Tâm sự hôm nay

Ký ức về những người thầy

Riêng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy đơn sơ trong sáng, thầy hiệu trưởng Lê Đình Vệ, vượt lên trên hoàn cảnh riêng tư để thương yêu hết lòng những đứa học trò nhỏ của mình; tôi cũng luôn biết ơn thầy Talưzin, người đã cho tôi mẫu gương của một nhà khoa học chân chính
Nhìn các cháu tôi háo hức chuẩn bị khai trường niên học 2014 - 2015, hồi tưởng lại bước đường dài đèn sách bút nghiên, tôi vẫn thấy xúc động, hồi hộp như ngày nào mới vào lớp một ở ngôi trường làng - Trường Sơ học yếu lược làng Phù Đê, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Từ ngày khai trường ấy đến nay đã gần 80 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in khung cảnh ngôi trường ngày hôm đó: cả trường im phăng phắc, mọi người đều hướng về phía thầy hiệu trưởng Lê Đình Vệ, chờ đợi buổi lễ bắt đầu. Thầy hiệu trưởng mặc áo sơ-mi trắng, quần dài màu xanh nước biển, xuất hiện với dáng vẻ thân thiện và giọng nói dõng dạc: “Hôm nay là ngày khai trường, các con phải chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ, thật thà và thương yêu, giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ mọi người”. Về phần thầy, thầy không hề nhắc đến mình một câu, nhưng cung cách của thầy khiến ai đã gặp thầy một lần khó mà quên được.

Một ngày khai trường nữa để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tôi, đó là ngày tôi bước vào giảng đường đại học y khoa. Năm 1953, cách nay đúng 61 năm, năm anh chị em chúng tôi được chọn đi thi vào trường Đại học Y khoa thứ nhất Mátxcơva (Liên Xô cũ) mang tên Sêchenov, đó là anh Nguyễn Văn Hợp, anh Đoàn Xuân Mượu, chị Trần Thị Thanh Thanh, và tôi.

Cả 5 anh chị em đều rất lo lắng khi bước vào môi trường mới, hoàn toàn xa lạ từ ngôn ngữ đến văn hóa, phong tục tập quán. Tuy đã được học tiếng Nga một năm (qua tiếng Pháp) để chuẩn bị cho niên học đầu tiên 1954 - 1955, nhưng không biết với vốn ngoại ngữ như vậy có giúp chúng tôi hiểu được các bài giảng của thầy cô không? Có đọc và hiểu được hàng chồng sách giáo khoa không?

Hồi hộp mong chờ, rồi ngày khai trường cũng đến vào đầu mùa thu năm 1954. Thầy hiệu trưởng, giáo sư tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Hàn lâm Talưzin, trong khi phải lo vô số việc cho năm học mới vẫn không quên nhắn nhủ sinh viên: “Trong khóa học này có nhiều sinh viên từ các nước bạn đến học như: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Mông Cổ, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc…, thầy giao nhiệm vụ cho các sinh viên Liên Xô phải sắp xếp để có thể ở chung, học chung với các sinh viên nước bạn, giúp các bạn đạt kết quả học tập tốt nhất”. “Được lời như cởi tấm lòng”, lời nhắn nhủ cũng là chỉ thị của thầy đã làm vơi đi bao lo lắng của sinh viên nước ngoài có mặt trong buổi lễ khai giảng ngày hôm ấy.

Cho đến ngày hôm nay, cả năm anh chị em học ngành y đầu tiên ở Liên Xô cũ đã thành đạt trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã tham gia đào tạo hàng ngàn cán bộ y tế bậc đại học (bác sĩ), trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2…), nhưng chúng tôi không bao giờ quên công ơn của những người thầy đã dạy chúng tôi không những trở thành những nhà chuyên môn, mà còn thành nhân nữa - làm người thì phải biết hướng tới cộng đồng để phục vụ.

Chúng tôi đều đã bước vào tuổi bát thập cổ lai hy, có người đã ra đi về với ông bà. Riêng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy đơn sơ trong sáng, thầy hiệu trưởng Lê Đình Vệ, vượt lên trên hoàn cảnh riêng tư để thương yêu hết lòng những đứa học trò nhỏ của mình; tôi cũng luôn biết ơn thầy Talưzin, người đã cho tôi mẫu gương của một nhà khoa học chân chính, một nhà giáo luôn chăm chút cho thế hệ kế thừa và tận tụy với bệnh nhân, cùng những quan tâm hết sức tinh tế đến sinh viên xa nhà, sinh viên ngoại quốc như chúng tôi.

GS.TSKH.BS. NGUYỄN KHÁNH DƯ

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ky-uc-ve-nhung-nguoi-thay-5776.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY