Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Ngân hàng giảm tối đa lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay

Hàng chục ngân hàng đã công bố giảm lãi suất với các gói tín dụng hấp dẫn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đã tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, trong đó nhiều nhà băng phải giảm tối đa lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay.

Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 9.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.

Đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã có phương án điều hành phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở… Cơ quan này cũng quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững trong thời gian tới.

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130.000 tỉ đồng. Cùng với đó, hơn 14.000 cá nhân, doanh nghiệp với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỉ cũng đã được các ngân hàng miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.

Đáng chú ý, đến nay đã có tới 318.000 khách hàng với dư nợ hiện hữu trên 980.000 tỉ đồng được các nhà băng hạ lãi suất. Trong đó, mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%. Thậm chí, một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng.

Ngoài ra, nhóm các nhà băng này cũng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi vay thông thường 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng và doanh số cho vay đạt trên 500.000 tỉ.

Theo cơ quan quản lý, nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỉ đồng dư nợ hiện hữu đã được các ngân hàng thương mại hạ lãi suất bình quân 1%, lợi nhuận của nhóm nhà băng này trong năm sẽ giảm ít nhất 100.000 tỉ đồng.

Số liệu từ SSI Research cũng thấy rằng nhóm các ngân hàng thương mại đã niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019 mới ghi nhận tổng cộng 110.662 tỉ đồng lợi nhuận ròng sau thuế.

Tại Vietcombank, từ ngày 15.4 đến ngày 30.9, nhà băng này quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho 90.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỉ đồng, chiến gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Nhà băng này còn giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19.

Trước đó, ngay từ giữa tháng 2.2020, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỉ đồng với lãi suất từ 4,5-5% năm. Tổng cộng 2 đợt giảm lãi suất, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỉ đồng.

Còn tại BIDV, với quy mô dư nợ lớn, ở đợt giảm lãi suất cho vay mới đây, ngân hàng này dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỉ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Đáng chú ý, trong một cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ ngành, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Như vậy, nếu nhóm "Big 4 ngân hàng" gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank có thể hy sinh 40% lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay thì đây là một con số rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Không những giảm lãi suất cho vay, hiện tại các ngân hàng đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm chi lương, chi thưởng, không chia cổ tức tiền mặt… để hỗ trợ doanh nhiệp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định nguồn lực của các ngân hàng hiện nay là có hạn nên không thể “cứu” tất cả mọi doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của các ngân hàng, các chính sách vĩ mô khác cũng cần nhanh chóng vào cuộc để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một khi doanh nghiệp khỏe thì sẽ hạn chế được nợ xấu mới phát sinh, giảm rủi ro cho hệ thống tín dụng.

Phan Diệu

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/ngan-hang-giam-toi-da-loi-nhuan-de-ha-lai-suat-cho-vay-137988.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY