Phóng sự hôm nay

Nghề hàng xén chốn non sâu

Những ngôi làng yên bình dưới thung lũng, trên núi đá hay lẻ loi giữa những tán rừng xanh thẳm như ôm ấp, chắn che cho bao phận người lam lũ.

Họ-Có người nửa đời chưa ra khỏi xã, gà gáy sáng thì thoăn thoắt lên rẫy, mặt trời lặn thì quẩn quanh với nhà ván rồi chìm vào giấc ngủ đêm. Đặt mình trong cảm thức và sự quẩn quanh ấy, bước chân của những người bán hàng xén di động ở các buôn làng Tây Nguyên lại như vội vã, cần mẫn hơn để kịp thời cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa góp phần làm nên những mùa lễ hội ấm cúng, đủ đầy, an toàn. Có những “ông xén”, “bà xén” còn trở thành những tuyên truyền viên đặc biệt bài trừ bớt những thói quen lạc hậu, cách tránh ngộ độc thực phẩm.

Những nơi xa nhất thực phẩm vẫn được cung cấp hàng ngày.

Tất thảy những người bước vào di động ở tây nguyên đều thấm tháp ngày tháng khốn khó nơi mình đặt chân đến. sinh sống ở xã cư prao (ma đ’rắc, đăk lăk) từ những ngày núi còn hoang vu, đường còn lởm chởm đất đá, anh trần văn toản thấm hiểu sự thiếu thốn lớn nhất của cộng đồng các dân tộc trong xã là thực phẩm tươi ngon, nhất là trong ngày đầu năm. từ buôn làng ra huyện vài chục ki-lô-mét, đi chợ một lần trữ hàng cho mấy tháng, ngộ độc vì ăn đồ ôi thiu diễn ra thường xuyên.

Rùng mình nhớ về những lần đánh vật trong nhà ván người thân, anh Toản chia sẻ: Tâm lý ngại đi xa, lại không có tủ lạnh bảo quản, thường mỗi lần ra chợ huyện là người dân mua cả bao thịt, cá, rau về để ăn nhiều ngày. Sợ thiu thối, thịt, cá kho đi, kho lại 10 ngày mới dùng vì không kho để vậy sẽ hỏng. Nhiều mùa xuân, có người phải nằm bẹp vì tiêu chảy do đồ ăn không đảm bảo hoặc nhiễm khuẩn.

Trỗi dậy những trăn trở, Nguyễn Văn Toản rủ thêm một số bạn bè ở xã khác góp tiền mua xe máy để tinh mơ mỗi sáng đến các chợ trung tâm của huyện mua hàng trăm ki-lô-gam thực phẩm lẫn các loại hàng hóa khác chở đến tận các buôn sâu. Để đảm bảo kịp thời, giao hàng chính xác, kết thúc một ngày giao hàng, màn đêm buông xuống, những hàng xén như anh Toản lại đến từng nhà tìm hiểu nhu cầu, ghi chép cẩn thận đồng thời lý giải cho họ hiểu tác dụng của việc dùng thực phẩm an toàn, còn tươi ngon và cam kết không bán giá cao hơn so với người dân trực tiếp lặn lội đến mua ở các chợ.

Gắn bó với nghề bán hàng xén di động gần chục năm nay, chị Lê Thị Tươi ở xã Cư Pui (Krông Bông, Đăk Lăk) tích lũy bao kinh nghiệm quý trong việc nắm bắt tâm tư khách hàng. Có những thôn cheo leo trên dốc cổng trời như thôn Ea Rớt chở được hàng hóa đến nơi và giao cho từng nhà xong thì hết trọn ngày - đêm.

Luôn để hình ảnh vui tươi, mong mỏi của những người mua hàng thường trực trong tâm thức nên bước chân của những hàng xén như chị Tươi vơi đi mỏi mệt. Xốn xang nhìn kho hàng của gia đình, chị Tươi háo hức: Mình dặn kỹ từng người rồi, nhất là các già làng, trưởng thôn phải nói cho dân hiểu, những đồ như quần áo có thể để dành lâu mới sử dụng cũng được nhưng đồ ăn hàng ngày nhất định phải mua đồ tươi. Người dân còn vất vả, có khi cả thôn như Ea Rớt chỉ vài nhà có tủ lạnh, thực phẩm vài ngày mình phải mang đến cho họ một lần. Riêng tại Ma Đ’Rắc và Krông Bông có hơn 50 hàng xén di động. Xuyên suốt mùa xuân được coi như mùa bận rộn nhất của những người hàng xén.

Ám ảnh trước những ca ngộ độc thực phẩm trong các ngày lễ đầu năm, Lê Thị Hậu ở xã Đăk Choog (huyện Đăk Glêi, Kon Tum) cũng tích cóp tiền mua xe tải hạng nhỏ chuyên chở hàng đến những nơi chỉ có thể cuốc bộ.

Trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi, cuốn sổ nhật trình hàng hóa của chị Hậu đã lên đến 6 tấn thịt heo, 2 tấn thịt bò, 900kg cá tươi...Vừa tất bật chất hàng lên xe, chị Hậu vừa bộc bạch: Tất cả đồ này đều đặt ở các lò mổ, các trang trại chăn nuôi hết. Nhiều xã như Mường Hoong, Đăk Plô xe tải nhỏ hay xe máy chỉ đến được xã, muốn vào buôn làng phải đi bộ cõng thực phẩm vào. Mỗi chuyến hàng, dù là xe tải hay xe máy thì cũng phải chất đủ thứ từ thực phẩm đến quần áo và các dụng cụ trang trí để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chật vật với đèo cao, vực sâu nhưng hàng ngàn người bán hàng xén di động ở Tây Nguyên tự thỏa thuận với nhau không bán hàng tẩm hóa chất hay giá “cắt cổ” cho những nông dân quanh năm chăm bẵm với ruộng rẫy. Đổi lại, bù vào những gian nan đó là việc thu mua các sản phẩm của người dân như: rau rừng, cây dược liệu, lúa rẫy... về các đô thị tiêu thụ.

Là người bán hàng xén di động duy nhất ở xã Đăk Man (huyện Đăk Glêi), bà Lê Thu Thảo quả quyết rằng: Người dân vùng sâu đã thiếu thốn, đã lạc hậu, thương lắm rồi nên không thể ép giá họ được. Làm vậy là tàn nhẫn. Đưa thực phẩm an toàn vào rồi lấy các “đặc sản” của buôn sâu ra, lợi cả đôi đường, người dân có thêm thu nhập. Từ chợ huyện Đăk Pek đến các buôn sâu nhất của huyện Đăk Glêi có khi mất 5 tiếng chạy xe máy, gặp trục trặc hay biến cố thời tiết, đến buôn muộn, nhà nhà lại túa ra ngóng trông nên không thể bỏ chuyến, ốm đau thì nhờ người đưa hàng thay.

Tinh mơ, người bán hàng xén di động đã chở thực phẩm đến các buôn sâu nhất của xã Ea Trang (Ma Đ’rắk).

Trên hành trình rong ruổi mang hàng hóa đến các buôn làng, những người bán hàng xén di động còn chắt lọc những nét đẹp văn hóa của nơi này làm chuyện kể cho nơi khác như món quà tinh thần, giúp người với người yêu thương, độ lượng với nhau hơn.

Quá đắm say với những điệu múa xoong của cộng đồng người Ba-Nar ở làng Kon Ktu (TP.Kon Tum, Kon Tum) bên dòng sông Đăk Bla huyền bí và thơ mộng, chị Nguyễn Thanh Hòa đã quay, chụp lại nhiều hình ảnh sống động để khi mang hàng hóa đến các xã của huyện Sa Thầy... thì đưa ra cho người Xê Đăng, Rơ Mâm, Ja Rai xem. Có người từ xã Hơ Moong, Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) mê mẩn quá xin “bám” theo chị Hòa đến TP. Kon Tum để được học theo các điệu múa xoong như: “Mừng lúa mới” “Mừng chiến thắng”, “Mừng giọt nước”, “Người Ba Na ơn Đảng, ơn Bác Hồ”...

Thân thiết tới độ xem buôn làng như nhà mình, chị Hòa tâm tình: Trước đây, một số nơi ở Sa Thầy còn tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều, thi uống rượu cồn xuân, nhưng nhận thấy rõ tác hại của những điều này nên từ những đêm phân phát hàng hóa và ở lại cùng bà con, những người bán hàng xén di động như chúng tôi lại cùng với người có uy tín trong cộng đồng tìm cách khuyên nhủ người dân nên tiếp cận nếp sống mới, không nên sử dụng bừa bãi đồ ăn lẫn Thu*c nam chưa rõ tác dụng. Từ đó, các thói quen có hại cho sức khỏe và làm nghèo kiệt đời sống được xóa bỏ dần.

Ở tận các buôn sâu của Sa Thầy, người dân vẫn yêu các nét đẹp văn hóa truyền thống như: Đánh chiêng, múa, đàn hát dân ca và luôn sẵn lòng giao lưu, học hỏi, trao đổi với các nơi khác. Là người có nhiều chiêng nhất ở xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), niềm vui của anh A Điểu như được nhân lên nhiều lần khi thông qua những người bán hàng xén di động, A Điểu đã tìm đến những người giỏi chiêng nhất ở Bắc Tây Nguyên để học hỏi và thành thục hàng trăm bài chiêng. A Điểu khoe rằng: Bây giờ đến các mùa lễ hội, các ngày cuối tuần hay các ngày trọng đại của làng, của xã có thể diễn chiêng thâu đêm phục vụ bà con rồi. Trước đây mình gìn giữ chiêng nhưng vì còn trẻ nên nhiều bài chiêng hay không biết. Những người bán hàng xén đến làng nghe chuyện đã kết nối mình với những người dạy đánh chiêng giỏi để học thêm.

Cũng chính những cuộc học hỏi, giao lưu lẫn nhau, nhiều gia đình, buôn làng đã kết nghĩa thành anh em, cùng đỡ đần nhau trong cuộc sống. Từ những thung lũng một thời chìm trong gian khó như xã Cư Prao, Ea Pil, Ea Trang, Ea Lai (huyện Ma Đ’rắk, Đăk Lăk), năm 2019 này cũng đã rộn ràng trong niềm ấm cúng, vui tươi. Và, sự hiện diện của những vị khách đặc biệt là người bán hàng xén di động góp thêm sự phong phú mọi mặt của đời sống.

Đến vỡ vạc và định cư ở xã Ea Lai gần nửa thế kỷ, ông Nông Văn Hoàng đúc rút: Nhiều bài hát quan họ, dân ca ở đây cũng nhờ các bà hàng xén giới thiệu đi học đấy. Họ không chỉ mang về hàng hóa tốt mà còn kết nối văn hóa nên buôn làng rất quý mến. Vật chất có lúc eo hẹp và nỗi nhọc nhằn đè nặng trên vai nhưng tinh thần sảng khoái, độ lượng, sức khỏe được củng cố, nương tựa vào nhau thì giông bão nào rồi cũng đi qua.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nghe-hang-xen-chon-non-sau-n153710.html)
Từ khóa: nghề hàng xén

Chủ đề liên quan:

nghề hàng xén

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY