Trong các vấn đề gặp về da thì ngứa ngoài da là một bệnh rất hay gặp vào mùa đông.
Ngoài các nguyên nhân gây ngứa do viêm da như: mày đay, vẩy nến, á sừng, mụn nhọt... thì hiện tượng ngứa khi trời lạnh là do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô. Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ như axit organic cùng với mồ hôi. Các axít hữu cơ có tác dụng giữ cho da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các axít hữu cơ khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.
Khô da mùa lạnh gây ngứa.
Trường hợp đợt giá rét ít ngày, da vẫn tiết ra đủ các axít hữu cơ giữ cho da ẩm, mềm, nhờn và đàn hồi tốt, thì chúng ta cảm thấy bình thường. Ngược lại với các đợt lạnh và khô hanh kéo dài, khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm hẳn, da sẽ bị khô nẻ, ngứa. Khi đến giới hạn an toàn của cơ thể, da không căng giãn thêm, không tiết mồ hôi và các axít hữu cơ để bảo vệ da thì lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi và nứt nẻ gây ngứa. Ngứa thì ta phải gãi, càng gãi càng rách da thêm và ngứa càng tăng.
Để bảo vệ da trong mùa lạnh, ngăn ngừa các bệnh về da nên lưu ý thực hiện các biện pháp sau đây:
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều loại rau có màu đậm, các loại củ quả như cà rốt, dưa, cam... có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi... chứa nhiều sulfur kích thích da.
Giữ vệ sinh cho da: Việc tắm rửa, vệ sinh thân thể hàng ngày là rất cần thiết, kể cả mùa đông vì nó có tác dụng loại bỏ vi khuẩn trên da, tránh tình trạng nhiễm trùng da, dẫn đến các bệnh về da trầm trọng hơn.
Khi tắm chỉ nên dùng nước đủ ấm, không chà xát mạnh. Nên dùng các loại sản phẩm xà phòng, sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn và thân thiện với làn da để đạt được mục đích loại bỏ vi khuẩn và bảo vệ da tốt hơn.
Bổ sung nước và các loại rau có màu xanh đậm giúp ngừa khô da.
Giữ ẩm cho da: Không chỉ người bị bệnh mà cả người không bị bệnh cũng cần giữ ẩm cho da bằng cách tránh sử dụng nước quá nóng, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mà không sử dụng bao tay. Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, nhất là những lúc vừa tắm xong.
Giữ ấm tay chân: Muốn ngăn chặn bị cước tay chân (cước là các đầu ngón tay, ngón chân bị sưng căng cứng, nổi màu đỏ mà đặc biệt là rất ngứa) thì trước hết cần giữ ấm cho mặt, nhất là mũi, tai. Vì đây là nơi gặp lạnh sẽ bị co thắt mạch, sau đó lan ra khiến tay chân tím tái...
Ngoài ra, việc luyện tập thể dục hằng ngày cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn nói chung và làn da nói riêng. Luyện tập và lao động vừa sức giúp khí huyết lưu thông, da được nuôi dưỡng tốt hơn. Bạn cũng đừng hút Thu*c lá vì nicotin làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới nuôi dưỡng da.
Nếu bạn là người có cơ địa dị ứng thì cần giảm thiểu thời gian sống trong môi trường có độ ẩm ít vì da dễ bị khô, dễ bị kích thích, làm tái phát bệnh dị ứng da theo mùa. Bạn phải luôn giữ ấm cơ thể, nhưng tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, bố... vì dễ gây kích ứng da.
Bạn cũng không nên mặc quần áo quá chật để tránh khỏi bị cọ xát, dễ gây kích thích tại chỗ. Các mỹ phẩm có tính giữ ẩm da như cetaphil, lacticane phù hợp với bạn và có tác dụng giúp cho da không bị khô, bong tróc vảy. Bạn cần tránh những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua... Một điều lưu ý nữa là bạn phải tránh tiếp xúc với các loại hóa chất dễ gây kích ứng da, nhất là các chất đã gây cho da bạn bị kích ứng trước đây.
Cuối cùng, điều rất quan trọng khi bị ngứa nhiều, ngứa kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng Thu*c phù hợp. Không được tự ý sử dụng Thu*c hoặc gãi mạnh gây trầy xước, gây nhiễm trùng, viêm da.
Chủ đề liên quan:
Ngứa da mùa lạnh