Kinh tế xã hội hôm nay

Mùng 3 Tết thầy: Những nỗi niềm của người thầy trong xã hội hiện đại

(MangYTe) - Trong phong tục tập quán xưa nay của người Việt, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được mọi người đề cao. Ngay trong những ngày Tết, người dân Việt cũng dành trọn một ngày mùng 3 Tết để đề cao sự tôn kính đối với người thầy.

"Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy" là quan niệm và những nét sinh hoạt văn hóa, truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ bao đời nay của người Việt ta. Trong văn hóa của người Việt, quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" cũng là chỉ vị trí của người thầy trong quan hệ các giá trị chuẩn mực văn hóa Việt và sự tôn trọng người thầy của các học trò.

Trong phong tục tập quán của người Việt, Tết chủ đạo gồm 3 ngày, trong ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo của mình để tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với thầy cô, cũng là để thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp đầu năm mới.

Người Việt dành hẳn một ngày Tết để cho thầy cô cũng là bởi, cha mẹ là những người sinh ra ta, cha mẹ có công sinh dưỡng, vì vậy phải dành hai ngày mùng 1 và mùng 2 tết để bày tỏ sự biết ơn với đấng sinh thành. 1, 2 và 3 trong thứ tự cũng là 3 số tự nhiên đầu tiên, chỉ sự quan trọng của vấn đề và cũng cho thấy tầm quan trọng của những đấng sinh thành và sinh dưỡng trong cuộc đời mỗi con người.

Tuy nhiên, những phong tục này trong xã hội hiện đại đang có nhiều thay đổi. Ngày mùng 3 Tết Canh Tý, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng cô giáo Bùi Kim Anh- bà nguyên là giáo viên dạy Văn của trường THPT Trần Phú, Hà Nội- về phong tục Mùng 3 Tết Thầy và được cô cho hay nhiều điều xoay quanh quan hệ thầy - trò xưa và nay.

PV. Thưa cô giáo Bùi Kim Anh, trong quan niệm của người Việt Nam, trong những ngày Tết cổ truyền, Mùng 3 Tết Thầy có ý nghĩa như thế nào, theo quan điểm của bà?

- Nói đến Mùng 3 Tết Thầy trước hết cần phải nói đến truyền thống của cả 3 ngày Tết. "Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy" có mối quan hệ rất gần gũi và chặt chẽ, không tách rời.

Mặc dù Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ liền với nhau, nhưng rộng ra, đây còn là quan hệ về lễ nghi, bên nội, bên ngoại trong gia đình mỗi người, không ai có thể tách rời nằm ngoài các quan hệ này. Mùng 3 Tết Thầy trong 3 ngày Tết nằm trong một hệ thống đạo đức mà người ta luôn mong muốn có được. Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn được người dân Việt Nam gìn giữ, người thầy có một vị trí cao nhất trong xã hội, cha mẹ có công sinh dưỡng nhưng người thầy mới là người dạy dỗ, giáo dục con người trưởng thành.

"Không thầy đố mày làm nên", người thầy chính là người có công giáo dục cho mình nên phải đề cao người thầy. Những quan niệm này tưởng là phong tục phong kiến, đi từ đạo đức phong kiến nhưng lại phù hợp với mọi thời đại trong hệ thống sinh hoạt văn hóa, nét đẹp văn hóa của người dân Việt.

PV. Là 1 giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục Việt Nam, ở vào những giai đoạn đất nước khó khăn tới thời hiện đại, cô thấy truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện qua các thế hệ học trò như thế nào?

- Theo thời gian, truyền thống này đang dần thay đổi cùng với những thay đổi trong xã hội. Mọi người đến với nhau không bằng sự chân thành, thực chất. Trước đây một năm có 2 dịp tết với thầy cô giáo là Mùng 3 Tết Thầy và Tết thầy cô 20/11. Thế nhưng gần đây những học trò cũng ít đến thăm thầy cô giáo vào mùng 3 tết mà tập trung vào Ngày 20/11.

Tuy nhiên, phong tục Mùng 3 Tết Thầy vẫn còn, nhưng chỉ có thế hệ học trò xưa đến thăm hỏi và chúc tết những thầy cô giáo, những lớp người này cũng đã già rồi, tình cảm của mọi người dành cho nhau vẫn rất trân quý, chân thành. Truyền thống này đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của họ trong dịp Tết. Còn giới trẻ hôm nay không còn được như thế.

PV. Nay cô giáo xưa cũng đã ở vào tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng khi còn trẻ vẫn đang giảng dạy, học trò đến với thầy cô trong dịp tết như thế nào?

Mùng 3 Tết Thầy trước cũng đơn giản, chỉ là học trò đến thăm thầy cô giáo, chúc tết đầu xuân thầy cô giáo, mọi thứ rất giản dị.

Khi còn đi dạy, học trò và phụ huynh đến chúc tết thầy cô, họ đến thăm thầy cô với tình cảm chân thành và một chút quà chúc tết cô giáo. Tôi còn nhớ, có một phụ huynh cứ mỗi dịp Tết là lại mang đến biếu cô giáo một con gà. Học sinh, phụ huynh còn mang đến cành đào, cặp bánh chưng, hộp mứt tết… Món quà nhỏ nhưng thể hiện sự chân thành, họ lễ Tết theo kiểu ngày xưa. Tết thầy cô vui và đầm ấm là vì vậy, mọi người không trọng hình thức, giá trị vật chất mà tất cả làm theo phong tục.

Nhưng xã hội theo một guồng quay thời gian cũng thay đổi đi. Những phụ huynh và học sinh đến với thầy cô giáo cũng có thể là lẵng quả, túi bánh kẹo nhưng bên trong kèm theo cái phong bì. Cuộc sống bây giờ là như thế, nhất là ở thành thị. Có chăng, chỉ ở vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh thì học trò mới đến với thầy cô giáo bằng những gì họ có, cân gạo, con gà, bó rau… là tình cảm tốt đẹp nhất dành cho người thầy. Có thể bởi vì bản thân họ cũng không có gì, cuộc sống còn nghèo và thiếu thốn nhiều.

PV. Vâng, thực tế này cho thấy xã hội ngày nay biến đổi nhiều quá, nhưng ngày trước, trong mỗi dịp Tết như thế này thì cô dành tặng học trò những gì trong lần gặp mặt đầu xuân?

Học trò trước những kỳ nghỉ tết dù không hẹn nhưng các em vẫn đến chúc Tết thầy cô giáo.

Học trò đến chúc Tết rất đông, mỗi dịp Tết là tôi chuẩn bị rất nhiều lì xì, lì xì cũng mang ý nghĩa là sự may mắn, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với học sinh của mình nên tôi thường chuẩn bị những món quà đầu xuân cho học trò với ý nghĩa như vậy.

PV. Cô vừa nói, những quan hệ giữa thầy với trò, cùng với truyền thống tôn sư trọng đạo trong xã hội hiện nay cũng đã thay đổi ít nhiều. Điều đó có phải vị thế người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi?

- Ngày nay học trò không còn bày tỏ sự tôn kính đối với người thầy như xưa nữa, dù đó không phải là học trò hư, mà do xã hội, quan niệm về người thầy cũng đã khác đi.

Trong xã hội hiện nay, người ta quan niệm người thầy trong nghề dạy học cũng chỉ là một nghề như những nghề khác, học trò cũng đã thay đổi suy nghĩ về người thầy.

Bây giờ khoảng cách giữa phụ huynh, học sinh với các thầy cô giáo cũng đã doãng ra, xa cách hơn, do xã hội thôi. Có thể do thầy cô giáo trên lớp dạy không hay, không giỏi bằng các thầy cô dạy thêm, hoặc có thể do chính những phụ huynh đã khiến những em nhỏ cũng thay đổi theo. Chính những biến đổi trong xã hội khiến cho quan hệ, tình cảm thầy trò thay đổi theo. Hàng loạt vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục cũng khiến cho người thầy không còn ở vị trí như nó từng có trong xã hội.

Ngay như tôi khi còn đi dạy là một giáo viên được học trò rất yêu mến nhưng giờ các em cũng chỉ đến trong ngày 20/11, còn dịp tết ít em đến…

PV. Ngày Tết đến chúc Tết thầy cô giáo là việc làm đẹp, theo những gì cô nói thì đây còn là hành động thể hiện phép tắc, lễ nghĩa, hơn hết là thể hiện văn hóa ứng xử của người dân Việt Nam. Vậy chúng ta cần làm gì để giữ gìn nếp sinh hoạt văn hóa này trong mỗi dịp Tết?

Trước hết phải khẳng định, đây là một truyền thống tốt đẹp và nên duy trì, giữ gìn trong bất kỳ xã hội nào, thời đại nào.

Theo tôi, những truyền thống như thế này rất có ý nghĩa trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, để giữ gìn nó thì không chỉ phụ thuộc vào các thầy cô giáo, các học trò mà phải toàn xã hội.

Trong xã hội hiện đại, đạo đức xã hội đã bị lung lay, quan niệm đạo đức xã hội đã thay đổi. Nên không chỉ dừng lại ở quan hệ thầy - trò mà còn là quan hệ bố mẹ. Còn rất nhiều học sinh ngoan, kính trọng thầy cô, nhưng tôn sư trọng đạo như xưa, kính trọng thầy cô một cách tuyệt đối như xưa thì không còn nữa. Nhiều khi giữa thầy với trò còn có những sự "khó nói" như đi học thêm trả thầy nhiều tiền hay ít tiền. Kinh tế xã hội, đạo đức xã hội làm ảnh hưởng tới mối quan hệ này, ảnh hưởng tới cả ngành giáo dục. Khi xã hội quá coi trọng đồng tiền thì nó cũng sẽ chi phối tới mọi quan hệ khác, làm đổ hết nền đạo đức vốn có. Con người coi trọng những giá trị vật chất hơn lễ nghĩa, tham vọng quá nhiều.

Thêm vào đó, chính sự phát triển của mạng xã hội, báo chí đưa tin… càng khiến những giá trị tốt đẹp này bị lung lay.

Tuy nhiên, không phải không có cách để xây dựng hình ảnh người thầy trong xã hội hiện đại với những phẩm chất đạo đức vốn có. Thầy cô giáo luôn là và phải là tấm gương sáng. Cần phải quan tâm đến các thầy cô giáo, đặt giáo viên lên vị trí cao nhất trong xã hội. Để làm được điều này, trước tiên phải quan tâm đến đời sống, chế độ, chính sách dành cho các giáo viên, lương bổng, thưởng Tết… để họ không cần phải dạy thêm hay làm những việc khác để kiếm sống.

Thử hỏi, những dịp tết như thế này, giáo viên được thưởng bao nhiêu (?), rất ít thôi. Thời cô còn đang dạy đã vậy rồi, rất ít, không đủ để sắm sanh chuẩn bị tết đâu.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp thưởng tết đến hàng chục, hàng trăm triệu, ít cũng hai tháng lương… hỏi vậy làm sao người thầy an tâm được? Bản thân xã hội đã không coi trọng nghề giáo, không coi trọng người thầy, thật là ngậm ngùi…

Giữ gìn truyền thống tốt đẹp phải từ con người. Tôi mong rằng các bậc cha mẹ, những người lớn, những người có trách nhiệm trong xã hội hãy dành sự quan tâm tới những thầy cô giáo hôm nay bằng những việc làm cụ thể, để thầy cô giáo không còn buồn tủi, để người thầy có được vị trí cao, trong hệ thống việc làm, ngành nghề trong xã hội. Các thầy cô không còn phải lo tới đời sống vật chất mà tập trung toàn tâm vào công việc như người thầy trong xã hội xưa…

Làm được những việc này mới mong giữ các nét đẹp về hình ảnh người thầy và truyền thống tốt đẹp trong văn hóa Việt.

Phương Anh (thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/mung-3-tet-thay-nhung-noi-niem-cua-nguoi-thay-trong-xa-hoi-hien-dai-2020012514064175.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY