Ngoài kiến thức văn hóa học ở nhà trường, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ bản thân cũng là điều rất quan trọng mà các em phải được học. Đứng trước thực tế tỷ lệ trẻ em bị bạo hành và lạm dụng ngày càng tăng cao, những khóa học dạy kỹ năng cần được lan rộng để các em tự trang bị được kiến thức cho mình.
Anh Trần Minh Hải (SN 1971) suốt 25 năm qua tìm đến các trường mà đặc biệt là nơi cư trú của những đứa trẻ lang thang để truyền dạy kỹ năng tự vệ cho các em. Không đứng lớp cầm giáo án viết phấn bảng, anh Hải đi dạy bằng sự nhiệt thành và đã trở thành người thầy thầm lặng của hàng ngàn đứa trẻ đường phố.
Từ 30 năm trước, anh Minh Hải đã tìm đến các khu nhà ở tạm bợ của những đường trẻ đường phố. Trong một lần tình cờ đi ngang khu nhà xập xệ và trông thấy những cô cậu bé mặt mũi đen nhẻm sống bên trong, anh thấy mình có sự đồng cảm với các em và mong muốn được làm gì đó để giúp các em ít nhiều.
Năm 1993, anh Hải đọc được mẩu thông báo “Tuyển giáo dục viên đường phố” của Quỹ Terre des Hommes. Đây là một tổ chức phi chính phủ đến từ Thụy Sĩ với mục đích hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em. Thời điểm đó, đối với nhiều người cái chức danh giáo dục viên đường phố có lẽ rất lạ lẫm.
“Đợt đó có 150 người gửi đơn đăng ký, tôi nằm trong số 15 người được chọn. Nhiều người khi nghe qua chắc thấy lạ với công việc này, nhưng tôi thì biết rõ và biết được đây chính là nơi giúp mình thực hiện được mong muốn hỗ trợ trẻ em lang thang.
Tôi có sự đồng cảm với trẻ em đường phố. Các em là những đứa trẻ rất cứng rắn vì sống ngoài xã hội từ nhỏ, nhưng chính các em cũng là đối tượng mềm yếu nhất nếu đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Tôi từng đi đến khắp các ngõ hẻm, công viên, tìm đến từng em và động viên đưa các em về mái ấm để được đến trường”, anh Hải chia sẻ.
Sau nhiều năm tình nguyện làm giáo dục vì trẻ, anh Hải xác định công việc giáo dục viên đường phố hay nói chung là những người làm nghề về lĩnh vực xã hội cần phải chuyên nghiệp hơn. Do vậy, anh đã học thêm ngành Xã hội học tại Đại học Mở TPHCM và học về phát triển cộng đồng ở Philippines để trang bị kiến thức cho mình.
Năm 2012, anh Trần Minh Hải trở thành giám đốc một trung tâm giáo dục sức khỏe và phát triển cộng đồng, nhắm đến đối tượng là trẻ cơ nhỡ. Anh đã cùng các cộng sự tại trung tâm và rất nhiều tình nguyện viên thực hiện nhiều dự án ý nghĩa cho trẻ em, thanh thiếu niên.
Anh cho biết: “Thoại có lẽ là cậu học trò tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí. Năm đó tôi gặp, cậu chỉ là một đứa trẻ sống lang bạt qua ngày. Nhưng tôi đã giúp cậu ấy kết thúc chuỗi ngày khổ cực bằng cách gửi cậu về một mái ấm trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Chí Thoại, cậu học trò của anh Hải, từng là một đứa trẻ lang thang vượt lên số phận để trở thành giáo viên Anh văn.
Ở tuổi 22, Thoại mới học lớp 9, nhưng nhờ vào ý chí, cậu học từ sáng đến tối mịt và làm thêm để thoát hẳn ra cảnh khổ cũ. Thật không ngờ sau khi được đi học, Thoại bắt đầu ham thích và trở thành một giáo viên tiếng Anh. Trở thành thầy giáo Anh ngữ, Thoại tiếp tục giảng dạy lại cho những đứa trẻ đường phố để đứa bé nào cũng được giáo dục như chính cậu ngày trước”.
Ngoài Thoại, còn rất nhiều cô bé cậu bé đã vươn lên từ một đứa trẻ đường phố trở thành người có ích và đóng góp lớn cho xã hội, tiếp tục quay lại nâng đỡ những trẻ em lang thang khác.
Chủ đề liên quan:
bảo vệ trẻ em giáo viên kỹ năng sống lớp học đặc biệt người hùng thầm lặng người thầy trẻ em trẻ em lang thang