa trong những ngày sắp tới vì hiện mới khai giảng, nhiều phụ huynh chưa hay thông tin.
Sư Sóc Kuen đã gắn bó với lớp dạy chữ Khơme trong chùa Pray Veng suốt 8 năm nay. Sư nói chữ viết cũng là hồn cốt của dân tộc, là văn hóa là đạo đức. Ai biết đọc biết viết sẽ biết được giá trị của kinh Phật, hiểu được những điều răn dạy của Phật và của cha ông, từ đó sống tốt đẹp hơn. Đó là những điều mà trước đây sư Sóc Kuen đã được các sư trụ trì dạy bảo khi đi tu, giờ sư đem truyền dạy lại cho các học trò của mình, như sự nối tiếp dòng chảy bất tận của đạo lý tốt đẹp.
Nói xong vài điều với chúng tôi, rồi sư Sóc Kuen quay lại lớp, đến xem từng bài tập viết của học trò, chỉ các em chăm chút từng nét chữ. Trong ánh mắt của sư hiện rõ niềm tự hào và tin tưởng những mầm xanh mình gieo hôm nay chắc chắn mai này sẽ cho hoa thơm trái ngọt...
Các sư đang soạn “giáo án” - Ảnh: Chí Hùng
Cách chùa Pray Veng không xa, chùa Xà Tón cũng đã tổ chức được 3 lớp dạy chữ Khơme cho hơn 100 học sinh. Chúng tôi mới bước vào đến cổng chùa đã nghe tiếng đọc bài của thầy và trò vang vọng. Các lớp ở chùa Xà Tón chia ra thành 3 cấp bậc. Lớp đông nhất là lớp vỡ lòng với hơn 70 học sinh. Lớp nâng cao có khoảng 30 học sinh, chủ yếu là các em học sinh cấp 2 ở các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Lớp này đã bắt đầu dạy qua các từ khó, các từ Khơme cổ, dạy thành ngữ tục ngữ Khơme...
Đặc biệt, có một nhóm học sinh bắt đầu được dạy Kinh Phật, bao gồm kinh sách và kinh lá buông (1 loại kinh chép lên lá buông đã được công nhận là di sản quốc gia). Nếu ở lớp vỡ lòng các em học sinh còn tỏ ra hiếu động thì càng lên bậc học cao hơn, các em càng trở nên chín chắn, trầm lắng hơn. Các em không chỉ học tập những dòng kinh sư truyền dạy mà còn tập suy ngẫm những triết lý từ các dòng chữ tưởng chừng như vô tri vô giác. Đó là những nền tảng ban đầu để các em bước vào con đường khám phá những triết lý cao sâu của Phật giáo tiểu thừa Nam Tông.
Em Chau Thanh Nết, 10 tuổi háo hức khoe với chúng tôi trang vở được em tập viết những chữ Khơme đầu tiên. Nhà em ở tận xã Núi Tô nhưng cha mẹ không ngại đưa em vượt hơn 10 cây số ra chùa Xà Tón học. Nhiều em học sinh khác nhà cũng xa như em Nết. Có em ở An Tức, có em ở Châu Lăng, có em ở Tà Đảnh. Mặc kệ đường xa, các em vẫn đến chùa tìm chữ. Chùa Tà Miệt ở H.Tịnh Biên cũng đã khai giảng 2 lớp với hơn 100 học sinh, bao gồm 1 lớp vỡ lòng và 1 lớp nâng cao. Chùa Kalboruk ở thị trấn Ba Thê, huyện Thoại Sơn cũng bắt đầu khóa học hè cho học sinh Khơme trong phum sóc.
Dù năm nay dịch COVID-19 khiến mùa hè đến muộn, nhưng không vì thế mà phong trào dạy học chữ Khơme trong các chùa ở Bảy Núi bị ảnh hưởng. Không những thế, chỉ mới vào đầu hè mà phong trào dạy học ở các chùa Khơme đã hết sức sôi động, hứa hẹn một mùa “gieo chữ” bội thu. Thầy Chau Mo Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường dân tộc nội trú THCS Tri Tôn cho biết việc học ở chùa rất tốt cho trẻ em người dân tộc Khơme. Bởi lẽ, trong chương trình giáo dục hiện hành ở trường, các em học sinh Khơme chỉ được học 2 tiết tiếng Khơme mỗi tuần, học như là 1 môn ngoại ngữ. Chính vì thế, rất khó để các em có thể đọc thông viết thạo chữ viết của dân tộc mình.
Khi đến chùa, các em được học tập trung, chuyên sâu về tiếng Khơme trong một thời gian tương đối dài, điều này sẽ giúp các em nắm chắc ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình trong vài đợt học. Không những thế, học ở chùa các em học sinh còn được dạy kinh Phật, dạy những triết lý tốt đẹp trong văn hóa đồng bào Khơme. Đây là điều rất cần thiết cho sự phát triển nhân cách mỗi đứa trẻ mà bậc phụ huynh nào cũng muốn hướng đến.
Thầy Sóc Kha chỉ cho chúng tôi xem mấy bộ bàn ghế trong các phòng học tại chùa Pray Veng và chùa Xà Tón. Theo đó, mỗi lớp học các em học sinh ngồi một kiểu bàn ghế khác nhau, có mới có cũ. Thầy Sóc Kha giải thích, mấy bộ bàn ghế mới là do bà con Khơme tự nguyện đóng góp để mua cho nhà chùa dạy học. Còn những bộ bàn ghế cũ là nhà chùa được các trường trên địa bàn cho lại. Đây là những bộ bàn ghế đã hết hạn sử dụng, được các sư lau chùi và sửa chữa lại dùng.
Bàn ghế được nhiều người tặng cho chùa - Ảnh: Chí Hùng
Vài cái bảng cũ cũng được các trường chuyển giao lại cho nhà chùa để tái sử dụng. Có thể thấy, những lớp học chữ Khơme tại các chùa ở vùng Bảy Núi chính là bức tranh tiêu biểu về chính sách xã hội hóa trong giáo dục hiện nay. Ở đó, nhà chùa là nơi tiếp nhận và dạy dỗ các em học sinh. Cộng đồng xã hội người góp công người góp của để quá trình gieo chữ được vẹn tròn.
Giờ tan lớp, không có tiếng trống tiếng kẻng báo hiệu, nhưng các em học sinh vẫn đồng loạt tỏa ra làm sân chùa vốn yên tĩnh tôn nghiêm bỗng rộn ràng tươi vui hẳn lên. Hai chị em Neang Sray La và Neang Sray Lin nhảy chân sáo về phía cổng chùa, nơi đó có mẹ em đang đón đợi với nụ cười rạng rỡ. Hai em nói với mẹ mấy câu gì đó bằng tiếng Khơme, tôi đoán là các em “khoe” với mẹ những điều tốt đẹp được học trong buổi đầu tiên. Chị Neang Kim Siên, mẹ 2 em, nở nụ cười rạng rỡ, xoa đầu 2 con rồi dắt tay nhau đi về phía phum sóc nơi triền núi...