Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Người nghèo mong nhà giá rẻ

Trước thông tin, TP HCM đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp trong vòng hơn 4 năm tới, nhiều người  mừng vì có cơ hội để sở hữu nhà, nhưng vẫn lo là liệu may mắn đó có đến được với mình hay không? Và có đủ tiền để mua nhà hay không?

Kỳ vọng có chốn “an cư”

Anh Đàm Văn Hiếu chia sẻ, vợ chồng anh từ Nghệ An vào làm việc tại Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) được gần 10 năm. Hiện cả gia đình, bao gồm 4 người ở trong căn phòng trọ 25 m2. Anh Hiếu cho hay, những năm gần đây, thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng hơn 20 triệu/tháng. Chắt chiu lắm cũng chỉ dư ra vài triệu mỗi tháng để gửi về quê lo cho cha mẹ.

Theo anh Hiếu, với mức lương trên, gia đình chỉ nghĩ đến một căn hộ giá rẻ. Đã không ít lần, vợ chồng anh đi tìm hiểu để mua nhà ở xã hội, nhưng căn nào rẻ cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng/căn.

“Ngoài ra, người mua phải có tiền mặt ít nhất là 30%, tức là phải có khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền này, những người công nhân như chúng tôi lấy đâu ra, bởi số tiền tích lũy 10 năm qua cũng chỉ được khoảng 1 trăm triệu đồng. Hơn nữa, số còn lại ngân hàng cho vay (70%) cũng phải trả hàng tháng lãi và gốc…nên ý định mua căn nhà xã hội vẫn rất xa vời” - anh Hiếu chia sẻ.

Cũng giống như anh Hiếu, chị Phạm Thị Vân tâm sự, vợ chồng chị chuyển vào Nam làm việc, tại Khu công nghiệp Linh Trung II (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) được 8 năm. Thời gian này cũng dành dụm được một khoản tiền, muốn tìm cho mình một căn hộ giá rẻ để thoát khỏi cảnh ở trọ. Năm ngoái, vợ chồng chị tìm hiểu các dự án trên địa bàn Thủ Đức thì được đại diện chủ đầu tư hướng dẫn về làm các thủ tục như sao kê bảng lương, sổ tạm trú, chứng minh chưa có nhà,…

“Nhưng ngặt nỗi trong số giấy tờ chủ đầu tư yêu cầu có loại bị thiếu, chủ đầu tư không giải quyết nên đành lỡ hẹn. Bây giờ tiếp tục phải đợi, chưa biết đến khi nào mới mua được. Mong Nhà nước linh động về thủ tục, tạo điều kiện để chúng tôi có chốn nương thân ổn định” - chị Vân nói.

Hoàn cảnh tương tự những công nhân trên nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngọc, (quê xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã chọn giải pháp hồi hương ngay sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội. Anh Ngọc cho biết, gia đình anh vào Nam được hơn 5 năm. 2 năm đầu làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình), sau đó chuyển về làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) cho đến nay.

Theo anh Ngọc, trước đây hai vợ chồng cũng đã tìm hiểu mua dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh (TP HCM), xa chút cũng được, miễn là có nhà nhưng vì thu nhập quá thấp, chi tiêu tháng nào hết tháng đó thì lấy đâu trả gốc và lãi ngân hàng nên không thể vay với mức 70% giá trị căn hộ.

Hơn 4 năm xây 1 triệu căn, liệu có khả thi?

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố dự kiến sẽ phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng cho hay, việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM đến năm 2025 do Sở Xây dựng trình lãnh đạo thành phố, dự kiến sẽ được lãnh đạo thành phố họp và sớm xem xét thông qua.

Đề cập về chủ đề này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề về quản lý đô thị của thành phố, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Công nhân thuê nhà ở rải rác ở các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” để sản xuất trong dịch đã không làm được.

Tuy nhiên, nhiều người đánh giá, trong vòng 4 năm để xây 1 triệu căn nhà là nhiệm vụ không hề đơn giản. Đơn cử như 5 năm trước (2016 - 2020), TP HCM chỉ phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Tính đến năm 2020, TP HCM có hơn 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra trước đó là phát triển 20.000 căn.

Trao đổi về những giải pháp cơ bản, ông Lê Hòa Bình cho biết, thành phố sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của thành phố để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn. Cũng theo ông Bình, thành phố đã dốc toàn lực, thần tốc xây dựng được những bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng vài tuần. Các doanh nghiệp của thành phố cũng đã xây dựng được tòa nhà 81 tầng.

“Vậy mỗi năm, các doanh nghiệp của thành phố có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân ở được không? Quy định về pháp lý có rồi, thành phố sẽ giải quyết thần tốc về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp xây dựng nhanh” - ông Bình thông tin.

Theo các chuyên gia thị trường bất động sản, để phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp cho người lao động thu nhập thấp, vấn đề quan trọng hàng đầu là TP HCM phải có đất, thủ tục hành chính phải thuận tiện, đặc biệt là phải có biện pháp chống đầu cơ nhằm đảm bảo nhà giá thấp đến tay người thu nhập thấp.

TP HCM dự kiến sẽ phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng cho hay, việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM đến năm 2025 do Sở Xây dựng trình lãnh đạo TP, dự kiến sẽ được lãnh đạo Thành phố họp và sớm xem xét thông qua.

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/nguoi-ngheo-mong-nha-gia-re-5669963.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY