Nhìn vào chuyến châu Âu và Trung Á lần này của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo có thể nhận ra được một định hướng chiến lược mới của Mỹ đối với không chỉ những nước mà ông Pompeo tới mà còn đối với cả Nga và Trung Quốc, nếu như không muốn nói rằng có thể đối với Nga và Trung Quốc còn là chủ yếu và trước hết.
Đáng được chú ý đến hơn cả là những nơi ông Pompeo công cán tới như Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan và cuộc gặp giữa ông Pompeo với người đồng cấp của 5 quốc gia vùng Trung Á là Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Nhờ sự kiện này là chính là phần "công du Trung Á" của ông Pompeo được để ý đến nhiều hơn phần "công du châu Âu".
Đương nhiên, ở đâu thì ông Pompeo cũng bàn thảo với chính phủ nước chủ nhà về chuyện quan hệ song phương. Ở đâu thì hiện cũng cần thiết hoặc có lợi cho phía Mỹ đến mức ông Pompeo phải cất công đi xa.
Ở Ukraine, sứ mệnh của ông Pompeo là thuyết phục Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky nếu không trợ giúp thì cũng không gây bất lợi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc ông Trump đang bị quốc hội tiến hành luận tội phế truất ở Mỹ mà gốc gác xuất xứ từ quan hệ giữa Mỹ với Ukraine. Khác với người tiền nhiệm ở Ukraine, ông Zelensky thời gian qua đã có những biểu hiện cho thấy không phải sẵn sàng nghe theo lời và chấp nhận giúp ông Trump. Hơn nữa, chơi được con bài Ukraine trong quan hệ của Mỹ với Nga thì chẳng phải vẫn luôn rất có lợi cho Mỹ hay sao?
Ở Belarus, mục tiêu của ông Pompeo lại có phần khác. Người này là quan chức cao cấp nhất của chính phủ Mỹ tới thăm Belarus trong thời gian 25 năm qua. Mỹ hiện vẫn duy trì những biện pháp chính sách trừng phạt Belarus. Chuyến thăm này của ông Pompeo vì thế mở ra thời kỳ quan hệ mới giữa Mỹ và Belarus.
Nhưng mục đích chính của ông Pompeo ở Belarus là "Ukraine hoá" Belarus theo hướng ngả về Phương Tây và xa lánh Nga. Ông Pompeo nhằm trúng vào tâm lý hiện tại của tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là cải thiện quan hệ với các nước Phương Tây và giảm phụ thuộc vào Nga về kinh tế và thương mại, đặc biệt về an ninh năng lượng. Ông Pompeo quyến rũ Belarus bằng mời chào là Mỹ có thể đáp ứng 100% nhu cầu của Belarus về dầu lửa với giá cung ứng thấp.
Ông Pompeo lần đầu tiên đến Kazakhstan. Với Uzbekistan, Mỹ có mối quan hệ hợp tác tuy không luôn suôn sẻ nhưng cũng khá tốt đẹp. Đất nước này đã từng đóng vai trò rất quan trọng đối với chiến lược an ninh và hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan và ở khu vực Nam Á. Cả ba quốc gia Trung Á khác kia cũng đều đã trở nên quan trọng hơn trước rất nhiều đối với Mỹ nếu Mỹ muốn đối phó Nga và Trung Quốc hiệu quả hơn.
Xem ra, cách tiếp cận của Mỹ ở đây được phản ánh qua chuyến này của ông Pompeo là để đối phó Nga và Trung Quốc thì không thể không tranh thủ chính những đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất của họ, phân rẽ họ với Nga và Trung Quốc, nếu không lôi kéo được họ vào quỹ đạo của Mỹ thì cũng đẩy họ ra khỏi phạm vi ảnh hưởng và kiềm chế của Nga và Trung Quốc.
Đối với Mỹ, các nước này chỉ là nhỏ nhưng chơi được con bài này thì kết quả và tác động lại không hề nhỏ. Ở những nơi này, cho tới nay Nga vốn có ảnh hưởng truyền thống và Trung Quốc cũng có khả năng tác động thiết thực hơn Mỹ.
Không phải phía Mỹ không ý thức được điều ấy. Nhưng bây giờ phía Mỹ mới theo đuổi cách tiếp cận và định hướng mới bởi, thứ nhất, nhu cầu đối phó Nga và Trung Quốc đã trở nên cấp thiết hơn và thứ hai, ở chính những nơi kia hiện đều có những tiền đề mới thuận lợi cho Mỹ theo đuổi định hướng chiến lược mới này.
Ukraine găng với Nga. Belarus muốn bớt lệ thuộc vào Nga. Ở các nước Trung Á hiện đều có những thay đổi thế hệ lãnh đạo và chuyển biến xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ của các nước này với Nga và Trung Quốc. Nga lại đang nỗ lực ràng buộc Belarus và phân hoá Ukraine với Phương Tây. Trung Quốc và Nga đẩy mạnh gắn kết các quốc gia Trung Á theo cả cách thức chung là sử dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và cách thức riêng là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Bằng chứng điển hình nhất là thành lập Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á hay những dự án Con đường tơ lụa mới, Một vành đai một con đường của Trung Quốc.
Định hướng chiến lược này của Mỹ được các nước liên quan nhìn nhận và tiếp nhận như một cơ hội để chơi con bài đối trọng. Dùng nó, các nước này đều có thể nâng cao được vị thế và tăng được cái giá của họ trong chiến lược của Mỹ cũng như trong quan hệ của họ với Nga và Trung Quốc. Cho nên, Mỹ sẽ gặt hái được kết quả nhất định với định hướng chiến lược mới này, nhưng chắc chắn không thể thành công hoàn toàn bởi các kia sẽ chỉ tận dụng Mỹ chứ không thể buông bỏ Nga và Trung Quốc để ngả hẳn về phía Mỹ.
Chủ đề liên quan:
bầu cử mỹ 2020 châu âu công du Dịch Dung đối tác Mỹ Ukraine Ngoại trưởng Mỹ Ngoại trưởng Pompeo Phân tích chuyện thời sự